Chặn xe cấp cứu chỉ vì... 'không có bệnh nhân sao cứ hú còi?'

(PLO)- “Ai cho đậu xe trước nhà tôi?”, “Có giỏi tông vào đi”, “Sao xe không có bệnh nhân mà cứ hú còi bắt nhường đường?”… là những câu mà tài xế lái xe cấp cứu 115 hay phải nghe.

Trong cấp cứu, thời gian là vấn đề tiên quyết giúp bệnh nhân kịp thời được cứu sống, giảm biến chứng nặng. Tài xế lái xe cấp cứu luôn chạy đua với thời gian để giành giật sự sống cho bệnh nhân.

Vậy mà trên đường làm nhiệm vụ, tài xế xe cấp cứu vẫn còn phải đối mặt với những tình huống chặn xe, gây khó dễ cho ê-kíp cấp cứu.

Xe của Trung tâm cấp cứu 115 khi di chuyển trên đường thì lúc nào cũng trong tình huống cấp cứu. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Không cho xe vào hẻm, không cho đậu trước cửa

Anh Trần Minh Khang, nhân viên lái xe Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM kể, một lần đến đường Bà Hạt (quận 10) để cấp cứu cụ bà bị tăng huyết áp, khi xe vào hẻm bỗng bị một người đàn ông đứng chặn trước đầu xe, hỏi: “Sao xe cấp cứu lại vào đây?". Anh chưa kịp trả lời, người đàn ông đã tiếp: "Trong hẻm này không ai cần cấp cứu cả... Đi ra, đi ra đi...”.

“Nhờ người dân trong hẻm xúm lại hỗ trợ, giải thích với người đàn ông nọ tôi mới đưa xe vào được. Đáng nói, cụ bà được xe cấp cứu đón lại là người nhà của người đàn ông chặn xe kia, nhiều tình huống thật bi hài...” - anh Khang kể lại.

Hay một lần ê-kíp của anh Lâm Hoàng Long, nhóm trưởng ê-kíp cấp cứu 115, đến đường Hòa Hảo (quận 10) để cấp cứu người bệnh tai nạn giao thông. Khi đến hiện trường, xe dừng tạm trước cửa một nhà dân đúng lúc người trong nhà chuẩn bị đưa xe ô tô ra. Vậy là người kia không cho xe cấp cứu dừng tạm dù chỉ ít phút mà bắt anh phải dời xe đi chỗ khác.

Ê-kíp giải thích chỉ xin khoảng 10 phút rồi sẽ đi ngay, nhưng nói thế nào vẫn bị người kia quát tháo, bực dọc: “Ai cho đậu xe trước nhà tôi, dời đi ngay!”, đồng thời dọa sẽ gọi về Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM để phản ánh.

Nhiều trường hợp không cho xe cấp cứu đậu tạm trước cửa nhà dù chỉ 10 phút. (Ảnh minh họa: THẢO PHƯƠNG)

Anh Trần Đạo Tuyên, nhóm trưởng ê-kíp cấp cứu 115 cũng không ít lần gặp tình huống "bó tay" khi đang làm nhiệm vụ.

"Mới đây, ê-kíp có cấp cứu 115 chở một người bệnh bị chấn thương đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (quận 5). Khi xe vừa đến cổng bệnh viện thì gặp một chiếc xe taxi đang đậu, tài xế xe cấp cứu hạ kính, nhờ xe taxi di chuyển lên trước một chút. Thay vì hợp tác, tài xế xe taxi lắc đầu quầy quậy, quát lớn: "Sao không tự chạy thẳng lên phía trước mà cứ bắt tui phải nhường...?

Dù chúng tôi đã cố gắng giải thích rằng cần đỗ xe cấp cứu sát cổng bệnh viện để nhanh chóng đưa bệnh nhân lên băng ca vào cấp cứu, nhưng cuối cùng người này vẫn nhất quyết không nhường..." - anh Tuyên chia sẻ về trường hợp khó xử mới gặp của mình.

Theo anh Nguyễn Anh Tuấn, nhóm trưởng ê-kíp cấp cứu 115, những chuyện kể trên không phải hiếm gặp. Cách đây 2 tuần, anh và ê-kíp đang trên đường di chuyển bệnh nhân suy hô hấp đến Bệnh viện Nhân dân 115 thì gặp đèn đỏ. Khi đó, hầu hết người dân đều né đường cho xe cấp cứu qua nhanh.

Tuy nhiên, có một người vẫn cứ đứng trước đầu xe cấp cứu dù xe hú còi liên tục. Khi tài xế hạ kính xe xuống để xin đường thì người này lên giọng thách thức: “Có giỏi tông vào đi”.

"Trước những tình huống như vậy, cả ê-kíp chỉ biết lắc đầu, không làm được gì hơn!" - anh Tuấn lắc đầu ngao ngán.

Nhiều trường hợp phản ứng, không nhường đường vì “trong xe cấp cứu không có bệnh nhân”. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Chặn xe cấp cứu, rút ngắn thời gian vàng của người bệnh

Anh Phạm Minh Hùng, Đội trưởng đội lái xe của Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM, chia sẻ chuyện xe cấp cứu bị chặn, bị gây khó dễ, chống đối trên đường làm nhiệm vụ xảy ra nhiều lần từ trước đến nay.

Theo anh Hùng, xe cấp cứu của 115 có chức năng không giống hoàn toàn với xe cứu thương chuyển bệnh của bệnh viện. Lúc nào đi trên đường, dù không có bệnh nhân trên xe cũng là tình trạng khẩn cấp vì xe đang di chuyển nhanh nhất có thể để đến hiện trường cấp cứu bệnh nhân.

Vậy mà không ít lần ê-kíp cấp cứu gặp trường hợp người dân không hiểu, thấy trên xe không có bệnh nhân thì phản ứng: “Sao xe không có bệnh nhân mà vẫn hú còi bắt nhường đường?”.

Khi người dân không hợp tác, cố tình cản trở thì xe sẽ đến hiện trường muộn. Lúc này người nhà không chờ được nên đã tự đưa bệnh nhân đến bệnh viện bằng xe máy, điều này cũng gây nhiều rủi ro cho bệnh nhân.

Có những lúc, khi vận chuyển người bị chấn thương nặng, còi vẫn hú nhưng tài xế không được đi nhanh vì lỡ thắng gấp hay va phải ổ gà thì bệnh nhân có thể sẽ bị chấn thương mạch máu. Một số người đi đường không hiểu tình huống này nên không có ý thức nhường đường.

“Mong người dân hiểu rằng xe của Trung tâm cấp cứu 115 khi di chuyển trên đường thì lúc nào cũng trong tình huống cấp cứu.

Dù có bệnh nhân trong xe hay không, dù đi nhanh hay chậm thì chúng tôi cũng đang đếm từng giây để mong kịp đưa người bệnh đi cấp cứu. Nếu bệnh nhân không kịp cấp cứu, người áp lực và dằn vặt nhất là chúng tôi, mong người dân hiểu và hợp tác với chúng tôi” - anh Hùng trần tình.

Xe cấp cứu bị chặn, bị gây khó dễ, chống đối trên đường làm nhiệm vụ xảy ra từ xưa nay. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Thêm chế độ cho tài xế xe cấp cứu

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM, cho biết một ê-kíp cấp cứu có từ 3-4 người. Ngoài bác sĩ, y sĩ và điều dưỡng thì tài xế cũng được phân công nhiệm vụ chuyên môn trong ê-kíp cấp cứu.

Khi cấp cứu ngoại viện, lực lượng rất mỏng, ngoài những vấn đề thuộc về chuyên môn xảy đến với bệnh nhân còn có những vấn đề bên ngoài (đảm bảo an ninh trật tự, bảo quản tài sản, phương tiện của 115), nên công việc của tài xế rất cực.

Tuy vậy, theo chế độ đang áp dụng hiện nay, tài xế không được tính vào vị trí chuyên môn. Đội ngũ này đang gặp nhiều khó khăn khi tính chất công việc nhiều áp lực, nhưng thu nhập lại thấp. Trung bình lương của tài xế lâu năm khoảng 10 triệu đồng, mới vào nghề chỉ khoảng 5 triệu đồng. Nguồn chi trả lương là từ cân đối thu nhập của trung tâm, nhưng nguồn này lại không nhiều.

Sắp tới, theo đề án phát triển mạng lưới cấp cứu ngoại viện, Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM cần đến 56 tài xế, nhưng vị trí này đang rất khó tuyển nên hiện chỉ mới có 30 người. Nhiều tài xế để ổn định cuộc sống phải chạy thêm xe công nghệ ngoài giờ để có thu nhập.

“Thời gian tới, trung tâm sẽ nghiên cứu đề xuất một số chính sách đặc thù cho điều phối viên và lực lượng tài xế. Từ đó tạo cơ chế để thu hút nhân sự, động viên lực lượng này khi tham gia vào công tác cấp cứu ngoài bệnh viện. Trung tâm cũng kiến nghị TP.HCM xếp lực lượng lái xe vào nhóm đặc thù, có cơ chế chính sách để chăm lo, động viên cho anh em” - bác sĩ Long kiến nghị.

Chặn xe cứu thương sẽ bị xử phạt ra sao?

Căn cứ theo điểm b khoản 5 Điều 6 Nghị định 100/2019 được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021, người điều khiển xe gắn máy không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ thì có thể bị xử phạt từ 1-2 triệu đồng. Ngoài ra, người điều khiển xe gắn máy có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 1-3 tháng.

Đáng chú ý, nếu người điều khiển xe gắn máy cản trở xe cứu thương là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc bệnh nhân không được cứu chữa kịp thời gây hậu quả tử vong thì người điều khiển xe gắn máy nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ được quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Cụ thể, khoản 1 Điều 260 Bộ luật Hình sự quy định: người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ (trường hợp này là cản trở xe được quyền ưu tiên) gây thiệt hại cho người khác thuộc trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 260 Bộ luật Hình sự (làm chết người) thì có phạt bị phạt tù đến 5 năm.

Thêm nữa, trường hợp người điều khiển xe gắn máy không có giấy phép lái xe hoặc trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù cao nhất lên đến 10 năm.

Luật sư PHÙNG HUYỀN - Đoàn Luật sư TP.HCM

TRẦN MINH - DUY KIỆT (ghi)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới