Sự việc như sau, ngày 15-4, Công an quận Ô Môn, TP Cần Thơ đã tiến hành khởi tố, bắt tạm giam sáu người về hành vi bắt giữ người trái pháp luật gồm: Nguyễn Tiền Quang Vinh (26 tuổi), Nguyễn Tiền Vinh Quang (29 tuổi), Nguyễn Thị Tuyết Vân (34 tuổi), Thổ Minh Chí (21 tuổi), Thổ Hy Vọng (31 tuổi) và Thổ Anh Nguyệt (24 tuổi).
Theo cơ quan công an, trước đó hai anh em NHM và NHS (ngụ phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP.HCM) có vay mượn của Nguyễn Tiền Quang Vinh khoảng 1 tỉ đồng và không có khả năng chi trả. Cả hai đã bỏ trốn và thuê nhà trọ tại khu vực 12, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, TP Cần Thơ.
Đến ngày 8-4, Vân (chị ruột Vinh) theo đoàn cúng chùa đến phường Châu Văn Liêm thì tình cờ phát hiện S. và M. đang lẩn trốn tại đây nên thông báo cho Vinh biết. Nhóm của Vinh xuống Cần Thơ, đến nhà trọ S. và M. thuê xông vào khống chế và dùng dây dù trói tay chân hai anh em S. và M. lại. Tuy nhiên, Công an quận Ô Môn đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường để giải quyết vụ việc.
Sáu người bị khởi tố cùng tang vật trong vụ trói con nợ.
Bạn THỊNH cũng than thở: “Tính ra người cho vay thiệt thòi đủ điều, vừa mất tiền cho vay vì không đòi được. Làm dữ với người vay nợ thì dễ bị đi tù. Không biết phải làm sao luôn”.
Đồng quan điểm, bạn đọc ANH BAY nêu thực trạng bất hợp lý trong xã hội: “Khi người cho vay gặp người vay bức xúc xiết tài sản hoặc bắt người lại vướng vào luật tố tụng hình sự. Người vay nợ từ đó cho rằng không ai dám làm gì mình rồi không chịu trả nợ, ngang nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác thì lại không bị tội...”.
Rất nhiều ý kiến cho rằng chủ nợ mới là nạn nhân trong những vụ việc tương tự. Họ vừa mất tiền lại bị vướng vòng lao lý, đôi khi chỉ vì sự tốt bụng của mình. Trong khi con nợ vẫn nhơn nhơn bên ngoài, có tiền cũng không thèm trả, hẹn lần hẹn lữa rồi… bơ luôn. Nhiều chủ nợ vì đòi nợ hoài không được vô cùng bức xúc đã phải sử dụng tới “biện pháp mạnh”, nhờ tới các nhóm đòi nợ thuê, giang hồ.
Nói về việc tại sao không nhờ tới pháp luật đòi nợ, nhiều bạn đọc cho rằng khá nhiêu khê, rắc rối đến mệt mỏi.
Bạn đọc ANH BAY phân tích cho rằng luật pháp còn kẽ hở về vấn nạn vay nợ không chịu trả. Có nhiều vụ án, người cho vay cầu cứu cơ quan công an giúp đỡ nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn, nhiêu khê. Phải cung cấp bằng chứng, nhân chứng, giấy tờ… “Đến khi đủ chứng cứ pháp lý thì cơ quan công an trả lời người vay nợ không còn ở địa phương, huề trớt. Vụ án coi như bế tắc”.
Bạn LƯƠNG TUẤN đồng tình: “Không có chủ nợ nào đủ kiên nhẫn để kiện con nợ ra tòa đòi tiền bao giờ. Vừa mất thời gian đi lên đi xuống còn chưa biết có lấy lại được tiền không. Nếu may mắn thắng kiện thì có khi chỉ thắng kiện trên giấy chứ tiền chưa chắc đã lấy được một xu nào, vì còn phải đợi thi hành án này nọ. Có khi trong thời gian tòa xử, con nợ nó tẩu tán hết tài sản rồi cũng nên. Do đó, thuê người đòi nợ cho là biện pháp nhanh chóng và hiệu quả nhất”.
Cũng có bạn đọc phản đối, không đồng tình. Bạn RUOIBO cho rằng đó là công việc “thất nhân tâm, trái pháp luật của bọn thừa tiền lắm của. Đáng lo là những thanh niên loại này ngày càng nhiều…”.
Ảnh vui cư dân mạng chế việc cho vay xong vất vả với màn đòi nợ.
“Kính mong những nhà làm luật nghiên cứu đưa tội mượn nợ không trả vào tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân, truy tố trách nhiệm hình sự để đạt được sự công bằng trong xã hội. Người vay nợ bỏ trốn cơ quan công an phát lệnh truy nã. Có như vậy tình trạng bắt người, xiết tài sản dẫn đến có nguy cơ vướng vòng tù tội như vụ án này sẽ không còn xảy ra nữa. Mong thay!” - bạn đọc ANH BAY đề nghị.
Còn bạn, bạn có ý kiến bình luận gì về vụ việc này, bạn có đồng tình với những ý kiến trên hay có đề xuất gì, xin hãy bình luận vào bên dưới bài viết. PLO hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp từ các bạn.