Chiều 15-6, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã đăng đàn trả lời chất vấn của các ĐBQH. Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đặt câu hỏi:
Tại kỳ họp thứ hai, CP báo cáo có 5 dự án do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả. Vừa qua, Ban chỉ đạo của CP về xử lý những tồn tại, yếu kém của một số dự án kém hiệu quả, chậm tiến độ của Bộ Công thương xác định có 12 dự án gây lãng phí nhiều nghìn tỷ đồng, hiệu quả đầu tư kém. Xin Phó thủ tướng cho biết, ngoài 12 dự án đã được xác định, đến nay còn bao nhiêu dự án thuộc bộ, ngành Trung ương quản lý rơi vào tình trạng trên? Thời gian tới, CP có biện pháp gì để phát hiện và xử lý những dự án tương tự nếu có, để hạn chế lãng phí trong đầu tư? Để xảy ra tình trạng trên thì trách nhiệm thuộc về ai?
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định chính phủ sẽ xử lý nghiêm những người chịu trách nhiệm để các dự án thất thoát.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình trả lời: Liên quan đến 12 dự án thua lỗ, thất thoát, CP đã có báo cáo tại phiên khai mạc. Những dự án này sẽ cơ cấu, sắp xếp lại, giải quyết trên tinh thần không để thất thoát cho ngân sách, không dùng ngân sách để trả nợ, giải quyết theo cơ chế thị trường, xử lý nghiêm các vi phạm, kể cả tổ chức và cá nhân- những người chịu trách nhiệm trực tiếp.
Thủ tướng đã thành lập ban chỉ đạo do một Phó Thủ tướng làm trưởng ban để chỉ đạo khắc phục hậu quả của việc này.
“ĐB hỏi ngoài 12 dự án này còn nữa hay không? Tôi xin trả lời mang tính ước lệ thôi, không thể khẳng định là không có, cũng không thể nói là không còn. Trên tinh thần chung là còn, nhưng phải tiếp tục rà soát. CP yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tự rà soát, phát hiện và báo cáo Chính phủ"- Phó Thủ tướng nói.
Ông cũng cho biết Chính phủ sẽ có giải pháp để xử lý như đối với 12 dự án “đắp chăn, đắp chiếu”. Giải quyết trên tinh thần xử lý theo cơ chế thị trường, không dùng vốn nhà nước, ngân sách nhà nước để trả nợ đồng thời kiên quyết xử lý đối với người vi phạm.
Theo ông, giải pháp cơ bản là làm sao không còn những dự án này. Trách nhiệm của các ngành, các cấp là phải chấp hành đúng nghị quyết của CP, sắp xếp lại các tập đoàn kinh tế, cơ cấu lại ngành nghề và tăng cường thực hiện các chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng.... và xử lý nghiêm các vi phạm”.