Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 15/2020 ngày 24-4 quy định cụ thể việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đáng chú ý, quy định nêu rõ: Người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) với lãi suất 0% để trả lương ngừng việc cho người lao động.
Cầm cố nhà để có tiền trả lương cho nhân viên
Nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng chính sách trên là kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế nhưng để tiếp cận nguồn vốn trên không dễ. Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean (Vitajean), cho biết công ty ông không hề vướng bất cứ quy định nào theo mẫu hướng dẫn của Quyết định 15 nhưng khó tiếp cận gói tín dụng này.
“Dòng tiền của chúng tôi bị thiếu hụt khoảng ba tháng do các đối tác dừng nhập hàng. Do đó, cái mà chúng tôi cần nhất lúc này là được hỗ trợ dòng tiền để chi trả các khoản như lương cho công nhân, chi phí điện, nước,… Chỉ tính riêng quỹ lương để chi trả cho công nhân, mỗi tháng Vitajean cần tới gần 40 tỉ đồng. Nếu dòng tiền không quay về kịp thì công ty khó có thể đáp ứng cho các khoản chi thường xuyên, nhất là chi trả lương cho người lao động” - ông Việt nêu thực tế.
Cùng chung cảnh ngộ, ông Lý Thành Sinh, Giám đốc Công ty May thêu Minh Long Hưng, chia sẻ: Dịch COVID-19 khiến cho DN kiệt quệ. Thế nhưng đầu tháng 2, khoản vay của công ty tại Ngân hàng MB bị nhảy nhóm nợ. Thời điểm này Ngân hàng Nhà nước chưa có quy định tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đến cuối tháng 2, quy định này có hiệu lực thì khoản vay bị nhảy nhóm của công ty không được hồi tố.
Khó khăn chồng chất, tính đến thời điểm hiện tại, Công ty May thêu Minh Long Hưng buộc phải cho gần 80% công nhân nghỉ việc. Bên cạnh đó, một số mặt bằng thuê để làm nhà xưởng công ty đã phải thanh lý hợp đồng nhằm giảm chi phí. Bởi giữ nguyên mặt bằng nhà xưởng thì buộc phải có người quản lý, rồi chi phí điện, nước… không chịu nổi.
Người sử dụng lao động đang chờ được vay vốn với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động. Ảnh: TL
“Gắn bó với nghề may đã 30-40 năm nay, giờ bảo dẹp hết đi thì chúng tôi biết làm cái gì để sống. Dù đang đối diện với cảnh “chết lâm sàng” nhưng chúng tôi vẫn đang cố gắng cầm cự để sống qua ngày. Vậy mà để tiếp cận gói tín dụng 0% thông qua nhà băng không hề dễ dàng” - ông Sinh ngậm ngùi.
Tương tự, ông Trần Văn An, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mekong Herbal, kể để chuẩn bị tiền trả lương cho công nhân trong tháng 4, ông đã phải mang giấy tờ nhà đi cầm cố tại ngân hàng. Trước đây, nếu thế chấp tài sản thì chỉ khoảng một tuần sau là hồ sơ vay được phê duyệt, nhưng nay ngân hàng ngâm hồ sơ gần một tháng mà vẫn chưa có câu trả lời.
“Mới đây nhất, một ngân hàng thông báo lãi suất cho vay ngắn hạn chín tháng, có tài sản thế chấp là 7,5%/năm trong ba tháng đầu; sáu tháng tiếp theo lãi suất là 8,5%/năm. Đây là mức lãi suất vay thông thường chứ có phải lãi suất ưu đãi gì đâu” - ông An nói.
Cố gắng hết sức vẫn không được hỗ trợ Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nhiều DN phản ánh gói hỗ trợ về tài chính chưa đến tay họ. Có rất nhiều công ty đang phải gồng mình cố gắng bằng mọi phương án duy trì sản xuất và giữ chân người lao động. Với những nỗ lực như vậy, song họ vẫn không đủ điều kiện để được hưởng gói hỗ trợ của Nhà nước. |
Thủ tục nhiêu khê, qua nhiều bước
Để gói hỗ trợ thực sự đến tay người lao động, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean Phạm Văn Việt đề nghị cơ quan chức năng cần nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc. Ví dụ, cơ quan chức năng có thể căn cứ vào sổ bảo hiểm, doanh thu của DN, danh sách giám sát công nhân tại địa phương… để cho vay gói lãi suất 0%. Hoặc các cơ quan hữu trách có thể căn cứ vào số lượng lao động bị ngừng việc, tình hình doanh thu của các công ty trong mấy tháng dịch bệnh… là đủ cơ sở giải ngân cho vay.
“Hiện chúng tôi đang rất nóng lòng chờ tới thời điểm triển khai chính thức các thủ tục vay theo chính sách này. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi vẫn đang chờ đợi chứ chưa được vay” - ông Việt cho biết.
Đồng quan điểm, nhiều công ty khác cũng cho rằng Quyết định 15 của Chính phủ là chủ trương rất tốt, giúp họ có thêm nguồn lực để giữ nhân viên khi khởi động trở lại. Song nhiều quy định về điều kiện, thủ tục phức tạp, rườm rà. Đơn cử như việc DN phải chứng minh khó khăn về tài chính, các chứng chỉ hành nghề, giấy phép đầu tư... Đặc biệt là quy định để được vay vốn lãi suất 0% thì phải có từ 20% người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ một tháng liên tục trở lên. “Như vậy không lẽ để được vay tiền hỗ trợ, chúng tôi phải sa thải 20% nhân viên đang có ở công ty?” - đại diện một công ty đặt vấn đề.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Văn Tiên, Giám đốc NHCSXH Chi nhánh TP.HCM, cho biết: NHCSXH Trung ương vừa ban hành công văn hướng dẫn thực hiện triển khai cho vay gói tín dụng lãi suất 0%. Hiện chúng tôi đã tiến hành tập huấn cho cán bộ, công nhân viên chủ chốt, sau đó sẽ triển khai cho tất cả nhân viên trên toàn hệ thống.
“Một trong những điều kiện để được vay gói lãi suất ưu đãi này là các DN phải cung cấp đủ giấy tờ và kê khai theo hướng dẫn tại Quyết định 15 của Chính phủ. Khi đó người sử dụng lao động mới làm việc với NHCSXH để tiến hành việc vay vốn được” - ông Tiên nói.
Lãi suất 0%, không phải bảo đảm tiền vay Ngân hàng Nhà nước cho biết đang dự thảo thông tư quy định về tái cấp vốn đối với NHCSXH theo Quyết định số 15/2020 của Thủ tướng. Dự kiến dành 16.000 tỉ đồng thực hiện tái cấp vốn cho NHCSXH để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc. Lãi suất tái cấp vốn là 0%/năm. Còn theo hướng dẫn của NHCSXH Trung ương về gói vay trả lương lãi suất 0%, người sử dụng lao động được vay vốn khi đáp ứng điều kiện có từ 20% hoặc từ 30 người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ một tháng liên tục trở lên; đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ ngày 1-4 đến hết 30-6; lãi suất cho vay là 0%/năm; lãi suất nợ quá hạn là 12%/năm; khách hàng vay vốn không phải thực hiện bảo đảm tiền vay… |