Động thái tố tụng này được xem là cần thiết và phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.
Theo số liệu mà BV Nhi đồng 1 và BV Nhi đồng 2 TP.HCM cung cấp cho báo chí thì số lượng trẻ bị chó cắn đến khám và nhập viện tăng liên tục trong ba năm qua. Trong đó, năm 2018, tại BV Nhi đồng 1 có đến gần 150 ca, còn tại BV Nhi đồng 2 tới 340 ca, các vết thương chủ yếu ở vùng mặt, đùi, chỗ hiểm. Tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, trung bình mỗi tháng có 600-900 ca đến chích ngừa dại do bị súc vật cắn, chủ yếu là chó.
Nuôi chó để làm bạn, để trông nhà là thói quen có từ rất lâu của người dân Việt Nam. Thế nhưng không phải ai nuôi chó cũng có ý thức bảo vệ an toàn cho cộng đồng nên mới để lại nhiều cái chết thương tâm cho cả người lớn và trẻ nhỏ. Thỉnh thoảng đâu đó người ta bất chợt bị những con chó chạy rông, không rọ mõm chạy ra xâu xé người đi đường. Nếu vết cắn chưa nguy hiểm đến tính mạng, chủ chó nào biết lỗi thì họ còn trả cho nạn nhân được vài trăm ngàn tiền chích ngừa. Những trường hợp nặng dẫn đến chết người, chúng ta hầu như không thấy công an ra quyết định khởi tố hình sự người chủ của những con chó hung dữ.
Đàn chó cắn tử vong bé trai Nguyễn Đắc Nguyên đã được chuyển đến Công an huyện Kim Động. Ảnh: TTXVN
Trở lại vụ bé trai Nguyễn Đắc Nguyên (bảy tuổi) ở Hưng Yên bị chó cắn chết, hồ sơ thể hiện chập tối 3-4, cháu Nguyên đang chơi ở sân vận động cũ huyện Kim Động thì bất ngờ bị đàn chó khoảng sáu con của nhà bà Lê Thị An (51 tuổi) tấn công. Dù cháu Nguyên được người dân phát hiện và đưa đến BV đa khoa tỉnh Hưng Yên cấp cứu nhưng cháu đã không qua khỏi. Điều đáng nói là người dân cho biết trước đó họ đã từng nhắc nhở bà An cần phải để tâm tới đàn chó hung dữ này. Nhưng rồi hậu quả vẫn xảy ra...
Khoản 1 Điều 129 BLHS 2015 quy định về tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính như sau: “Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính thì bị phạt tù 1-5 năm”. Cạnh đó, Nghị định 90/2017 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y nêu rất rõ tại Điều 7 rằng: “Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng”.
Việc người nuôi chó là bà An đã không thực hiện đúng quy định hành chính theo Nghị định 90 nêu trên nên mới xảy ra hậu quả làm bé trai tử vong. Do đó, việc Công an huyện Kim Động ra quyết định khởi tố bà An theo khoản 1 Điều 129 BLHS 2015 (khung hình phạt 1-5 năm tù) là có cơ sở. Bởi pháp luật bắt buộc người nuôi chó phải thấy trước được hành vi thả rông đàn chó dữ mà không rọ mõm của mình có thể gây ra nguy hiểm tới sức khỏe, tính mạng của người khác.
Đàn chó là tài sản của bà An nên bà phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại mà đàn chó của bà gây ra cho cháu bé, bao gồm cả trách nhiệm dân sự (như bồi thường thiệt hại về tổn thất tinh thần, mai táng phí…) lẫn hình sự.
Vậy nên việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với người chủ đàn chó cắn chết cháu bé trong trường hợp này là cần thiết. Sống trong xã hội, mọi người đều phải biết tôn trọng pháp luật. Không thể vì lợi ích của mình mà lại làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác.