Các đảng đối lập và nhóm doanh nghiệp Đức ngày 7-11 đã thúc giục Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhanh chóng tổ chức một cuộc bầu cử mới để giảm thiểu tình trạng bất ổn chính trị sau khi liên minh ba bên trong chính phủ của ông Scholz tan rã, theo hãng tin Reuters.
Liên minh chính phủ Đức bao gồm 3 đảng: đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh. Liên minh này thường được biết đến với tên gọi liên minh "đèn giao thông" do ông Scholz lãnh đạo từ năm 2021.
Nguyên do sụp đổ
Chính phủ Đức sụp đổ vào hôm 6-11 sau khi ông Scholz (thuộc SPD) sa thải Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner (thuộc FDP, với cáo buộc ông Linder cản trở việc giải quyết các tranh chấp về ngân sách, coi trọng đảng phái hơn đất nước và ngăn chặn luật pháp với lý do sai trái, theo Reuters.
Ngay trước khi bị sa thải, Bộ trưởng Tài chính Linder đã phản đối kế hoạch nới lỏng giới hạn nợ của ông Scholz nhằm tăng hỗ trợ cho Ukraine trong ngân sách năm 2025 thêm 3 tỉ euro (3,25 tỉ USD).
Việc sa thải bộ trưởng tài chính đã đẩy căng thẳng lên đến đỉnh điểm liên quan cuộc tranh cãi về cách lấp đầy lỗ hổng thâm hụt hàng tỉ euro trong ngân sách và phục hồi nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang phải chịu đà suy thoái kéo dài sang năm thứ hai.
Diễn biến tiếp theo là FDP rời khỏi liên minh ba bên, khiến SPD của ông Scholz và đảng Xanh bị mất thế đa số. Ba bộ trưởng giao thông, tư pháp và giáo dục thuộc FDP cũng quyết định rời khỏi chính phủ.
Một cuộc bầu cử sớm
Thủ tướng Đức cho biết sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào tháng 1-2025. Nếu ông Scholz không vượt qua khỏi cuộc bỏ phiếu mất tín nhiệm, một cuộc bầu cử mới sẽ được tổ chức, dự kiến vào cuối tháng 3-2025, sớm hơn 6 tháng so với thông lệ, theo Reuters.
Tuy nhiên, ông Friedrich Merz - lãnh đạo đảng đối lập Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) - đã kêu gọi cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm "chậm nhất là vào đầu tuần tới" và một cuộc bầu cử nên diễn ra vào cuối tháng 1 thay vì tháng 3. CDU hiện dẫn đầu trong các cuộc thăm dò toàn quốc.
"Chúng tôi không thể để một chính phủ không có đa số tồn tại ở Đức trong nhiều tháng nữa, sau đó là một chiến dịch tranh cử trong nhiều tháng nữa và sau đó có thể là nhiều tuần đàm phán liên minh" - ông Merz nói.
Ngành công nghiệp Đức, vốn đang chao đảo vì chi phí cao và sự cạnh tranh khốc liệt đến từ các đối thủ ở châu Á, cũng đã thúc giục chính quyền ông Scholz tổ chức bầu cử càng sớm càng tốt.
Tương lai của nước Đức
Cuộc khủng hoảng chính trị sau khi chính phủ Đức sụp đổ xảy ra vào thời điểm quan trọng đối với nước Đức, khi nền kinh tế đang phải đối mặt trì trệ, cơ sở hạ tầng xuống cấp và quân đội thiếu sự chuẩn bị. Các nhà kinh tế cho biết cuộc khủng hoảng do liên minh cầm quyền sụp đổ có khả năng giáng một đòn nữa vào tiêu dùng và đầu tư trong những tháng tới ở Đức, theo Reuters.
Nhưng việc chính phủ Đức sụp đổ ở hiện tại cũng có thể là một điều tốt xét về lâu dài. "Các cuộc bầu cử và một chính phủ mới có thể sẽ chấm dứt tình trạng tê liệt hiện tại của toàn bộ quốc gia và đưa ra định hướng chính sách mới, rõ ràng và chắc chắn" - nhà kinh tế học Carsten Brzeski phân tích.
Tuy nhiên, sự trỗi dậy của cả các đảng dân túy cánh tả và cánh hữu ở Đức cũng như ở những nơi khác ở châu Âu cho thấy ngay cả một cuộc bầu cử mới cũng không dễ dàng tạo ra một liên minh mới có tính thống nhất với đa số phiếu rõ ràng.
Bên cạnh đó, việc liên minh cầm quyền ba bên tan rã đã đẩy chính phủ Đức sụp đổ và tạo ra một khoảng trống quyền lực ngay tại trung tâm Liên minh châu Âu (EU) giữa lúc tổ chức này đang tìm kiếm một phản ứng thống nhất trước việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ vừa qua.