Người bệnh nặng được vượt tuyến khám chữa bệnh: Quỹ BHYT bị tác động thế nào?

(PLO)- Bộ Y tế đề xuất người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh hiếm, bệnh nặng có thể lên tuyến trên khám chữa bệnh mà không cần giấy chuyển tuyến nhiều lần.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam

Tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Bộ Y tế đề xuất sửa đổi, bổ sung 4 chính sách lớn, trong đó có điều chỉnh phạm vi mức hưởng BHYT và tỉ lệ chi trả BHYT đối với một số trường hợp khám chữa bệnh vượt tuyến.

Cắt giảm thủ tục, thuận tiện cho nhiều bên

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định các trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh nặng được lên thẳng cấp chuyên môn cao để khám chữa bệnh và điều trị mà không cần làm thủ tục chuyển tuyến.

Theo Bộ Y tế, đề xuất này nhằm cải cách hành chính, thủ tục khám chữa bệnh, tạo thuận lợi và giảm chi tiền túi cho người dân, tiết kiệm chi phí cho quỹ BHYT.

Tại một hội thảo lấy ý kiến góp ý xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế, cho biết ngành y tế biết rõ trong nhiều trường hợp, chỉ có cơ sở y tế tuyến trên mới thực hiện được những kỹ thuật cao. Do đó, cần tạo điều kiện để người bệnh được lên thẳng tuyến trên mà không phải làm các thủ tục chuyển tuyến ở tuyến dưới.

Đánh giá tác động của chính sách này, Bộ Y tế cho biết hiện chưa có điều kiện để đánh giá tác động bằng số tiền cụ thể, mà chỉ đánh giá ưu nhược điểm đối với từng chủ thể.

Theo đó, quỹ BHYT có thể tiết kiệm chi và người dân tiết kiệm chi phí đồng chi trả và các chi phí xã hội khác do không phải khám chữa bệnh song trùng ở cả cơ sở cấp chuyên môn thấp và cấp cao hơn, người dân được điều trị bệnh sớm hơn, từ đó có thể đem lại các hiệu quả điều trị, giảm các thủ tục chuyển tuyến.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đề xuất lựa chọn một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo mà biết rõ người dân phải được điều trị ở tuyến trên, thì không cần phải có giấy chuyển tuyến nhiều lần, nhằm cắt giảm thủ tục, tạo điều kiện thuận tiện cho người dân.

Đồng thời, tránh phát sinh việc phải khám chữa bệnh trùng lặp 2 lần, tức là vừa khám ở tuyến dưới vừa khám lại ở tuyến trên.

Sở y tế địa phương có trách nhiệm ban hành các danh mục dịch vụ y tế mà địa phương chưa thực hiện được, căn cứ trên thực tế đã thẩm định, cấp phép hành nghề, để người dân nắm thông tin, chủ động lên tuyến trên để khám chữa bệnh khi có bệnh.

khám chữa bệnh.jpg
Người dân xếp hàng chờ đến lượt khám chữa bệnh. Ảnh: TT

Đề xuất dưới 18 tuổi điều trị cận, viễn thị được 100% BHYT

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định người dưới 18 tuổi phải điều trị lác, sụp mi và tật khúc xạ của mắt (cận thị, viễn thị, loạn thị, lão thị) được BHYT thanh toán 100%.

Theo quy định hiện hành, quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí điều trị các bệnh này đối với trẻ dưới 6 tuổi.

Việc nâng độ tuổi được thanh toán chi phí điều trị các bệnh này từ 6 tuổi lên 18 tuổi, theo Bộ Y tế là để phù hợp với chỉ định chuyên môn do tuổi được chỉ định các kỹ thuật này thường trên 6 tuổi mới bảo đảm hiệu quả. Vì thế, từ khi ban hành Luật BHYT (có hiệu lực từ năm 2009) đến nay, hầu như không có trẻ nào được hưởng quyền lợi tại quy định này.

Đánh giá tác động của chính sách, theo Bộ Y tế, quy định BHYT chi trả chi phí điều trị tật về mắt cho người dưới 18 tuổi sẽ tăng chi từ quỹ BHYT tổng cộng hơn 907 tỉ đồng mỗi năm.

Còn đối với người dân, việc BHYT chi trả cho điều trị tật khúc xạ (bao gồm cận thị) sẽ giúp người bệnh giảm chi phí là 303.000 đồng /ca đi khám chữa bệnh tại tuyến trung ương, 285.200 đồng/ca tại tuyến tỉnh và 167.900 đồng/ca tại tuyến huyện; đối với điều trị lác là hơn 4,2 triệu đồng/ca tại tuyến trung ương, hơn 3,5 triệu đồng/ca tại tuyến tỉnh.

Việt Nam hiện có hơn 93 triệu người tham gia BHYT, đạt tỉ lệ bao phủ 93,35%. Bộ Y tế đặt mục tiêu nâng tỉ lệ này lên trên 95% vào năm 2030.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 tháng 10-2024 và có hiệu lực từ ngày 1-1-2025.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm