Anh là Hoàng Hữu Mạnh, 35 tuổi, chủ một tiệm cắt tóc nhỏ ở (20 đường Lê Quý Đôn) TP Đông Hà (Quảng Trị). Hằng tháng anh luôn tìm đến những trại trẻ mồ côi, trung tâm khuyết tật, mái ấm tình thương, hội người mù… để hớt tóc miễn phí cho những người không may mắn ở đây. Anh còn đi đến các vùng miền núi để cắt tóc giúp cho bà con dân bản…
15 năm “hớt tóc tình nguyện”
“Sự nghiệp” cầm kéo tình nguyện của anh Mạnh bắt đầu từ những năm 1996-1997 khi những đứa trẻ thuộc mái ấm tình hồng Quảng Trị về học sửa xe máy ở tiệm sửa xe cạnh quán hớt tóc của anh.
Anh Mạnh nhớ lại: “Ba đứa trẻ dắt nhau qua cắt tóc nhưng không đủ tiền trả. Hỏi ra mới biết chúng đều là trẻ mồ côi. Tội nghiệp quá, mình miễn phí luôn cho cả ba”. Khi mấy đứa trẻ rời tiệm, anh buột miệng dặn với theo: “Nhắn mấy đứa nhỏ khác trên mái ấm cứ xuống đây anh cắt tóc miễn phí cho…”. Ngày qua tháng lại, chẳng thấy thêm đứa nào xuống. Tiệm sửa xe máy bên cạnh cũng đóng cửa vì ế ẩm. Nghĩ về mấy đứa trẻ, anh Mạnh lại thấy thương. Thế là anh quyết định lộc cộc xe đạp, mang theo đồ nghề tìm đến mái ấm tình hồng để xin được cắt tóc miễn phí cho các em. Chiếc xe đạp cùng thùng đồ nghề cũ kỹ từ đó mỗi tháng đều đặn theo anh Mạnh đến với bọn nhỏ. Các em reo lên từ xa khi thấy anh Mạnh, rồi ngay ngắn xếp hàng chờ anh cắt tóc. Nhận ra niềm vui vô bờ từ ánh mắt các em, anh Mạnh lại tìm đến nhiều địa chỉ khác ở Đông Hà như hội người mù, trung tâm khuyết tật… để làm thợ cắt tóc miễn phí.
Anh Mạnh cắt tóc cho bà con người Vân Kiều ở A Bung trong chuyến đi tình nguyện hè lên vùng này. Ảnh: TP
Mấy năm trước, lần nọ có người khách trẻ đến tiệm anh cắt tóc. Trong câu chuyện, anh Mạnh biết được Tỉnh đoàn Quảng Trị sắp có đợt đi làm từ thiện tại xã miền núi A Vao, huyện Đakrông. Hôm sau anh đến tỉnh đoàn mở lời xin được đi cùng đoàn lên miền núi để cắt tóc cho dân bản. Được sự đồng ý của tỉnh đoàn, anh Mạnh đã gom tất cả đồ nghề cùng mấy người học trò theo đoàn thanh niên tình nguyện lên vùng núi phục vụ dân bản. “Sau hai ngày lăn lộn cùng núi rừng, bốn thầy trò đều đen nhẻm nhưng ai cũng vui bởi đã làm đẹp miễn phí được cho mấy trăm mái tóc” - anh Mạnh chia sẻ.
Những năm sau đó, cứ đến kỳ nghỉ hè là anh Mạnh lại ghé qua tỉnh đoàn hỏi về kế hoạch đi tình nguyện để tham gia. Anh Mạnh còn tìm đến Sở Y tế, các trường học, cơ quan… để xin nhập cuộc khi nghe tin họ có chương trình đi tình nguyện miền núi.
Anh Mạnh kể lại một kỷ niệm vui trong một lần đang “tác nghiệp” ở xã A Vao. Lần ấy có già làng kéo anh ra một góc để bày tỏ một câu thiệt bụng, rằng già thấy tay nghề của anh quá chuyên nghiệp, sao không về mở tiệm cắt tóc mà kiếm sống cho nhẹ nhàng. “Hóa ra bấy lâu nay dân bản vẫn ngỡ mình là cán bộ đoàn…” - anh cười nhớ lại.
Những năm tháng theo chân đoàn làm từ thiện, có một chuyện làm anh Mạnh cảm thấy áy náy vô cùng. Đó là trong chuyến đi tình nguyện cùng đoàn Sở Y tế tỉnh Quảng Trị lên xã A Bung (Đakrông) cách đây ba mùa hè. Lần đó theo kế hoạch buổi trưa gần về sẽ cắt tóc cho cán bộ xã. Nhưng khi cắt tóc cho bà con xong thì đã muộn nên anh Mạnh ghi vội mấy dòng địa chỉ vào một mảnh giấy rồi nhét vào tay một cán bộ xã. Thật không ngờ, mấy tháng sau có người đưa mảnh giấy đến tìm anh Mạnh thật. Nhìn tờ giấy nhàu nhĩ, một lúc sau anh mới nhớ đó chính là mảnh giấy mình ghi vội mấy tháng trước. “Hỏi ra mới biết là người cán bộ xã này đang về Đông Hà học, nhớ lời hẹn cũ nên lần theo địa chỉ trong mảnh giấy đến tiệm cắt tóc bù cho lần cắt “hụt” trước…” - anh Mạnh thuật lại.
Các học trò cùng thầy Mạnh trong chuyến tình nguyện hè. Ảnh: TP
Rèn nghề, rèn cả cái tâm
Tiệm của anh Mạnh luôn có vài học trò học nghề. Đến nay anh Mạnh đã có đến vài chục học trò. Một lần ghé tiệm của anh Mạnh, thấy anh hí hoáy “múa kéo”, bên cạnh là hai người học trò đang dỏng tai nghe thầy truyền nghề. Bài học thường nhật anh Mạnh dạy cho học trò không phải lúc nào cũng là cách thức lượn kéo để tạo kiểu tóc mà còn là những bài học về cuộc đời và lẽ sống. “Sống cho có ý nghĩa, sống không chỉ cho riêng mình…” là những điều mà anh Mạnh luôn gieo vào lòng học trò. Mười mấy năm xách kéo đi làm từ thiện khắp nơi, lúc nào anh Mạnh cũng mang theo học trò. “Không phải để luyện nghề mà để luyện cái tâm. Tự tay làm việc giúp ích cho đời, các em sẽ thấy giá trị cuộc sống” - anh Mạnh giải thích.
Học trò của anh Mạnh đều là những người đặc biệt. “Đây là Hiếu, ở ngay cạnh làng mình, thấy nó đi bụi tội nghiệp nên mình năn nỉ nó về rồi truyền nghề cho; còn đứa kia là cu An, ở tận Vĩnh Linh. Bố nó bỏ đi từ khi nó mới một tuổi đến nay chưa về. Nó bị thiểu năng trí tuệ nhưng cũng theo anh học nghề được mấy tháng rồi…”. Anh Mạnh lần lượt lần giở từng tấm ảnh giới thiệu từng đứa học trò. Những học trò của anh đều có thân phận thiếu may mắn. Họ vốn là trẻ lang thang, trẻ mồ côi, con nhà nghèo rớt mùng tơi. “Có lẽ mình có duyên với những phận đời như thế” - anh Mạnh mỉm cười.
Anh Mạnh đang truyền nghề cho hai học trò An và Hiếu. Ảnh: TP
Điều làm anh Mạnh vui nhất là học trò anh ý thức được thân phận của mình nên đều cố gắng học thành nghề. Không ai quên ơn anh. “Nhớ ơn anh thì hãy làm theo anh”, anh chỉ căn dặn đơn giản thế mỗi khi có học trò bước vào đời. Bài học của anh được học trò thực hiện răm rắp. Từng người sau khi về mở tiệm riêng làm ăn, thi thoảng lại trở về Đông Hà theo thầy đến các trung tâm mồ côi, trại khuyết tật, hội người mù để cắt tóc miễn phí. Mỗi tháng anh Mạnh chia nhỏ từng nhóm tỏa đi các nơi để giúp những người bất hạnh.
Nguyễn Đức Sơn, một học trò của anh Mạnh, hiện đã mở tiệm riêng ở gần cầu Đông Hà. Sơn là người hăng hái nhất trong việc nối nghiệp cắt tóc từ thiện của thầy. “Bảy tuổi em đã sống lang thang, rồi được đưa vô mái ấm tình hồng. Hằng tháng được anh Mạnh lên cắt tóc giúp cho. Giờ em thành nghề rồi, em phải quay lại giúp những người giống mình ngày xưa” - Sơn tâm sự.
TUẤN PHONG