Chiến thắng của ông Trump và sự vội vàng của phần còn lại thế giới

(PLO)- Từ những trải nghiệm làm việc với ông Trump cách đây 8 năm, lãnh đạo nhiều nước đang nỗ lực sắp xếp đối thoại trực tiếp với tổng thống đắc cử, thậm chí trước ngày ông nhậm chức 20-1-2025.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau khi ông Donald Trump được xác định là người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hay thậm chí lúc ông chỉ mới “tiệm cận” chiến thắng, nhiều nhà lãnh đạo – từ châu Âu cho tới châu Á, Trung Đông đến khu vực Mỹ Latinh – đã nhanh chóng đăng tải các thông điệp chúc mừng.

Theo một số nguồn tin nói với CNN, các lãnh đạo và nhà ngoại giao trên thế giới đang nỗ lực liên lạc và xúc tiến các cuộc gặp với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và đội ngũ cố vấn của ông.

Tổng thống đắc cử Donald Trump.jpg
Tổng thống đắc cử Donald Trump vẫy tay chào những người ủng hộ mình sau khi truyền thông Mỹ đưa tin ông giành chiến thắng bầu cử Mỹ. Ảnh: REUTERS

Lãnh đạo nhiều nước mong muốn cuộc gặp diễn ra trước ngày nhậm chức 20-1-2025 và một số còn sẵn sàng tới gặp ông Trump tại dinh thự riêng Mar-a-Lago ở bang Florida hoặc tại TP New York (Mỹ).

Tuy nhiên, đội ngũ của ông Trump hiện chưa phác thảo kế hoạch sơ bộ cho các cuộc gặp như vậy và các nhà ngoại giao nước ngoài tại Mỹ phải chờ đợi để được phản hồi.

Một nhà ngoại giao nước ngoài tại Mỹ chia sẻ với CNN rằng sở dĩ làn sóng chúc mừng tổng thống đắc cử nổi lên từ rất sớm là do thế giới đã có sự hiểu biết nhiều hơn về ông Trump và cách thức tiếp cận, xây dựng quan hệ với nhà lãnh đạo này dựa trên kinh nghiệm họ có khi ông Trump đứng đầu Nhà Trắng trong nhiệm kỳ 2017-2021.

Khi ông Trump đắc cử tổng thống năm 2016, ông Shinzo Abe – lúc bấy giờ là Thủ tướng Nhật – đã trực tiếp tới gặp ông Trump tại Tháp Trump Tower (TP New York) và mang theo món quà là một bộ gậy đánh golf mạ vàng. Sau đó, Thủ tướng Đức lúc bấy giờ là bà Angela Merkel cũng có động thái tương tự.

Hiện nay, quan điểm của ông Trump về các vấn đề quốc tế được cho là không có nhiều thay đổi so với cách đây 8 năm và được dự báo có thể dẫn tới nhiều yếu tố bất định trong chính trị toàn cầu.

Ông Trump cam kết dập tắt ngọn lửa xung đột đang “bùng cháy” trên thế giới: chấm dứt chiến sự giữa Nga và Ukraine trong vòng 24 giờ và mang lại hoà bình cho Trung Đông, cũng như kiềm chế Triều Tiên và Iran.

Ông Trump còn đề xuất áp thuế mới đối với hàng hoá Trung Quốc, đánh giá lại vai trò của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đối với Washington và sẵn sàng trục xuất hàng loạt người nhập cư bất hợp pháp khỏi Mỹ.

Dự đoán bộ máy trong thời đại Trump 2.0

Theo các nhà phân tích chính trị của CNN, những quan chức từng phục vụ trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump như cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo, cựu Chánh văn phòng Hội đồng An ninh quốc gia Keith Kellogg hay cựu quyền Giám đốc Tình báo quốc gia Richard Grenell có thể được trọng dụng trong chính quyền mới.

Tổng thống đắc cử Trump được dự đoán sẽ chọn ông Brian Hook – người từng kinh qua nhiều vị trí ngoại giao cấp cao trong giai đoạn 2017-2021 – làm lãnh đạo nhóm chuyển giao quyền lực trong Bộ Ngoại giao.

Tuy nhiên, không loại trừ khả năng ông Trump tìm kiếm những cố vấn mới, những người sẵn sàng thực hiện các ý tưởng của ông và ít quan tâm hơn các chuẩn mực cố hữu ở Nhà Trắng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm