Phản ánh đến báo Pháp Luật TP.HCM, người dân cho biết nhiều khu vực tại chợ Tân Bình (phường 8, quận Tân Bình, TP.HCM) đã xuống cấp. Thế nhưng, một số tiểu thương lại lấn chiếm lối đi giữa các quầy hàng, nhiều hộp đựng dụng cụ chữa cháy, bình chữa cháy xách tay tại chợ cũng bị che khuất hoặc giấu dưới các gian hàng cố định khiến công tác PCCC nơi đây tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ.
Lơ là, chủ quan trong PCCC
Theo ghi nhận của PV, dịp cuối năm do lượng hàng hóa tăng cao, các tiểu thương tận dụng lối đi chính, lối thoát hiểm để trưng bày sản phẩm, chất hàng hóa, thậm chí có tiểu thương còn nấu ăn bằng bếp gas mini ngay bên sạp hàng, sát những vật dụng dễ cháy.
Đặc biệt, tại các hồ nước, khu vực đặt thiết bị PCCC lại bị chiếm dụng làm chỗ giữ xe hoặc là nơi chứa hàng hóa, dẫn đến nguy cơ cháy nổ rất cao.
Chị Trịnh Nhã (ngụ quận 12, TP.HCM) cho biết, thường lấy hàng tại chợ Tân Bình để về bán lẻ ở nhà. Do dịp cuối năm nhu cầu mua sắm tăng cao nên mỗi ngày chị phải đi lấy hàng để kịp giao cho khách.
“Những ngày này hàng hóa nhập về liên tục nên không tránh khỏi tình trạng hàng hóa để tràn các lối đi, thậm chí chồng chất lên cao. Khung cảnh chợ ngổn ngang, bừa bộn. Tôi mong các tiểu thương phải cảnh giác không được chủ quan, lơ là với cháy nổ. Bởi khi xảy ra hỏa hoạn thì hậu quả rất khó lường” - chị Nhã lo ngại.
Chị NTT (tiểu thương chợ Tân Bình) cho biết những tháng vừa rồi buôn bán ế ẩm nên hàng hóa nhập về ít. Thời gian cận Tết, nhu cầu khách sỉ lấy hàng nhiều nên nhập hàng về số lượng lớn.
“Do lượng hàng hóa tăng cao trong khi ki-ốt lại nhỏ nên tôi và các tiểu thương phải tận dụng những khoảng trống còn lại trong chợ để chứa hàng. Dẫu biết lấn chiếm là sai, nhưng do lượng hàng hóa nhiều quá nên cũng không biết để đâu" - chị T nói.
Một tiểu thương khác cũng cho biết đã bán hàng ở đây được 5 năm, về mặt PCCC tại chợ cũng được rất nhiều tiểu thương quan tâm. Mỗi năm một lần, ban quản lý chợ tổ chức chợ tập dợt PCCC cho tiểu thương, người dân cũng được học về phương thức sử dụng bình chữa cháy và thoát thân khi xảy ra hỏa hoạn.
Khó khăn vì không đủ diện tích
Bà Huỳnh Thị Mỹ Phượng, Phó Ban quản lý chợ Tân Bình cho biết chợ buôn bán quần áo là chủ yếu. Hiện có 3.279 quầy, sạp nên rất đông tiểu thương và hàng hóa. Tuy nhiên, chợ Tân Bình đã xây dựng từ rất lâu nên cơ sở vật chất dần xuống cấp. Các sạp hàng san sát nhau dẫn đến việc không có kệ PCCC, sạp nhỏ nên tiểu thương không đủ chỗ để bình PCCC, chỉ đủ chất hàng.
Về vấn đề bãi giữ xe che chắn khu vực hồ nước PCCC, bà Phượng giải thích, bãi xe này mới đi vào hoạt động được 1 tháng, do viên chức của chợ quản lý nên chưa có kinh nghiệm. Ngay trong ngày làm việc với PV báo Pháp Luật TP.HCM, ban quản lý chợ đã dời bãi giữ xe ra khỏi khu vực này.
Ngoài ra, ban quản lý chợ thường xuyên kiểm tra các đường dây điện. Mỗi sạp đều để bình chữa cháy bên trong. Hàng ngày, hàng tuần đều có phát thanh tuyên truyền, diễn tập PCCC hàng năm.
Theo ông Lê Thành Tâm, Tổ trưởng Tổ bảo vệ chợ Tân Bình, lực lượng bảo vệ có 3 ca, mỗi ca có 11-12 người. Trong đó ca trưởng, ca phó, đội trưởng sẽ trực ban đêm và ban ngày.
Về hình thức bố trí các vật dụng PCCC, mỗi khu vực đều đặt 10 bình chữa cháy ở vị trí cố định để bảo vệ tiện tìm kiếm. Ngoài ra, mỗi sạp hàng hóa phải có ít nhất 1 bình riêng.
Về công tác PCCC tại chợ Tân Bình, UBND phường 8 phối hợp cùng UBND quận Tân Bình thường xuyên kiểm tra định kỳ 6 tháng một lần. Ngoài ra tổ chức diễn tập, tuyên truyền đến các tiểu thương về An ninh Trật tự, PCCC.
Ông Lê Huỳnh Thanh, Chủ tịch UBND phường 8, quận Tân Bình.