Chiều 7-6, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội (QH).
Cần giảm chi phí logistics, vận tải
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên-Huế) bày tỏ lo ngại khi chi phí logistics của Việt Nam chiếm 18% GDP, cao gấp đôi các nước phát triển, trong đó chi phí vận tải chiếm 1/3-2/3 chi phí logistics. “Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để giảm chi phí vận tải, giảm chi phí logistics trong thời gian tới?” - ĐB Sửu đặt vấn đề.
ĐB Trần Anh Tuấn, Đoàn ĐBQH TP.HCM (trái) và Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng tại phiên chất vấn chiều 7-6. Ảnh: PHẠM THẮNG |
Trả lời, Bộ trưởng Thắng cho hay chi phí logistics đã có sự cải thiện đáng kể trong những năm qua, đến năm 2022 chiếm 16,8% GDP trong khi trước năm 2018 là khoảng 21% GDP. “Tuy nhiên, chi phí logistics của chúng ta vẫn còn cao so với thế giới, khi bình quân thế giới hiện nay chỉ chiếm khoảng 11%” - ông Thắng nói.
Về giải pháp, Bộ trưởng Thắng cho hay trước mắt phải tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là tăng cường kết nối giữa cảng biển với các tuyến cao tốc, đường thủy nội địa. “Kết nối này đem lại hiệu quả rất cao. Như tại cảng Cái Mép - Thị Vải thì hơn 70% container được vận chuyển bằng đường thủy nội địa, trong khi ở khu vực cảng Lạch Huyện và các cảng phía Bắc thì chỉ có 13,4%” - ông Thắng lấy ví dụ và cho biết hiện nay Việt Nam đang nâng độ tĩnh không của các cầu, đường để khai thác triệt để các luồng vận tải thủy.
ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) tranh luận: “Bộ trưởng nói chi phí logistics hiện nay đã giảm nhưng trong thực tế chi phí này rất cao. Chi phí thực tế hiện nay trung bình 16,8%-17% trên giá trị hàng hóa chứ không phải trên GDP, thậm chí có những mặt hàng doanh nghiệp phải trả đến 20%-25%”.
Theo đó, ĐB Hiếu cho rằng “muốn giảm gánh nặng này thì phải làm quyết liệt từng khâu một”, kể cả những việc nhỏ. Ví dụ, số lần cất cánh, hạ cánh của sân bay Tân Sơn Nhất sau khi sửa chữa lại ít hơn trước khi sửa chữa. Trước khi sửa chữa trung bình 1 giờ có thể có 44-46 lần cất cánh, hạ cánh, hiện nay chỉ có 40-42 lần cất cánh, hạ cánh trong 1 giờ. “Chúng ta bỏ ra mấy ngàn tỉ đồng để nâng cấp đường băng mà số lượng cất cánh, hạ cánh lại giảm đi. Đấy là một sự điều tiết không đúng” - ĐB Hiếu nói.
Giảm chi phí logistics và giải pháp đầu tư, nâng cấp cầu, đường quá tải trên khắp cả nước là hai vấn đề được nhiều ĐBQH đặt ra…
Tỉnh bỏ ngân sách sửa chữa quốc lộ được không
Một nội dung được nhiều ĐBQH đặt ra đối với Bộ trưởng Thắng là cầu, đường hiện nay khắp nơi quá tải gây khó khăn cho người dân, trở ngại cho phát triển kinh tế - xã hội. “Nhiều tỉnh đề xuất dùng ngân sách đầu tư quốc lộ, sau đó bàn giao cho trung ương và Bộ GTVT quản lý. Xin hỏi quan điểm của Bộ trưởng đối với vấn đề này như thế nào?” - ĐB Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) đặt câu hỏi.
Về nội dung này, Bộ trưởng Thắng cho biết hiện nay do ngân sách có hạn nên chưa kịp bố trí đủ nguồn vốn để cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ, cầu hiện có đang xuống cấp. “Giai đoạn đến năm 2025, nhu cầu của cả nước là khoảng 462.000 tỉ đồng nhưng chỉ được bố trí khoảng 366.000 tỉ đồng. Số tiền này đã lớn rồi nhưng không đáp ứng được hết nhu cầu thực tế. Hiện chúng ta có hơn 25.000 km đường quốc lộ. Trong bối cảnh đó, nếu địa phương bố trí được vốn để cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ xuống cấp thì rất cần thiết” - ông Thắng nói và cho biết Chính phủ đang trình QH và Ủy ban Thường vụ QH cho phép thí điểm giao địa phương cải tạo cầu, đường xuống cấp trong lúc chờ sửa luật đường bộ.
Cùng nội dung này, ĐB Trần Anh Tuấn (TP.HCM) phản ánh việc hai tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương và TP.HCM - Long Thành thường xuyên quá tải, tắc nghẽn, đặc biệt vào những ngày cuối tuần. “Đề nghị Bộ trưởng cho biết kế hoạch mở rộng hai tuyến cao tốc này trong thời gian tới?” - ĐB Tuấn hỏi.
Bộ trưởng Thắng trả lời với dự án TP.HCM - Trung Lương, Bộ GTVT đang chuẩn bị các nội dung liên quan đến phương án đầu tư, dự kiến sẽ trình Thủ tướng trong tháng 6. “Đây là tuyến có lưu lượng giao thông rất đông, hiện không còn đảm bảo. Liên quan đến tuyến này còn tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận cũng phải tính toán” - ông Thắng nói.
Đối với tuyến TP.HCM - Long Thành, Bộ trưởng Thắng cho biết Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang đầu tư, khai thác và theo quy hoạch, tuyến này phải mở 8-10 làn xe. Cá nhân ông đã trao đổi với lãnh đạo VEC gợi mở phương án liên doanh, liên kết khi thực hiện dự án này.
“Chủ tịch và tổng giám đốc của VEC đã ghi nhận ý kiến này và sẽ có đề xuất sớm” - ông Thắng nói và cho hay VEC đã có công văn gửi Bộ GTVT, Thủ tướng xin được tiếp tục đầu tư mở rộng tuyến này.
“Đây là nội dung đặc biệt quan trọng, chúng tôi đặc biệt quan tâm vì liên quan đến sân bay Long Thành. Nếu sân bay Long Thành hoàn thành thì tuyến cao tốc này cần 8-10 làn xe, chưa kể chúng ta phải đầu tư tiếp các tuyến liên quan đến đường sắt thì mới đảm bảo được” - ông Thắng nói.•
Hài hòa lợi ích giữa Nhà nước với nhà đầu tư để thu hút
vốn xã hội
Về khó khăn khi kêu gọi xã hội hóa trong lĩnh vực giao thông, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho hay nhu cầu đầu tư hạ tầng chỉ tính riêng giai đoạn 2021-2025 cần 462.000 tỉ đồng, thực tế đến giờ phút này mới bố trí được hơn 66%, do vậy rất cần các nguồn vốn xã hội hóa để tham gia vào lĩnh vực này.
“Muốn vậy cần một hệ thống giải pháp đồng bộ, nhất là việc phải tạo được niềm tin của doanh nghiệp, tạo được sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp” - ông Thắng nói và cho rằng trước tiên thể chế cần phải điều chỉnh cho phù hợp để cân đối lợi ích giữa Nhà nước với nhà đầu tư.