TIẾP VỤ “RỐI RẮM TỪ MỘT VỤ LỪA BÁN NHÀ”

Chủ nhà đòi kiện văn phòng công chứng

Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 26-11 có phản ánh về trường hợp làm giả giấy tờ để đi công chứng hợp đồng bán căn nhà 80/22 Đặng Văn Ngữ, phường 10, quận Phú Nhuận (TP.HCM) do bà Nguyễn Thị Huệ làm chủ sở hữu. Thông tin thêm với PV, bà Huệ cho biết: Từ ngày 21-9 đến 24-10-2012, bà có việc sang Mỹ nên không có mặt ở nhà trên. Trong thời gian này, người thuê nhà của bà sử dụng nhà và người này đã có nhiều thủ đoạn tinh vi để lừa bán căn nhà của bà.

CMND hệt như thật

Ngoài giấy tờ nhà bản chính mà trước đó vờ hỏi mua nhà để đánh tráo, phía người thuê nhà còn làm giả giấy CMND, hộ khẩu, giấy chứng nhận độc thân mang tên bà Huệ và đóng vai bà Huệ đi công chứng hợp đồng bán nhà. Mặt trước giấy CMND ghi đúng các thông tin về bà Huệ nhưng dán ảnh của bà thuê nhà. Mặt sau CMND in dấu vân tay, các dấu vết riêng của bà thuê nhà và thời điểm cấp là gần đây với tên người ký là giám đốc Công an TP.HCM đương thời.

Cho rằng Văn phòng công chứng Gia Định không xác minh kỹ càng khi công chứng hợp đồng mua bán nhà trên khiến cho gia đình chịu nhiều thiệt thòi, bà Huệ đang nhờ luật sư tư vấn để khởi kiện văn phòng này. Theo bà, việc mua bán còn có một chi tiết đáng ngờ mà văn phòng lại không nhận ra. Đó là có đến hai hợp đồng mua bán nhà: Hợp đồng một ký ngày 9-10 ghi giá 1,8 tỉ đồng; hợp đồng hai ký sau một tuần ghi giá 3 tỉ đồng (sau khi hợp đồng một bị hủy).

Chủ nhà đòi kiện văn phòng công chứng ảnh 1

Sẽ bồi thường khi có án tòa

Làm việc với PV, ông Trần Quốc Phòng, Trưởng Văn phòng công chứng Gia Định, giải thích: “Trong quá trình tiến hành công chứng hợp đồng mua bán nhà nêu trên, các bên tham gia giao dịch đã đồng ý ký tên, lăn tay vào hợp đồng trước sự chứng kiến của công chứng viên (CCV). CCV đã đối chiếu toàn bộ giấy tờ nhà với CMND bản chính do người bán xuất trình (sau này mới biết không phải là bà Huệ) và kiểm tra dấu vân tay thì thấy trùng khớp. Trước khi phát hành hồ sơ, CCV còn đối chiếu lại lần nữa và không thấy có dấu hiệu bất thường. Sở dĩ có hai hợp đồng là do ngày 17-10, người mua và người bán đề nghị lập văn bản hủy hợp đồng chuyển nhượng 1,8 tỉ đồng, đồng thời yêu cầu ký lại hợp đồng với giá tăng lên 3 tỉ đồng. Nhận thấy yêu cầu này không trái với quy định pháp luật nên văn phòng đã thực hiện đúng quy trình hủy và lập hồ sơ ký lại hợp đồng chuyển nhượng.

Đã rõ là giấy giả

Liên quan đến các giấy CMND, hộ khẩu có trong hồ sơ bán nhà, PV được Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an TP.HCM thông tin:  Các giấy này không có trong hồ sơ dữ liệu được lưu trữ tại đội cấp CMND của Công an TP.HCM và Công an quận Phú Nhuận. Tức cả hai đều là giấy giả. Trưởng phòng Nguyễn Văn Dung cho biết phòng sẽ có văn bản trả lời bà Huệ về việc này. Ông cũng lưu ý: “Việc vợ chồng ông Thứ để cho nhiều người khác đến ở mà không đăng ký lưu trú là sai quy định, gây ra nhiều phiền toái, mất an ninh cho bà Huệ. Công an quận Phú Nhuận cần chỉ đạo Công an phường 10 chấn chỉnh ngay việc này”.

Công an cần tích cực điều tra

Với kiểu làm giả hệt như thật trong trường hợp này, tôi cho rằng CCV rất khó nhận ra và như thế không thể nói CCV có lỗi khi công chứng.

Có một thực tế là công an rất chậm vào cuộc những vụ làm giả giấy tờ qua mặt công chứng. Trong nhiều trường hợp, các cơ quan tư pháp chỉ xử lý người sử dụng giấy giả, tức chỉ xử lý được phần ngọn của vấn đề. Tới đây, các cơ quan Công an TP.HCM cần tích cực điều tra, xử lý bằng được các đối tượng làm giả, giải quyết cho được phần gốc của vấn đề thì mới mong giảm đáng kể số vụ làm giả giấy đi công chứng.

LÊ THỊ BÌNH MINH, Phó Giám đốc  Sở Tư pháp TP.HCM

Sẽ khuyến cáo CCV đi xác minh

Việc giấy tờ giả “bủa vây” các cơ quan công chứng thật sự là mối lo ngại của nhiều CCV. Thông qua phản ánh của báo chí rằng vụ này giả giấy đỏ, vụ kia giả CMND, giả người, nhiều người đã đặt vấn đề: CCV đã kiểm tra thế nào mà không phát hiện giả; vì sao CCV này lật tẩy được mánh lới lừa đảo mà CCV khác lại không?

Do thủ đoạn làm giả rất tinh vi nên không có CCV nào có thể cam đoan 100% hồ sơ công chứng của mình là hoàn toàn thật. Bản thân tôi cũng vậy, có thể trong nhiều vụ tôi phát hiện ra ngay nhưng cũng có vụ tôi không thể biết được. Dù nguyên nhân nào thì tôi cũng cho rằng không có chuyện CCV dại dột biết giả mà vẫn công chứng vì việc này có thể làm phát sinh nhiều hậu quả pháp lý nghiêm trọng cho chính CCV.

Pháp luật không quy định CCV phải có trách nhiệm phân biệt giấy tờ giả, giấy tờ thật. Tuy nhiên, CCV có nghĩa vụ “bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người yêu cầu công chứng” và việc CCV xem xét tính hợp pháp của các loại giấy tờ cũng là biện pháp để thực hiện nghĩa vụ trên. Hội Công chứng TP.HCM khuyến cáo các CCV phải đi xác minh trước khi công chứng, trừ trường hợp người mua cam kết đã xem nhà và không yêu cầu CCV xác minh. Qua xác minh, CCV sẽ có cơ sở xác định nhà có thật hay không, giấy tờ thế nào, có thật là mua bán hay là thế chấp để cho vay rồi che đậy bằng quan hệ mua bán và người mua nhà trong trường hợp này đã không đi xem nhà. Theo ước tính, có đến 80% hồ sơ công chứng giấy tờ giả rơi vào những giao dịch giả tạo như thế.

Trừ trường hợp hãn hữu như của bà Huệ (chủ nhà thật vắng nhà, chủ nhà giả lại ở trong nhà vào thời điểm mua bán và có cả giấy tờ nhà bản chính nên không gây ra nghi ngờ), việc chủ động xác minh của CCV sẽ giúp khắc phục tình trạng công chứng giấy tờ giả.

Công chứng viên PHAN VĂN CHEO,
Chủ tịch  Hội Công chứng TP.HCM

THÁI HIẾU - KIM PHỤNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm