Ưu tiên của tân thủ tướng Úc: Chống tham nhũng, củng cố liên minh với Mỹ

(PLO)- Chính quyền sắp tới của Úc sẽ tập trung chống tham nhũng, cải thiện vấn đề khí hậu, sức khỏe cho người dân trong nước và vẫn coi Mỹ là “trụ cột đầu tiên” trong chính sách đối ngoại.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong bài phát biểu ngày 21-5 tại TP Sydney (Úc), Thủ tướng Úc Scott Morrison thừa nhận thất bại trước ứng cử viên đảng Công đảng - ông Anthony Albanese - trong cuộc bầu cử thủ tướng năm nay. Chính phủ mới của ông Albanese dự kiến sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 23-5, hãng AFP đưa tin.

Theo tờ National World, ông Albanese là một chính trị gia kỳ cựu của Úc. Ông gia nhập Công đảng khi chỉ mới 20 tuổi và làm việc trong lĩnh vực chính trị ở cả cấp tiểu bang và liên bang trong nhiều năm. Đến năm 1996, ông được bầu vào Quốc hội Úc khi ở độ tuổi 33.

“An ninh của chúng ta, cùng với sự sống còn của chúng ta, đang bị đe dọa. Tôi chỉ có thể hy vọng rằng chính phủ mới này của Úc sẽ hành động mạnh mẽ và khẩn cấp về vấn đề khí hậu và hỗ trợ thực sự cho Thái Bình Dương” - tờ The Guardian dẫn lời ông Enele Sopoaga, cựu Thủ tướng Tuvalu.

Ông giữ chức bộ trưởng Cơ sở hạ tầng và giao thông Úc trong giai đoạn cầm quyền của hai cựu thủ tướng Úc là ông Kevin Rudd và bà Julia Gillard. Ông trở thành lãnh đạo Công đảng vào năm 2019.

Hình dung chính sách đối nội Úc dưới thời ông Albanese

Theo tờ TIME, trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Albanese đã cam kết tăng cường bình đẳng giới tại môi trường làm việc, giảm chi phí chăm sóc trẻ em, củng cố hệ thống y tế và giải quyết những khó khăn trong việc chăm sóc người cao tuổi. Ông cũng hứa hẹn mang đến nhiều việc làm hơn, an toàn và có mức lương cao hơn cho người dân trong nước.

Về khí hậu, ông Albanese đã hứa sẽ cắt giảm 43% lượng khí nhà kính thải vào khí quyển trước năm 2030 và đạt mục tiêu không phát thải thêm bất kỳ lượng CO2 nào vào khí quyển trước năm 2050. Để đạt mục tiêu, chính phủ sắp tới của Úc lên kế hoạch tăng cường năng lượng tái tạo, giảm giá xe điện, giúp xây dựng các dự án pin lưu trữ cộng đồng, cũng như hiện đại hóa sản xuất thép và nhôm.

Ông Albanese cam kết sẽ thành lập một ủy ban chống tham nhũng quốc gia “quyền lực và minh bạch” vào cuối năm nay. Ông cho biết ủy ban này sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ ông nếu Công đảng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm nay. Theo tờ Sky News, ủy ban này được phép tự tiến hành các cuộc điều tra độc lập và có thẩm quyền điều tra tất cả mọi người, kể cả các bộ trưởng.

Ông Anthony Albanese, lãnh đạo Công đảng, sẽ là thủ tướng mới của Úc. Ảnh: GETTY IMAGES

Ông Anthony Albanese, lãnh đạo Công đảng, sẽ là thủ tướng mới của Úc. Ảnh: GETTY IMAGES

Đối ngoại dưới thời ông Albanese ra sao?

Ông Albanese cho biết “trụ cột đầu tiên” trong chính sách đối ngoại của Úc là củng cố liên minh với Mỹ. Theo TIME, Úc là một đồng minh thân thiết của Mỹ và điều đó vẫn ​​sẽ không thay đổi dưới thời người kế nhiệm ông Morrison. Ông Stewart Jackson - chuyên gia tại ĐH Sydney (Úc) - khẳng định rằng “ông ấy sẽ nối gót những nhà lãnh đạo Công đảng trước đây và vẫn sẽ là một người bạn tốt của Mỹ”.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Úc có phần xuống cấp trong những năm gần đây. Vào năm 2020, chính phủ Úc đã kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra về nguồn gốc COVID-19 và Trung Quốc đã đáp trả bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Canberra như thịt bò và lúa mạch.

Tuy nhiên, TIME dẫn nhận định của một số chuyên gia rằng chính quyền sắp tới của Úc có thể tìm kiếm mối quan hệ tốt hơn với Bắc Kinh. “Họ muốn quan hệ thương mại tốt hơn và ổn định hơn” - theo chuyên gia Jackson.

Nhà lãnh đạo mới của Úc cũng hứa sẽ tăng cường quan hệ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ông sẽ tham dự cuộc họp của “Bộ tứ kim cương” (nhóm QUAD) cùng với các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật và Ấn Độ tại Tokyo (Nhật) vào ngày 24-5 tới. Ông Albanese cho biết chuyến thăm tiếp theo của ông sẽ là đến Indonesia. Ông nhấn mạnh rằng việc tìm cách xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn với cường quốc kinh tế đang phát triển này như là “một ưu tiên tuyệt đối”, trang News18 đưa tin.

Theo chuyên gia Jackson, chính phủ của ông Albanese cũng có thể tìm cách thay đổi cách tiếp cận đối với khu vực Nam Thái Bình Dương. Hiệp ước an ninh mà quần đảo Solomon và Trung Quốc ký kết gần đây đã là một chủ đề nóng ở nước Úc, do lo ngại về việc Bắc Kinh có thể thiết lập một căn cứ quân sự trên lãnh thổ Solomon, khu vực mà Canberra xưa nay coi là phạm vi ảnh hưởng của mình.

Ông Albanese đã chỉ trích cách giải quyết của chính quyền ông Morrison trong quan hệ với Solomon. Theo ông, chính sách chống biến đổi khí hậu mạnh mẽ sẽ cải thiện quan hệ giữa Canberra với các quốc đảo Thái Bình Dương vốn đang bị đe dọa bởi tình trạng nước biển dâng cao. chuyên gia Jackson nhận định chính quyền ông Albanese có thể hướng tới việc sử dụng ngoại giao chứ không phải chỉ trích.•

Thế giới chúc mừng ông Albanese

Ngày 22-5, trang news.com.au đưa tin rằng một số lãnh đạo các nước trên thế giới đã chúc mừng chiến thắng của ông Albanese.

Thủ tướng Anh Boris Johnson bày tỏ mong muốn được hợp tác với chính phủ mới của Úc khi hai nước đã gặt hái được thành quả từ hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, quan hệ đối tác an ninh AUKUS và sự gần gũi chưa từng có giữa người dân Anh và Úc. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hy vọng Úc - Ấn tiếp tục hợp tác vì mục tiêu chung ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Thủ tướng New Zealand - bà Jacinda Ardern khẳng định “Úc là đối tác quan trọng nhất của chúng tôi, đồng minh chính thức và mối quan hệ kinh tế duy nhất của chúng tôi”, đồng thời tin tưởng “hai nước sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong thời điểm đầy biến động này”.

Trong khi đó Ngoại trưởng Pháp sắp mãn nhiệm Jean-Yves Le Drian bày tỏ quan điểm rằng việc ông Morrison thất bại trong cuộc bầu cử Úc “phù hợp”, trong bối cảnh quan hệ giữa Canberra và Paris nguội lạnh do Úc hủy hợp đồng tàu ngầm chục tỉ USD với Pháp sau khi thiết lập liên minh an ninh AUKUS với Mỹ và Anh. Ông Drian hy vọng Pháp “có thể nối lại đối thoại thẳng thắn và mang tính xây dựng với Úc trong tương lai”.

Ngày 21-5, ông Drian đã bàn giao chức vụ cho bà Catherine Colonna, người được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề cử làm ngoại trưởng nước này trong chính phủ mới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm