NHỮNG ÔNG CHỦ CÔNG NGHỆ - BÀI 4

‘Cha đẻ’ của nền tảng y tế trực tuyến

ViCare.vn là cổng thông tin tư vấn y tế cho cộng đồng. Phạm Anh Đức lập dự án này với kỳ vọng tạo cuộc cách mạng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho người Việt dựa vào công nghệ và Internet. “Mặc dù có nhiều kinh nghiệm khi làm cho những công ty lớn như McKinsey, Lazada, VNP Group nhưng khi bắt tay khởi nghiệp về lĩnh vực nhạy cảm như y tế, tôi cũng nếm không ít chông gai. Có lẽ trở lại với ngành y cũng là một cái duyên được định sẵn. Đây cũng là cơ hội để thách thức bản thân mình khi dấn thân vào một lĩnh vực mới” - anh Phạm Anh Đức, CEO ViCare.vn, chia sẻ.

Khởi nghiệp với chữ duyên

Trước khi thành lập ViCare.vn, Phạm Anh Đức có bảy năm đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong lĩnh vực thương mại điện tử. Có lẽ chừng ấy năm đã là đủ cho khoảng thời gian đi làm thuê để anh tích lũy kinh nghiệm. Tháng 10-2015, Đức rời vị trí CEO của Nhanh.vn và giám đốc thương mại của VNP Group để chính thức hiện thực hóa đam mê của mình.

Sinh ra trong gia đình có cha mẹ đều theo ngành y, tuy thi đỗ trường y nhưng Đức không chọn ngành y để học mà chọn theo học tại ĐH Ngoại thương. Giờ anh quay trở lại với ngành âu cũng là cái duyên được định sẵn.

 Ý tưởng xây dựng ViCare.vn đến với Đức bởi một cụm từ “vừa thừa vừa thiếu”. Đức lý giải: “Người bệnh hiện đang thừa thông tin nhưng lại thiếu những thông tin xác thực và độc lập, được cung cấp bởi những bác sĩ (BS) và những chuyên gia. Việc đưa ra quyết định đi khám ở đâu, chữa trị như thế nào với người Việt vẫn mang cảm tính và chủ yếu vẫn thông qua sự giới thiệu của những người thân quen. Vậy tại sao mình không đưa công nghệ vào để giải quyết vấn đề về thông tin y tế còn tồn đọng trong khi công nghệ đã và đang trở thành giải pháp tối ưu cho cuộc sống này”.

ViCare ra đời nhằm giải quyết vấn đề mà nhiều công ty khác cũng đã lựa chọn, đó là thông tin y tế. Ảnh: Nhân vật cung cấp

“BV” trực tuyến ra đời

Tháng 10-2015, Phạm Anh Đức chính thức khởi nghiệp và tập trung toàn lực cho việc thực hiện ý tưởng và đam mê của mình. Chỉ sau ba tháng, ViCare chính thức ra mắt thị trường. Sao lại chọn khởi nghiệp về y tế mà không phải một website thương mại điện tử? Đức tâm sự: “Vì đây là ý tưởng mang ý nghĩa lớn với cộng đồng, đồng thời lại là thách thức cho bản thân tôi khi dấn thân vào một lĩnh vực mới. Tôi nhận thấy đây là cách hay để tôi tận dụng mạng lưới những người có quan hệ rộng trong ngành, hiểu ngành, luôn đồng hành và sẵn sàng đưa ra những lời khuyên thiết thực nhất về khám chữa bệnh đến cộng đồng”.

Vậy là từ ý tưởng sơ khai đó, hơn một năm đi vào hoạt động, ViCare của Đức đã xây dựng được một cơ sở dữ liệu với trên 40.000 cơ sở y tế và 32.000 BS trên khắp cả nước, số liệu này luôn được cập nhật và bổ sung hằng ngày. Mỗi tháng ViCare.vn có 1.300.000 lượt truy cập tự nhiên, nhận 20.000 câu hỏi từ người dùng, bao gồm các câu hỏi về thông tin cơ sở y tế lẫn những câu hỏi chuyên môn.

ViCare giúp người dùng trả lời câu hỏi “Tôi bị bệnh gì?” thông qua tra cứu cơ sở dữ liệu về bệnh, triệu chứng thu thập từ hàng trăm ngàn thắc mắc tương tự của người bệnh khác. Đặc biệt, những thắc mắc này được kết nối trực tiếp đến BS và chuyên gia về lĩnh vực mà người bệnh cần tư vấn.

Dễ nhận thấy Đức không chỉ xây dựng kênh thông tin đơn thuần mà anh còn xây dựng luôn kênh tương tác, cầu nối giữa người dùng và các cơ sở y tế, BS thông qua các hình thức đánh giá và bình luận để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Vấp ngã để trưởng thành

Bất kỳ một công ty khởi nghiệp nào để tồn tại và phát triển rất cần đến sự thích nghi, bản lĩnh đương đầu với mọi tình huống. Đấy là chưa kể từ ý tưởng đến thực tế là một trời một vực. “Mặc dù có nhiều kinh nghiệm khi làm cho những công ty lớn về thương mại điện tử nhưng khi bắt tay khởi nghiệp về lĩnh vực nhạy cảm như y tế, tôi cũng gặp không ít khó khăn. Thứ nhất về mặt thông tin và quản trị tài chính, thứ hai là làm sao để xây dựng được một mạng lưới các BS tham gia vào cộng đồng y tế của ViCare để mang lại những thông tin chính xác và có chuyên môn cao đến với người dùng… Đúng là một hành trình dài hơi và tốn nhiều nguồn lực” - Phạm Anh Đức nhớ lại.

“Hơn nữa, do thói quen tìm kiếm thông tin về sức khỏe và dịch vụ y tế còn chưa phổ biến đối với người Việt Nam. Ban đầu khi đưa sản phẩm ra thị trường, lượt tiếp cận website rất khiêm tốn. Nhưng sức khỏe luôn là vấn đề quan trọng nhất với mỗi cá nhân, ngành y đang chú trọng phát triển cũng như xây dựng thêm nhiều cơ sở y tế. Nhưng không phải ai cũng có đủ thời gian xếp hàng cả một ngày dài để chờ khám bệnh ở các bệnh viện lớn cả. Đấy lại chính là “trong nguy có cơ” để ViCare đến gần hơn với cộng đồng và khẳng định mình” - Đức chia sẻ thêm.

Việc tìm kiếm thông tin qua Internet để lựa chọn cơ sở y tế phù hợp là xu hướng tất yếu với người Việt trong thời gian tới. Muốn ViCare lớn mạnh, hơn ai hết Đức hiểu rằng ViCare phải tìm được những nhà đầu tư có cùng định hướng, cùng nhìn về con đường dài hạn của doanh nghiệp. Chính vì đi đúng hướng khi tập trung vào y tế và giải quyết được các vấn đề, nhu cầu thiết yếu của người dân, quá tải về cơ sở vật chất, thiếu BS và cơ sở khám chữa bệnh... Sau ba tháng đi vào hoạt động, ViCare đã hoàn thành vòng gọi vốn đầu tiên với các nhà đầu tư thiên thần.

Khi ngành y tế của Việt Nam đang quá tải về dịch vụ, thiếu thốn cơ sở vật chất chăm sóc y tế, số lượng giường bệnh còn quá ít và tỉ lệ các BS, chuyên gia y tế còn thấp… thì ViCare.vn của Đức và các cộng sự đang cố giải quyết những vấn đề trên là hoàn toàn có cơ sở. “Thời điểm này tôi đã khá tự tin với những kiến thức mà mình trang bị được. Đó cũng là một nền tảng quyết định tốc độ phát triển và tiềm năng của ViCare trong mắt các nhà đầu tư” - Phạm Anh Đức chia sẻ.

Khởi nghiệp với tài chính hạn chế

Điều gì đã giúp Đức chuyển bại thành thắng khi khởi nghiệp với tài chính hạn chế, khó khăn trong vận hành và nhân sự còn thiếu? “Đó là nhờ tinh thần đồng đội, tinh thần nhìn về một hướng của đội ngũ sáng lập, mọi người đều ý thức về trách nhiệm giúp đỡ nhau để cùng học hỏi. Ở ViCare, ai giỏi mảng nào, người đó sẽ hỗ trợ người khác kỹ năng của mảng đó. Để làm sao tất cả nhân viên của ViCare đều có được những kỹ năng cơ bản để trở thành những người đứng đầu. Đó là sự bù đắp mà ViCare có thể mang đến cho đội ngũ nhân sự đã đồng hành, sẵn sàng chấp nhận, chia sẻ khó khăn, vất vả của một startup. Có một văn hóa khác mà ViCare đang nỗ lực gây dựng, đó là luôn chấp nhận cho các bạn trẻ được thử thách và thất bại nhiều lần” - Đức chia sẻ.

Hiện tại ViCare đã hoàn thành vòng gọi vốn thứ hai với sự tham gia của hai quỹ đầu tư quốc tế là CyberAgent Ventures của Nhật và Pix Vine Capital từ Singapore.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm