Trẻ em là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương và cần được chăm sóc khoa học, đảm bảo dinh dưỡng cân đối trong mùa dịch. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định 4156, đối với dinh dưỡng cho trẻ cần phải tuân thủ các nguyên tắc sau.
1. Định kỳ theo dõi tình trạng dinh dưỡng của trẻ bằng cân nặng và lượng thức ăn trẻ ăn vào.
2. Chế độ ăn cân đối hằng ngày với bốn yếu tố chính: Lipid (lipid động vật và thực vật); vitamin và khoáng chất, thành phần các chất sinh năng lượng (protein, lipid, carbohydrate); protein (protein động vật và thực vật). Trẻ phải có ít nhất một bữa ăn trong ngày có cân đối khẩu phần.
Phụ huynh nên hạn chế cho trẻ ăn quá nhiều đồ ngọt, ăn mặn, đồng thời cân đối các chất trong bữa ăn hằng ngày cho trẻ. Ảnh: NGUYỆT NHI
3. Hằng ngày phải ăn ít nhất năm trong tám nhóm thực phẩm gồm: Nhóm tinh bột; nhóm sữa và chế phẩm sữa; nhóm dầu mỡ; nhóm rau củ; nhóm thịt cá; nhóm trứng, nhóm các loại hạt; nhóm rau củ màu vàng - xanh thẫm.
4. Hạn chế ăn quá nhiều đồ ngọt (khuyến nghị lượng đường <5% tổng năng lượng ăn vào).
5. Hạn chế ăn quá mặn.
6. Cung cấp đủ nước, đặc biệt nước trái cây tươi, tránh uống nước ngọt công nghiệp.
7. Khuyến khích trẻ 1-2 tuổi uống sữa công thức tối thiểu 600 ml/ngày (trẻ không có sữa mẹ), trẻ trên hai tuổi 500 ml/ngày, uống sữa công thức theo tuổi/ngày đủ đáp ứng dinh dưỡng cho tăng trưởng và cân bằng dinh dưỡng (không cần bổ sung đa vi chất).
8. Tránh thức ăn gây nôn và buồn nôn bằng những khẩu vị trẻ thích, thức ăn dễ tiêu hóa và có giá trị dinh dưỡng cao.