Chế độ trợ cấp xã hội cho người cao tuổi

Khi nào người cao tuổi bắt đầu được hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng? Có phân biệt người đủ ăn và người thiếu ăn không?

Ông Nguyễn Ngọc Nầy, 24/1A ấp 4,
xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn (TP.HCM)

Ông LÊ CHU GIANG, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội Sở LĐ-TB&XH (TP.HCM), trả lời: Theo quy định, người cao tuổi (là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên, không phân biệt nam, nữ) được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tại Điều 17 Luật Người cao tuổi. Bao gồm:

1. Người cao tuổi thuộc hộ gia đình nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng.

2. Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc trường hợp nêu trên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp xã hội hằng tháng.

Trường hợp ông Nầy (sinh năm 1934) do không có ngày, tháng nên căn cứ mục 5, phần 2 Thông tư 01/2008 (của Bộ Tư pháp) thì ngày, tháng sinh của ông Nầy sẽ là 1-1. Do đó nếu ông Nầy không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng thì thời gian hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng cho người đủ 80 tuổi trở lên tính từ đầu năm 2014 là phù hợp.

Về trợ cấp: Ông Nầy được hưởng hệ số 1 tại điểm c khoản 1 Điều 6 Nghị định 06/2011, mức chuẩn được hưởng 240.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, ngày 27-3 TP.HCM có Quyết định 13, trong đó có nội dung điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp từ 240.000 đồng lên 380.000 đồng, thời gian áp dụng từ 1-1-2014. Vậy việc trợ cấp của ông Nầy là đã được thực hiện theo đúng quy định.

TRẦN NGỌC ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm