Chủ tịch nước: Mỗi bản án phải khiến mọi người ‘tâm phục, khẩu phục’

(PLO)- Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng yêu cầu ngành tòa án tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, mỗi bản án được tuyên phải thực sự làm cho mọi người “tâm phục, khẩu phục”, xã hội đồng tình.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 24-12, tại Đà Nẵng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương dự và chỉ đạo Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tòa án năm 2024.

Hội nghị do Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình chủ trì.

Xét x thành công nhiu v án tham nhũng ln

Lần thứ hai làm việc với ngành tòa án, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá năm 2023, ngành tòa án đã chủ động, sáng tạo, có nhiều chủ trương, giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng công tác.

Công tác xét xử có nhiều chuyển biến tích cực; tỉ lệ giải quyết các vụ án đạt cao; chất lượng xét xử ngày càng được nâng cao; tranh tụng tại phiên tòa được mở rộng, thực chất, hiệu quả hơn...; góp phần kiềm chế gia tăng tội phạm…

Tại hội nghị, TAND Tối cao đã cho ra mắt bộ sách Lịch sử Tòa án Nhân dân Việt Nam (1945-2023).

new-p6-anh-tieudiem-quy-3506.png
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trao tặng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bộ sách Lịch sử Tòa án Nhân dân Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Tỉ lệ án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan thấp hơn năm trước, đạt và vượt chỉ tiêu của Quốc hội giao.

Đặc biệt, theo Chủ tịch nước, tòa án các cấp đã tổ chức xét xử thành công nhiều vụ án tham nhũng lớn. Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, được xét xử đúng tiến độ, nghiêm minh theo pháp luật.

Các vụ án đã xét xử được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, tin tưởng, đánh giá cao; thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, khẳng định quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta….

Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng chỉ rõ bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của tòa án các cấp vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót như tỉ lệ bản án, quyết định hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; năng lực, trách nhiệm, phẩm chất của một số cán bộ còn yếu, cá biệt có cán bộ vi phạm pháp luật…

new-p6-anhchinh-bai-toaan-quy-5852.png
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới dự và chỉ đạo Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tòa án năm 2024. Ảnh: TTXVN

Không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm

Chủ tịch nước phân tích cùng với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng và quy mô nền kinh tế tăng nhanh, các tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, lao động và hành chính gia tăng đột biến, làm cho hoạt động xét xử của tòa án ngày càng tăng lên, khó và phức tạp hơn.

Trong khi đó, yêu cầu của xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa hiệu quả và chất lượng hoạt động tư pháp, trong đó hoạt động xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá.

Từ đó, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị cấp ủy và lãnh đạo tòa án các cấp chú trọng đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của tòa án.

Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm, bảo đảm thấu tình, đạt lý, nhân văn, thuyết phục.

“Uy tín của tòa án là uy tín của Đảng, Nhà nước và chế độ, là niềm tin của người dân đối với công lý, công bằng xã hội. Mỗi bản án được tuyên phải thực sự làm cho mọi người “tâm phục, khẩu phục”, khuất phục được tội phạm, thuyết phục được các bên, xã hội đồng tình; có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh, góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chỉ rõ nhiệm vụ quan trọng nhất của các tòa án là phải nâng cao chất lượng xét xử, Chủ tịch nước chỉ đạo cần chú trọng hoạt động tranh tụng tại phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp; hạn chế thấp nhất các bản án bị hủy, bị sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán.

Ông cũng yêu cầu khi phát hiện sai sót phải thành tâm nhận khuyết điểm, khẩn trương, kiên quyết khắc phục, sửa chữa để bảo vệ quyền và lợi ích tổ chức, cá nhân; đó cũng là cách để nâng cao uy tín của tòa án.

“Mỗi sai sót trong thực thi công vụ của cán bộ tư pháp đều ảnh hưởng đến sinh mạng chính trị, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thậm chí là tính mạng của người dân” - Chủ tịch nước nói và nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu là việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ thẩm phán thực sự “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, có đạo đức trong sáng, thanh liêm, chính trực, khát khao công lý, giàu lòng nhân ái, có phương pháp công tác khoa học, sâu sát, thận trọng, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông pháp luật.•

Tập trung xây dựng tòa án điện tử

Chủ tịch nước chỉ đạo ngành tòa án tập trung hoàn thành xây dựng tòa án điện tử vào năm 2025, nâng cao năng lực quản trị tòa án trên nền tảng số, cung cấp cho người dân nhiều dịch vụ tư pháp tiện ích, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của tòa án, xây dựng hình ảnh tòa án thân thiện, thực sự là chỗ dựa của nhân dân trong bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân.

Bên cạnh đó, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của tòa án, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể trong mỗi cơ quan tòa án; đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên ngành tòa án trong xã hội, nhất là người đứng đầu tòa án các cấp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm