Châu Á-Thái Bình Dương vào giai đoạn bước ngoặt với hàng loạt thách thức

(PLO)- Khu vực châu Á-Thái Bình Dương hiện nay đang đối mặt với thách thức lớn do các tác động từ đại dịch COVID-19, các cuộc xung đột và khủng hoảng khí hậu, song chưa muộn để hành động.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo lời Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres, “những lựa chọn mà chúng ta đưa ra hoặc không thực hiện ngày hôm nay có thể dẫn đến sự sụp đổ hoặc tạo ra một bước đột phá để hướng tới một tương lai xanh hơn, tốt hơn, an toàn hơn”.

Kể từ khi Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á-Thái Bình Dương LHQ (UNESCAP) được thành lập vào năm 1947, khu vực này đã đạt được những tiến bộ vượt bậc và nổi lên như khu vực dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo.

Tuy nhiên, trong bài bình luận trên tờ South China Morning Post, bà Armida Salsiah Alisjahbana - Phó Tổng thư ký LHQ và là Thư ký điều hành của UNESCAP - nhận định rằng toàn bộ khu vực hiện đang phải đối mặt với thách thức lớn từ đại dịch COVID-19, các cuộc xung đột và khủng hoảng khí hậu.

Sự hội tụ của cả ba cuộc khủng hoảng

Đại dịch COVID-19 đã tác động đến hầu hết mọi người dân trong khu vực. Hàng triệu người đã bị đẩy trở lại tình trạng nghèo cùng cực, số khác bị mất việc hoặc sinh kế và con đường học tập của nhiều trẻ em, thanh niên bị gián đoạn.

Trong khi đại dịch vẫn còn đang hoành hành ở nhiều nơi, thế giới tiếp tục phải đối mặt với những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng khi chẳng những không thể giữ nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 1,5 độ C mà còn tiếp tục gây suy thoái môi trường tự nhiên. Trong suốt năm 2021 và 2022, các quốc gia trên khắp châu Á-Thái Bình Dương đã phải hứng chịu hàng loạt thảm họa thiên nhiên, và tình trạng biến đổi khí hậu cũng đã gia tăng cả về tần suất lẫn cường độ.

Sơ tán người dân khỏi một ngôi làng bị ngập lụt ở huyện Nagaon, bang Assam, Ấn Độ hôm 18-5. Ảnh: REUTERS

Sơ tán người dân khỏi một ngôi làng bị ngập lụt ở huyện Nagaon, bang Assam, Ấn Độ hôm 18-5. Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, theo bà, cuộc khủng hoảng đang diễn biến phức tạp ở Ukraine cũng sẽ gây ra những tác động kinh tế xã hội trên diện rộng. Giá nhiên liệu và lương thực ngày càng cao đang làm gia tăng nguy cơ mất an ninh lương thực và nạn đói trên toàn khu vực.

Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng ở châu Á-Thái Bình Dương đã bị ảnh hưởng nặng nề. Những người bị ảnh hưởng nhiều nhất là những người có ít nguồn lực nhất để có thể chống chịu với tình trạng khó khăn. Tác động bất cân xứng này đối với những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất đang làm sâu sắc và gia tăng bất bình đẳng cả về thu nhập và cơ hội.

Chưa muộn để hành động

“Tình hình nguy cấp. Nhiều cộng đồng đã tiệm cận điểm không thể phục hồi, nhưng vẫn chưa muộn” - bà Alisjahbana nhận định.

Theo bà, chúng ta cần có nhiều chính sách chuẩn bị cho khủng hoảng để bảo vệ các nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất và đưa châu Á-Thái Bình Dương trở lại đúng hướng để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) khi năm mục tiêu 2030 đến gần hơn. Theo bà, các phân tích của UNESCAP cho thấy đến năm 2065 khu vực mới có thể đạt được các mục tiêu này.

“Để đạt được nó, chúng ta phải bảo vệ con người và hành tinh này, khai thác các cơ hội từ kỹ thuật số, giao dịch và đầu tư cùng nhau, cũng như nâng cao nguồn lực tài chính và quản lý nợ” - bà nhận định.

Nhiệm vụ đầu tiên của các chính phủ phải là bảo vệ những nhóm dễ bị tổn thương nhất bằng cách tăng cường hệ thống y tế và bảo trợ xã hội. Đồng thời, các chính phủ, xã hội dân sự và khu vực tư nhân nên hành động để bảo vệ hành tinh, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ con người khỏi sự tàn phá của thiên tai.

Các chính phủ cũng có thể khai thác các đổi mới công nghệ. Các hoạt động của con người hiện nay đang dần trở nên "số hóa". Để biến khoảng cách số thành lợi ích, các chính phủ nên khuyến khích xây dựng các cơ sở hạ tầng kỹ thuật số mạnh mẽ hơn, cải thiện khả năng truy cập và sử dụng công nghệ thông tin của người dân.

Bà cho rằng trong bối cảnh quan hệ thương mại song phương, đa phương chồng chéo hiện nay, việc đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh số hóa và các chiến lược khí hậu thông minh có thể giúp giảm hơn nữa chi phí giao dịch thương mại và đầu tư. Các chính phủ có thể tạo dư địa để cho phép đầu tư nhiều hơn vào phát triển bền vững. Việc cải cách thuế lũy tiến, thiết lập các công tài chính mới và quản lý nợ tốt hơn đều có thể giúp tăng thêm các nguồn lực tài chính.

“Việc dự đoán những gì sắp diễn ra phía trước sẽ đòi hỏi nhiều công sức. Chúng ta phải lắng nghe và làm việc với cả người trẻ và người già trong mọi việc chúng ta làm để tạo ra sự đoàn kết giữa các thế hệ. Phụ nữ cũng phải đi đầu trong việc ngăn chặn khủng hoảng” - bà nhận định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm