Ngày đó lũ học trò quê chúng tôi đến lớp đến trường chỉ toàn là ghe xuồng vì quê tôi Bến Tre sông rạch đan xen. Trường nghèo nên trống trước hụt sau, giáo viên trên tỉnh về đây vài tháng là đào nhiệm vì quá nhiều thiếu thốn, kham khổ. Nước mặn, đồng sâu, không điện, không đường, trường xuống cấp. Tất cả đã không níu chân được những kỹ sư tâm hồn cao thượng mà chúng tôi thường bắt gặp trong trang sách học của mình.
Rồi một ngày, chúng tôi đón cô về. Cô có cái tên rất ngộ nghĩnh khó quên Trần Thị Thật Thà. Nghe nói quê cô ở huyện Chợ Lách, mới “điều” xuống đây công tác. Chúng tôi bảo nhau: Xuống vài tháng lại “vọt” chớ gì, tiểu thư yểu điệu thục nữ như cô sao mà chịu được những khó khăn gian khổ chốn quê nghèo. Hàng chục chiếc xuồng ba lá “hộ tống” cô từ vàm sông cái về trường. Cô im lặng, đôi mắt rất tự tin ngời sáng.
Buổi lên lớp đầu tiên, cô dạy rất hay, hay đến nỗi chúng tôi quên cả giờ ra chơi như thường lệ. Đến nay tôi vẫn nhớ hoài nội dung các bài học Hịch tướng sĩ, Đại cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi, bài văn Tôi đi học, bài thơ Bà má Hậu Giang của Tố Hữu… do cô dạy rất hấp dẫn và sâu sắc.
Sau giờ lên lớp, chúng tôi thường tụm năm tụm bảy xúm xít quanh cô nghe kể chuyện cổ tích. Ai có tôm, cá, cua đồng, ba khía đều mang tới làm món ăn cho cô bớt thiếu thốn. Nhà đứa nào có đám giỗ, đám cưới, đám hỏi, thôi nôi, đầy tháng, cúng căng… cũng nhất định bơi xuồng mời cô tới nhà cho bằng được.
Một hôm, tôi chợt nhìn thấy cây viết máy Pilotmới cáu cạnh của cô bỏ quên trên bàn sau giờ lên lớp. Với học trò nghèo như tôi, cây viết đó là niềm ước mơ to lớn vì nó rất đẹp và đắt tiền mà tôi thì quá nghèo. Vậy là tôi đã lấy cắp cây viết ấy. Hôm sau vào lớp, cô thông báo việc để quên cây viết. Cả lớp im lặng nhìn nhau nghi kỵ. Những đôi mắt đổ dồn vào thằng Quắn vì tính nó hay tinh nghịch và ăn cắp vặt. Quắn khóc. Cô giáo cũng khóc. Cô kể đó là cây viết kỷ niệm lúc cô mới ra trường được ba cô tặng làm kỷ niệm, mấy ngày sau ông mất vì cơn bệnh hiểm nghèo.
Đêm đó tôi không ngủ được vì ân hận, vì xấu hổ vì mình là đứa ăn cắp. Mình đã đổ oan cho thằng Quắn một cách yếu hèn. Tờ mờ sáng, tôi bơi xuồng đến bên ngôi nhà lá dành cho giáo viên tạm trú với sự hồi hộp, lo lắng có, hối hận có. Cây viếtPilot được gói trong chiếc bọc nylon. Tay tôi run lên bần bật khi đẩy nó vào khe cửa lá rồi bơi xuồng thục mạng như sợ cô nhìn thấy.
Tại buổi học sáng, cô nói đã tìm lại được cây viết do cô để quên trong chiếc cặp da của mình. Cô nói các bạn đừng nghi oan cho Quắn nữa. Cả lớp vui cười hớn hở, riêng tôi cúi gằm mặt xuống đất không dám nhìn ai. Tan học, khi các bạn tíu tít ra về, cô gọi tôi đến và nói: “Em thích cây viết này lắm phải không? Cô tặng em đó. Cố gắng học, đừng để phụ lòng cô. Sáng nay, cô đã thấy em bơi xuồng đến trả lại viết cho cô rồi”. Tôi xấu hổ vô chừng. Vậy là cô đã trông thấy tôi nhưng cô vẫn im lặng. Một sự im lặng giản đơn nhưng là bài học lớn với tôi. Tôi đã khóc.
Cô Thà đã dạy ở quê tôi hơn sáu năm, sau đó nghe nói đã chuyển về quê vì mẹ cô thường xuyên đau ốm cần cô chăm sóc mỗi ngày. Từ đó đến nay tôi không có dịp gặp cô nhưng mỗi lần nhìn cây viết Pilot xưa, tôi nhớ cô rất nhiều và luôn tự nhủ với lòng mình phải sống trung thực thẳng ngay như lời cô căn dặn.
SONG ANH