‘Chí Phèo’ Bùi Cường dang dở món nợ với Nam Cao

Đón nhận tin buồn, NSƯT Đức Lưu, người đóng cặp với nghệ sĩ Bùi Cường trong vai Thị Nở, cảm nhận đó như là “tiếng sét ngang tai”. Bà nói: “Tôi thật sự rất bàng hoàng và ngỡ ngàng. Bàng hoàng bởi Cường ít hơn tôi gần 10 tuổi và tôi không bao giờ nghĩ Cường sẽ ra đi trước tôi cả. Bình thường Cường cũng là một người rất khỏe mạnh, phong độ, vui vẻ…, vẫn đang hăng say làm nghề”.

Muốn làm phim tri ân nhà văn Nam Cao

Không chỉ thành danh trong sự nghiệp diễn viên, NSƯT Bùi Cường cũng là người mát tay trong vai trò đạo diễn. Năm 1996, ông là người ngoài Bắc đầu tiên vào cộng tác với Hãng phim Giải Phóng trong Nam để làm phim nhựa Người đàn bà không con. Bộ phim này sau đó được giải “Phim truyện nhựa đầu tay xuất sắc” của Hội Điện ảnh. Mảnh sân chung cũng là phim ông quay ở Hà Nội nhưng chiếu ở TP.HCM.

Nghĩ về nghề diễn, ông đã từng bộc bạch: “Nghề diễn khắc nghiệt lắm! Phải mang chính con người, ngoại hình của mình làm công cụ diễn xuất thì mới thành công được”.

Chỉ ít lâu trước khi rời xa cõi tạm, ông từng thổ lộ mình rất muốn làm một bộ phim tri ân nhà văn Nam Cao. Dựa trên tác phẩm Bữa ăn cuối cùng của lão Hạc, ông đã viết xong kịch bản phim và chỉ chờ một nhà sản xuất phù hợp để trả “món nợ” với tác giả của truyện ngắn Chí Phèo. Nhưng dự định ấy đã theo ông về với một thế giới khác.

NSƯT Bùi Cường. Ảnh: V.THỊNH. NSƯT Bùi Cường trong vai Chí Phèo.

Tận tâm với vợ con, tận hiếu với mẹ già

Trong truyện cũng như trong phim, nếu Chí Phèo đã tìm được Thị Nở như một sự bấu víu thiện lương của tâm hồn đã chai sạn thì với người thủ vai Chí Phèo, NSƯT Bùi Cường cũng có bên mình một người vợ để chia sẻ và gắn bó. Bùi Cường từng tâm sự gia đình với ông là điều thiêng liêng không gì có thể thay thế được, như ông nói: “Điều quan trọng là tôi vẫn được coi là người chỉn chu, vợ con là số một. Tôi đi nhiều, biết nhiều nên luôn cố gắng để bù đắp lại cho vợ con”. Dù rằng đời diễn và điện ảnh vẫn “đánh cắp” ông rời xa tổ ấm đi đâu đó dài ngày, những chuyến đi đã khiến cho vợ ông phải thốt lên: “Ông chẳng khác gì bộ đội thời chiến, đi biền biệt quanh năm. Thi thoảng lại ào về như một cơn lốc rồi biến”.

Ít ai biết tuổi thơ của NSƯT Bùi Cường lại dặc dài thiếu hụt tình cảm của mẹ lẫn cha. Mồ côi cha từ khi chưa chào đời, ông cũng không được ở gần mẹ từ tấm bé. Ngày ấy, khi ông mới 5-6 tuổi, mẹ ông nghe người ta nói tuổi của bà và cậu con trai “xung khắc” nhau, cách hóa giải duy nhất để giữ mạng sống cho ông là phải đem ông đi gửi ở chỗ khác, nhờ người ta nuôi hộ. Vậy là từ quê nhà ở Thường Tín (Hà Tây cũ), ông được đem lên làm con nuôi ở nhà một người bạn của gia đình trên phố Tô Hiến Thành (Hà Nội).

Dẫu vậy, với ký ức đó, ông không bao giờ hờn trách mẹ và luôn nhớ đến dáng hình tảo tần của bà trong những chuyến thăm con vội vàng và trở về với nước mắt. Đến khi cuộc sống đã ổn định, ông đón mẹ ở cùng và chăm sóc bà cho đến tận ngày cuối đời. Nhắc đến mẹ, ông từng xót xa: “Khi tôi có cuộc sống ổn định thì mẹ lại không còn nữa…”.

Và hôm nay, Hà Nội tiễn ông bằng một ngày dịu nhẹ, cái dịu nhẹ như ngày phố vào thu. Khoảng trống ông để lại không chỉ là sự mất mát đối với gia đình, đó còn là sự tiếc thương của làng điện ảnh khi ông đã đem theo bao dự định dang dở.

NSƯT Bùi Cường sinh năm 1945 tại Hà Nội. Ông được khán giả nhớ tới với vai Chí Phèo trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy. Vai diễn này đã mang về cho ông huy chương vàng ở hạng mục Diễn viên chính xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 6 (năm 1983). Ngoài ra, ông còn ghi dấu ấn với các phim: Dòng sông vàngPhút thứ 89, Biệt động Sài Gòn... 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm