Giao tranh dữ dội giữa phiến quân Hồi giáo và lực lượng chính phủ ở miền Nam Philippines đã một lần nữa làm dấy lên nhiều lo ngại về các “chân rết” của IS, trẻ trung và táo bạo hơn đang lan nhanh tại khu vực Đông Nam Á.
Thành phố thành vùng chiến sự
Các cuộc giao tranh giữa quân đội Philippines và nhóm phiến quân Hồi giáo từ ngày 23-5 tại TP Marawi, đảo Mindanao, miền Nam đất nước vẫn đang diễn ra căng thẳng. Chính phủ Philippines đã triển khai khoảng 100 binh sĩ, bao gồm cả lực lượng đặc nhiệm do Mỹ đào tạo để chiếm lại các tòa nhà và đường phố bị nhóm phiến quân Hồi giáo Maute có liên kết với IS chiếm giữ. Quân đội cũng đã điều thêm hai chiếc trực thăng được trang bị súng máy để áp đảo hỏa lực nhóm phiến quân, theo Reuters.
Tờ Philstar dẫn lời một quan chức cho hay có 78 thường dân đã được lực lượng chính phủ giải cứu khỏi Trung tâm Y tế Amai Pakpak, từng bị nhóm khủng bố dùng làm lá chắn sống ngăn cản quân chính phủ. Giới chức Philippines không tiết lộ chi tiết về số người thương vong nhưng cho biết có ít nhất 31 binh sĩ đã bị thương khi giải cứu con tin và hộ tống thường dân đến nơi an toàn. Tổng cộng có bảy quân nhân, 13 tay súng và một dân thường đã thiệt mạng kể từ khi cuộc giao tranh nổ ra, theo Reuters.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 24-5 đã ban hành thiết quân luật trong vòng 60 ngày đối với toàn bộ khu vực đảo Mindanao trước tình trạng giao tranh ngày càng leo thang. Ông Duterte đã buộc phải rút ngắn chuyến công du của mình đến Nga để trở về giải quyết vấn đề khủng bố. Ông thậm chí tuyên bố sẽ từ chức nếu không thể dẹp bỏ khủng bố. “Với tư cách là một tổng thống, nếu tôi không thể đối đầu với bọn chúng, tôi sẽ từ chức” - ông Duterte khẳng định.
Trong khi đó tại thủ đô Jakarta, Indonesia đã có hai vụ nổ bom liên tiếp xảy ra ở trạm xe buýt khuya 24-5. Vụ nổ khiến năm người thiệt mạng và 10 người khác bị thương. Phát ngôn viên Awi Setyono của cảnh sát quốc gia Indonesia ngày 25-5 cho rằng vụ tấn công “có khả năng cao” cũng liên quan đến IS.
Xe quân sự của lực lượng quân đội Philippines trên đường tiến vào TP Marawi để chiến đấu chống lại nhóm khủng bố. Ảnh: REUTERS
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố sẽ từ chức nếu không thể loại bỏ nguy cơ khủng bố khỏi đất nước Philippines. Ảnh: AP
Hai vụ nổ bom liên tiếp xảy ra tại trạm xe buýt ở thủ đô Jakarta, Indonesia vào đêm 24-5 đã khiến năm người thiệt mạng và khoảng 10 người khác bị thương. Ảnh: REUTERS
Đông Nam Á báo động
Khu vực Đông Nam Á chiếm 15% tổng số người theo đạo Hồi trên thế giới với gần 300 triệu tín đồ. Đây được xem là môi trường thuận lợi để tổ chức IS truyền bá tư tưởng cực đoan và lôi kéo các tín đồ Hồi giáo đi theo con đường khủng bố. Từ tháng 6-2016, IS đã bắt đầu chuyển hướng sang khu vực này khi đưa ra một đoạn video kêu gọi những người ủng hộ IS tham gia “chi nhánh” ở Philippines nếu không đến được Syria và Iraq.
Các chuyên gia chống khủng bố cho rằng IS đang âm mưu thành lập một vương quốc Hồi giáo ở khu vực này, trải dài ở Indonesia - Malaysia - Singapore - miền Nam Philippines - miền Nam Thái Lan, bằng cách hợp nhất các mạng lưới khủng bố như Jemaah Islamiah (JI), Jemaah Anshar Khilafah, Abu Sayyaf và các nhóm khác đang hoạt động ở khu vực. Trong thời gian qua, khu vực Đông Nam Á liên tục được đặt trong tình trạng báo động vì nguy cơ khủng bố khi có hàng loạt những cuộc tấn công theo hình thức “sói đơn độc” diễn ra.
Mới ngày 22-5, một vụ nổ xảy ra tại tầng trệt của BV Quân đội Phramongkutklao, Bangkok, Thái Lan đã khiến ít nhất 25 người bị thương. Các vụ đánh bom và bạo lực do các phần tử Hồi giáo ly khai miền Nam Thái Lan làm đau đầu các cơ quan an ninh. Còn tại Indonesia, đầu năm 2016 cũng đã xảy ra một loạt vụ đánh bom liên hoàn ở thủ đô Jakarta khiến bảy người thiệt mạng. Các vụ đánh bom và bắt cóc do nhóm phiến quân Abu Sayyaf thực hiện cũng gia tăng tại Philippines trong năm qua.
Nhóm khủng bố IS đang bị mất dần lãnh thổ kiểm soát tại khu vực Trung Đông. Điều này khiến một số tay súng gốc Đông Nam Á phải hồi hương, khiến tình trạng tấn công khủng bố ở khu vực này ngày càng đáng báo động. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng từng cảnh báo hiểm họa khủng bố ở châu Á là vấn đề nghiêm trọng và nguy cơ IS vươn tới Đông Nam Á đang ngày một gần. Ông Lý Hiển Long nhận định các nhóm Hồi giáo cực đoan có thể lợi dụng một số vùng mà chính phủ không thể quản lý để thành lập căn cứ trước khi mở rộng hoạt động tuyển mộ và vạch kế hoạch tấn công quy mô lớn.
Gấp rút hợp tác
Trước nguy cơ khủng bố ngày càng lan rộng, nhiều cuộc tập trận chống khủng bố của lực lượng hải quân, đặc nhiệm các quốc gia Đông Nam Á và các nước đối tác đã được tổ chức.
Hồi tháng 11-2016, ba nước Philippines, Malaysia và Indonesia đã ký thỏa thuận ba bên để đối phó với các tội phạm xuyên biên giới, cướp biển và các hoạt động khủng bố do nhóm phiến quân Abu Sayyaf tiến hành. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cũng hy vọng sự hợp tác giữa các quốc gia Đông Nam Á có thể được tăng cường để ngăn IS thành lập vương quốc Hồi giáo ở khu vực này.
Trong khi đó, tại cuộc họp của bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN hôm 15-5 tại Philippines, các quan chức quốc phòng của ASEAN cũng đã ký tuyên bố chung nhằm tăng cường các bài tập quân sự chung, hỗ trợ nhân đạo và giảm nhẹ thiên tai. Tham mưu trưởng quân đội Philippines Eduardo Ano đã kêu gọi lực lượng vũ trang của các nước trong khối ASEAN tăng cường hợp tác vì một khu vực an toàn và ổn định hơn.
“Các mối đe dọa khủng bố, đặc biệt là sự lan rộng của chủ nghĩa cực đoan, mối quan ngại về an ninh hàng hải và những đợt thiên tai đã trở thành trọng tâm của cuộc họp. Những điều này đã thúc đẩy thỏa thuận tạo ra các quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn. Với cách tiếp cận toàn diện và mạnh mẽ này, chúng tôi đã có nhiều tiến bộ trong cuộc chiến chống khủng bố - ông Ano cho biết.
Mới đây, hãng tin AP đưa tin Bộ trưởng Tư pháp Úc George Brandis ngày 24-5 ra thông báo chính phủ một số nước của khu vực Đông Nam Á-Thái Bình Dương sẽ tổ chức một hội nghị cấp cao vào tháng 8 tới để phối hợp hành động nhằm chống lại mối đe dọa các chiến binh Hồi giáo hồi hương khi tham chiến tại Syria và Iraq.
“Đầu não” IS ở Đông Nam Á Isnilon Hapilon, còn gọi là Abu Abdullah, là lãnh đạo nhóm phiến quân Hồi giáo Abu Sayyaf ở miền Nam Philippines. Đối tượng này đã cam kết trung thành với tổ chức IS và được chọn làm lãnh đạo một “chân rết” của tổ chức này ở khu vực Đông Nam Á. Isnilon Hapilon nằm trong danh sách truy nã gắt gao của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Hắn có liên quan đến vụ bắt cóc 17 người Philippines cùng ba người Mỹ hồi năm 2001 và đòi tiền chuộc 5 triệu USD. Bộ Tư pháp Mỹ cũng liệt tên này vào danh sách một trong những kẻ khủng bố bị truy nã gắt gao nhất trên thế giới và treo thưởng lên tới 5 triệu USD cho người nào bắt được hắn. Việc IS chọn Hapilon làm người lãnh đạo một “tỉnh của IS” tại Philippines đã tạo ra một mối đe dọa lâu dài tới sự ổn định và an ninh của Philippines, cũng như toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Nhóm phiến quân Abu Sayyaf cũng có mối liên hệ chặt chẽ với nhóm chiến binh Maute ở miền Nam Philippines. Nhóm khủng bố Maute từng bị cho là thủ phạm gây ra vụ đánh bom TP Davao hồi tháng 9-2016 khiến 15 người thiệt mạng. Maute hiện đang là lực lượng phiến quân chủ lực trong cuộc giao tranh với quân đội chính phủ ở TP Marawi, miền Nam Philippines. |