Chặn cơn bão giá để giảm gánh nặng cho dân

(PLO)- Thời gian gần đây, giá hàng loạt mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng mạnh, đè nặng lên người tiêu dùng (NTD), đồng thời khiến doanh nghiệp (DN) ngành lương thực, thực phẩm chịu áp lực lớn.

Trò chuyện với Pháp Luật TP.HCM xung quanh vấn đề này, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM, nhấn mạnh: “Nhà nước cần khẩn trương giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu để kiểm soát lạm phát”.

Người tiêu dùng đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu, mua sắm. Ảnh: TÚ UYÊN

Không tăng giá sản phẩm thì khó trụ nổi

. Phóng viên: Thời gian qua, nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm lập mặt bằng giá mới, tạo gánh nặng rất lớn cho NTD. Bà nhìn nhận gì về thực tế này?

+ Bà Lý Kim Chi (ảnh): Từ đầu năm đến nay xăng dầu tăng giá liên tục và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khiến cho chi phí vận chuyển tăng cao, dẫn đến giá vốn cấu thành để tạo ra sản phẩm tăng lên. Bên cạnh đó, giá nguyên phụ liệu tăng cao khiến chi phí sản xuất của DN tăng lên 20%-30%.

Điều này đã tác động rất lớn đến giá thành sản phẩm khiến hầu hết giá cả hàng hóa thiết yếu trên thị trường đều tăng.

. Nhưng điều đáng lo ngại là ngay cả các mặt hàng trong diện bình ổn của TP.HCM cũng tăng giá khá cao?

+ Thực tế đa phần các công ty tham gia chương trình bình ổn thị trường đều đã nỗ lực giữ giá. Tuy nhiên, từ đầu tháng 4, một số đơn vị sản xuất trứng gia cầm không thể tiếp tục kìm giá được nữa vì sẽ đối mặt với nguy cơ thua lỗ, dừng hoạt động nên phải đề xuất với cơ quan chức năng TP.HCM cho điều chỉnh tăng giá phù hợp.

Mới đây, Sở Tài chính TP.HCM đã đồng ý cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh trứng gia cầm tăng giá bán lẻ 5,7%-6,8% từ ngày 15-6. Trước đó, hồi tháng 4, giá trứng bình ổn cũng được cơ quan chức năng cho phép tăng 6%-7% so với năm 2021.

Thời gian qua, giá xăng dầu tăng cao làm gia tăng lạm phát, tạo sức ép lớn lên NTD và chi phí sản xuất của DN.

. Trên thực tế không chỉ các công ty trứng gia cầm tăng giá mà các lĩnh vực khác cũng tăng giá cao, thưa bà?

+ Hiện tại các DN đang nỗ lực duy trì giữ giá cả hàng hóa ổn định bằng cách chấp nhận hạ mức lợi nhuận xuống tối thiểu, thậm chí hòa vốn. Qua đó cùng chia sẻ khó khăn với người dân và kích cầu tiêu dùng tăng trở lại.

Tuy nhiên, đến một lúc nào đó nếu tình hình giá nguyên liệu đầu vào và giá thị trường tiếp tục tăng cao hơn nữa, DN sẽ tính toán đến việc điều chỉnh phù hợp. Song mức tăng giá cũng chỉ điều chỉnh trong giới hạn mà NTD có thể chấp nhận được.

Lạm phát thời gian tới
còn căng thẳng

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân sáu tháng đầu năm tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 1,25%. Chỉ số giá tiêu dùng tăng chủ yếu do giá xăng dầu trong nước tăng 51,83% so với cùng kỳ năm trước, giá gas tăng 25,92%, giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng 3,5%, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 7,95%...

Dù mặt bằng giá cơ bản vẫn được kiểm soát nhưng Tổng cục Thống kê cho rằng áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm còn khá lớn.

Xoay xở để kìm giá

. Ngoài chuyện tăng giá sản phẩm để duy trì sản xuất, các DN đã áp dụng những giải pháp nào để xoay xở, hạn chế mức tăng giá thấp nhất?

+ Tôi cho rằng đối với chi phí nguyên phụ liệu đầu vào thì DN không có cách nào giảm được vì việc mua phụ thuộc vào quy luật cung cầu, theo giá cả thị trường. Do vậy, để cắt giảm chi phí sản xuất, các DN nên chủ động nuôi trồng, phát triển thêm vùng nguyên liệu; tối ưu hóa quy trình sản xuất, ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất lao động.

Các DN cắt giảm các chi phí quản lý một cách hợp lý cũng như đa dạng mặt hàng để tăng tính cạnh tranh, chia sẻ lợi nhuận. Ngoài ra, các DN cũng nỗ lực cắt giảm các chi phí cấu thành vào giá sản phẩm khi đến NTD, đó là chi phí phân phối.

. Trong thời gian dịch bệnh COVID-19 căng thẳng, chuỗi cung ứng thị trường bị đứt gãy. Vậy các DN rút ra bài học gì để giảm thiểu rủi ro?

+ Khi xảy ra đứt gãy chuỗi cung ứng, các DN sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Bởi việc thiếu nguyên liệu dẫn đến công suất hoạt động sản xuất giảm đáng kể, có thể bị lỗ nặng vì hoạt động cầm chừng, dây chuyền sản xuất hiện đại tốn tiền mà không có nguyên liệu để sản xuất.

Vì vậy, tôi cho rằng các DN phải chủ động thay đổi tư duy sản xuất, cùng đoàn kết lại để liên kết phát triển vùng nguyên liệu. Chẳng hạn lựa chọn xây dựng vùng nguyên liệu tại các địa phương có thế mạnh và có tiềm năng phát triển.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần có chính sách hỗ trợ phát triển, hỗ trợ để DN phát triển nguồn nguyên liệu như chương trình bắc cầu giao thương giữa UBND TP.HCM với chính quyền các tỉnh ĐBSCL. Khi đó việc phát triển vùng nguyên liệu mới đạt hiệu quả tích cực.

. Bên cạnh sự nỗ lực của các nhà sản xuất, kinh doanh, hội kiến nghị gì để Nhà nước hỗ trợ các DN giảm chi phí trong bối cảnh hiện nay?

+ Tôi cho rằng Chính phủ nên có các chính sách hợp lý để bình ổn thị trường. Đơn cử như giữ ổn định lãi suất cho vay, bình ổn giá điện, giảm các loại thuế, phí... Đặc biệt đã đến lúc phải tính đến chuyện tăng dự trữ quốc gia về xăng dầu, bởi xăng dầu là loại hàng hóa đặc biệt. Nó vừa ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền hằng ngày của người dân, vừa có vai trò thiết yếu trong chuỗi cung ứng từ sản xuất đến giá thành sản phẩm, cũng như khâu vận chuyển và logistics.

Mặt khác, chúng ta không thể để tình trạng nếu giá xăng dầu trên thế giới tăng thì giá trong nước điều chỉnh tăng theo và người dân, DN phải chịu. Ngược lại, khi giá xăng dầu thế giới giảm thì trong nước cũng không giảm tương ứng vì phải neo ở giá cao để bù vào Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Cơ chế vận hành như vậy rõ ràng đang bộc lộ nhiều bất cập nên cần đánh giá lại và điều chỉnh mạnh mẽ. Song song đó, Nhà nước cần khẩn trương giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu để kiểm soát lạm phát.

. Xin cám ơn bà.•

Giá xăng dầu tăng tác động đẩy giá nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng theo. Ảnh: HOÀNG GIANG

Hàng loạt mặt hàng thiết lập mặt bằng giá mới

Khảo sát tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM như Thạch Đà, Xóm Mới (quận Gò Vấp), Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), Bà Chiểu (quận Bình Thạnh)… cho thấy giá nhiều loại thực phẩm thiết yếu phục vụ đời sống hằng ngày của người dân đều tăng 30%-50% so với đầu năm.

Cụ thể dầu ăn loại 1 lít hiện có giá 55.000-70.000 đồng/lít tùy loại, tăng 50% so với đầu năm và gấp đôi hai năm trước. Nước mắm cũng tăng 2.000-4.000 đồng/chai, bột ngọt tăng khoảng 5.000-7.000 đồng/kg, các loại đường tăng 2.000 đồng/kg. Giá của các mặt hàng mì, phở ăn liền cũng ghi nhận mức tăng 7.000-10.000 đồng/thùng, gạo tăng 1.000-2.000 đồng/kg.

Đặc biệt giá trứng gà, vịt tại TP.HCM tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Đơn cử giá trứng gà ta hiện ở mức 40.000 đồng/chục, tăng 10.000-15.000 đồng/chục, tương đương tăng 30% so với đầu năm.

Đối với mặt hàng rau củ, giá rau xanh tại TP.HCM đang neo ở mức cao. Đại diện chợ đầu mối nông sản Hóc Môn cho biết giá rau ăn lá tăng 14%-25% so với hồi đầu tháng 6, giá củ tăng 10%-15%.

Theo đó, giá bán lẻ tại chợ truyền thống của một số loại rau củ như ngò rí lên mức hơn 100.000 đồng/kg, ớt xấp xỉ 120.000 đồng/kg; súp lơ Đà Lạt có giá 55.000-60.000 đồng/kg, tăng 10.000-15.000 đồng/kg…

Do giá cả thi nhau leo thang nên nhiều bà nội trợ cho biết phải thắt chặt chi tiêu, chỉ dám mua những mặt hàng thiết yếu thực sự cần thiết phục vụ cho bữa ăn hằng ngày.

THU HÀ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới