Trả lời phỏng vấn tờ El Mundo, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel nói rằng Liên minh châu Âu (EU) không được “làm thất vọng” Ukraine khi Kiev phải đối mặt với thời khắc quyết định trong cuộc xung đột với Nga trong vài tuần tới.
Theo ông, Kiev đang kỳ vọng EU sẽ "tiếp tục gây áp lực lên Điện Kremlin" bằng các biện pháp trừng phạt và cung cấp viện trợ quân sự”.
“Hai hoặc ba tuần tiếp theo là thời khắc quyết định. Điều xảy ra vào năm 2023 – và phần lớn điều đó phụ thuộc vào những tuần tới – là điều sẽ xác định tương lai của chúng ta. Chúng ta phải sát cánh với Ukraine và cung cấp cho họ tất cả sự hỗ trợ mà họ cần. Chúng ta không thể làm họ thất vọng” - ông nói.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel. Ảnh: AFP |
Ông thừa nhận rằng việc thực hiện những gì Kiev muốn đôi khi gây khó khăn cho các quốc gia thành viên EU. Đồng ý về các biện pháp trừng phạt là một thách thức và các thành viên hiện đang bế tắc về ý tưởng gửi xe tăng chiến đấu chủ lực tới Ukraine.
Ông Michel nhấn mạnh rằng bất chấp điều này, EU vẫn đoàn kết và quan điểm của mỗi quốc gia cần được tôn trọng. Ông nói thêm, đặc biệt là Đức “đã và đang đóng một vai trò quan trọng”, đồng thời là nhà cung cấp vũ khí chính cho Ukraine.
Vị quan chức châu Âu này cũng nhấn mạnh nỗ lực hỗ trợ cho Ukraine là rất quan trọng đối với EU, đồng thời tuyên bố rằng "không thể có châu Âu tự do và an toàn nếu không có Ukraine tự do và an toàn”.
Tuy nhiên, bất chấp những yêu cầu của Kiev về việc nhanh chóng trở thành một thành viên đầy đủ của EU, ông Michel tuyên bố rằng không thể có chuyện cắt xén. Thay vào đó, ông đề nghị xem xét lại ý nghĩa của từ “nhanh chóng".
“Nếu điều đó có nghĩa là thay đổi các quy tắc và thủ tục, thì không được, bởi vì chúng tôi tin tưởng và bảo vệ pháp quyền. Nhưng nếu điều đó có nghĩa là cả hai bên đều tăng tốc công việc, tuân theo các quy tắc từng bước, thì tất nhiên là được, đơn ứng viên của Ukraine có thể được xem xét nhanh chóng” - ông nói.
Theo đài RT, Moscow đã tuyên bố rằng sẽ không chấp nhận bất kỳ kết quả nào của cuộc khủng hoảng ở Ukraine mà không giải quyết được các mối quan tâm an ninh cốt lõi của Nga, và việc trang bị vũ khí ngày càng tiên tiến cho Kiev sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột và làm tăng nguy cơ leo thang hạt nhân.
Một số quốc gia EU, chẳng hạn như Pháp, đã nói rằng bất kỳ cấu trúc an ninh nào trong tương lai ở châu Âu sẽ phải giải quyết các mối quan ngại của Nga để có thể tồn tại.