Sau chính xác 340 ngày bảy giờ 44 phút ở trong vũ trụ, nhà du hành vũ trụ Scott Kelly đã đáp xuống an toàn trên sa mạc Kazakhstan, kết thúc sứ mệnh vũ trụ lâu nhất từ trước đến nay trong lịch sử nước Mỹ.
Tim nhỏ lại và cao thêm 5 cm
Hệ quả đầu tiên có thể nhận thấy được sau gần một năm sống và làm việc của Scott Kelly trên vũ trụ, đó là ông đã bất ngờ cao thêm 5 cm. Lý giải hiện tượng này, các chuyên gia NASA cho biết sức nén của trọng lực Trái đất thường đẩy các đốt xương sống gần lại với nhau. Khi không có lực hấp dẫn này, các đốt xương sống giãn ra dần khiến một người trở nên cao hơn. Tuy nhiên, hiện tượng này sẽ chấm dứt khi du hành gia quay trở lại Trái đất. Dưới tác động của trọng lực, xương sống của Scott Kelly cuối cùng sẽ “co lại” và đưa ông về với chiều cao ban đầu.
Theo tờ The Guardian, du hành gia Scott Kelly cũng cho biết thị lực của ông có thay đổi khi sống trên vũ trụ. Các chất lỏng bên trong cơ thể dịch chuyển ở cấp độ phân tử trong môi trường không trọng lực. Điều này tạo một sức ép lên các dây thần kinh thị giác của ông. Trang thông tin khoa học Arstechinca cho biết hiện tượng này không quá xa lạ đối với những phi hành gia thực hiện các sứ mệnh có thời gian dài ngoài vũ trụ. Tuy nhiên, Scott Kelly sẽ tiếp tục được giám sát để xem liệu vấn đề về mắt của ông có trở nặng hơn về sau hay sẽ trở lại bình thường.
Nhà du hành vũ trụ vẫn có thể giữ thăng bằng tốt khi trở về Trái đất. Tuy nhiên, việc phán đoán lực ném của ông đã kém đi hẳn do không quen tính thêm tác động của trọng lực. Tờ Washington Post còn cho biết trái tim của Scott đã nhỏ lại hơn một chút so với thời điểm còn ở trên Trái đất.
Phi hành gia Scott Kelly hạ cánh xuống Trái đất an toàn vào ngày 1-3 sau 340 ngày sống trên vũ trụ. Ảnh: WASHINGTON POST
Làn da đau đớn
Scott Kelly cũng thừa nhận ông không ngờ rằng việc trở lại Trái đất sẽ có cảm giác “đau đớn” như hiện tại. Dưới tác động của sự khác biệt về trọng lực giữa vũ trụ và Trái đất, các nhóm cơ trong cơ thể ông Kelly hiện đều trong trạng thái mệt mỏi và đau nhức. Scott Kelly cho biết hầu như mọi nhóm cơ trong cơ thể ông đều trong tình trạng “khốn khổ” như thế.
Trong trạm không gian ISS, ở môi trường gần như không trọng lực, da của Scott Kelly không tiếp xúc quá nhiều với các vật chất xung quanh do chủ yếu ông “trôi bồng bềnh” trên không trung. Trở về với Trái đất, da của phi hành gia đã trở nên vô cùng mẫn cảm. Ông cho biết: “Tôi thấy cứ như da mình bốc cháy mỗi khi ngồi hay nằm xuống. Ngay cả việc mang giày đối với Scott cũng tạo cảm giác vô cùng khó chịu.
Nửa lít máu cho cuộc thí nghiệm song sinh
Sau một năm thực hiện dự án Nghiên cứu song sinh, đây là lúc để NASA chính thức so sánh các tác động của vũ trụ lên cơ thể con người. NASA đã cho tiến hành tổng cộng đến 18 nghiên cứu khác nhau đối với Scott Kelly trong khuôn khổ dự án Nghiên cứu song sinh này. Một trong các nghiên cứu đó sẽ so sánh bộ gen của hai anh em Mark và Scott Kelly để xem vũ trụ có thay đổi bộ gen của con người hay không, theo tiết lộ của Arstechnica. Trong khi người em Scott Kelly dành gần một năm trên trạm ISS thì người anh Mark lớn hơn anh sáu phút tuổi đời sẽ được lưu lại trên Trái đất làm “chuẩn” so sánh. Cả hai người đều có bộ gen và thể trạng y hệt nhau trước khi chương trình bắt đầu.
Phải mất nhiều thời gian hơn để có thể đi đến các kết luận quan trọng về những biến đổi ở cơ thể con người sau thời gian dài sống trên vũ trụ. Trả lời tờ USA Today, đồng quản lý chương trình Nghiên cứu con người của NASA, ông John Charles cho biết: “Quá trình phân tích dữ liệu chỉ vừa bắt đầu”.
Ông Charles cho biết ông Scott Kelly đã phải rút đến gần nửa lít máu trong suốt thời gian thực hiện sứ mệnh của mình. Tuy nhiên, một số mẫu máu vẫn còn đang nằm lại trên trạm không gian quốc tế ISS. Những mẫu này sẽ được mang về Trái đất trong khoảng tháng 5-2016 trên tàu vũ trụ SpaceX Dragon, có khả năng giữ lạnh và bảo vệ chúng không bị hư hại. Phía NASA thông báo các nghiên cứu sẽ được công bố trong thời gian ít nhất là một năm nữa.
Dọn đường lên sao Hỏa Với chuyến du hành kéo dài 340 ngày của Scott Kelly, NASA hy vọng những kết quả thu được sẽ chỉ ra được những mối nguy về thể chất và tinh thần mà một phi hành gia gặp phải khi ở trong vũ trụ quá lâu. Các kết quả này sẽ giúp những chuyên gia của NASA xây dựng các chương trình du hành vũ trụ với thời gian dài hơn, hướng đến sao Hỏa và các hành tinh khác. Theo tờ Sydney Morning Post, NASA đang dự tính sẽ đưa phi hành gia lên “hành tinh đỏ” trong thập niên 2030. Để làm được điều này, NASA phải đảm bảo những phi hành gia của mình được bảo vệ tối đa. Các nghiên cứu cho thấy việc bay đến sao Hỏa sẽ tốn ít nhất là chín tháng cho mỗi chiều. Cả quãng đường đi và về có thể lên đến 18 tháng. Những phi hành gia khi bước chân lên sao Hỏa cũng sẽ phải ở lại trên đó một thời gian để nghiên cứu. Chính vì thế, sứ mệnh sao Hỏa đầu tiên nhiều khả năng sẽ kéo dài trong nhiều năm. Chính vì vậy, các kết quả thu được từ chương trình Nghiên cứu song sinh, cũng như các chương trình tương tự trong tương lai, sẽ mang ý nghĩa quan trọng đối với mạng sống của các phi hành gia hướng đến sao Hỏa trong tương lai. Andrew Feinberg, chuyên gia của Trường Y học Johns Hopkins, nhận xét: “NASA đang tiến hành chương trình khoa học vĩ đại nhất trong lịch sử văn minh nhân loại. Họ đang tìm cách biến loài người, từ một sinh vật Trái đất thành một sinh vật thám hiểm vũ trụ”. |