Chủ tịch Phan Văn Mãi: Phát triển của TP.HCM không chỉ đo bằng tiền

(PLO)- Chủ tịch UBND TP.HCM nói trong tháng 3 cần tập trung giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp, tháo gỡ những vướng mắc trong lĩnh vực bất động sản để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 3-3, UBND TP.HCM tổ chức họp báo về tình hình kinh tế- xã hội tháng 2; nhiệm vụ, giải pháp tháng 3-2023.

Tháo gỡ các dự án bất động sản, khó khăn của doanh nghiệp

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá, kết quả kinh tế tháng 2 khá tốt, cần cố gắng tiếp tục phát huy trong tháng 3 để kết thúc quý I-2023 như kế hoạch.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì cuộc họp. Ảnh: TTBC

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì cuộc họp. Ảnh: TTBC

Trong tháng 2, chính quyền TP đã nỗ lực lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp từ trong nước đến nước ngoài, cả nhà nước và tư nhân, trong một số ngành như bất động sản, ráp nối doanh nghiệp với ngân hàng.

"Qua các buổi làm việc, chúng ta đã nhìn thấy vấn đề mà doanh nghiệp nêu. Trong tháng 3 cần tập trung giải quyết để không chỉ mang lại niềm tin cho người dân mà sẽ tháo gỡ thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh"- ông Mãi nói và yêu cầu sở, ngành, quận, huyện tiếp tục tiếp nối các hoạt động để kết quả trọn vẹn hơn.

Từ kết quả tháng 2, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho rằng vẫn còn một số vấn đề cần giải quyết, sản xuất công nghiệp giảm còn 2,5%. Đáng lưu ý, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao gấp ba lần số doanh nghiệp thành lập mới.

Chủ tịch Phan Văn Mãi nói đà sụt giảm từ quý IV-2022 vẫn còn tiếp tục ảnh hưởng cho đến hết quý I, thậm chí hết quý II-2023. Dù vậy, có những tín hiệu tích cực từ kinh tế thế giới. Chính phủ trong nước cũng rất tập trung tháo gỡ khó khăn.

“Nếu chúng ta tận dụng tốt đà phục hồi này thì TP sẽ sớm thoát khỏi đà suy giảm và tăng tốc sớm hơn”- ông Mãi nhìn nhận.

Ngay từ bây giờ, Chủ tịch Phan Văn Mãi yêu cầu tập trung giải quyết cơ bản khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp đặt ra từ các cuộc gặp gỡ ngay trong tháng 3.

Người đứng đầu chính quyền TP cũng đề nghị với những vướng mắc liên quan đến lĩnh vực bất động sản, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cùng tổ tháo gỡ bất động sản tập trung cao độ giải quyết khó khăn vì lĩnh vực này có tác động lan tỏa rất lớn đến mọi mặt.

“Chúng ta cần tập trung hơn nữa để đánh giá, có hành động quyết liệt, kịp thời, làm ngày làm đêm, tạo sự thống nhất để giải quyết công việc trên thực tế”- ông Mãi nói.

Cùng đó, có giải pháp cụ thể phát triển 4 ngành công nghiệp trọng điểm và 9 ngành dịch vụ quan trọng. Khối đô thị cần có sự tập trung để có sự rà soát, cái nào vướng liên quan đến đất đai, xây dựng… phải có giải pháp cụ thể tập trung vào những ngành có đóng góp lớn cho GDP của TP.

Chủ tịch Phan Văn Mãi đồng thời nhấn mạnh đến việc đầu tư cho phát triển xã hội. Ông nói, TP này dù có khó khăn đến mấy cũng phải dành sự đầu tư đầy đủ cho giáo dục- y tế và văn hóa xã hội.

“Sự phát triển của TP.HCM không chỉ đo bằng GDP, bằng tiền, bằng nhà cao tầng mà phải đo bằng phúc lợi tiến bộ xã hội. Chúng ta phải kiên trì mục tiêu này, bằng quyết tâm chính trị

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi

Ông yêu cầu rà soát lại đề án xã hội hóa giáo dục, có chính sách tạo điều kiện về đất đai, hỗ trợ lãi suất để tư nhân cùng tham gia. Các sở, ngành, quận, huyện ưu tiên bố trí đất quy hoạch cho giáo dục.

“Không thể nói chúng ta không có đất cho việc này”- ông Mãi nhấn mạnh.

Đồng thời, phải nâng cao cải thiện chất lượng, hiệu quả hoạt động công vụ. Các sở, ngành cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp, triển khai chặt chẽ, đúng thời gian, rõ ý kiến, rõ quan điểm.

Cần công khai các dự án chậm trễ

Tại đây, TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nêu nhận định TP.HCM cần giữ mục tiêu then chốt trong năm 2023 là hạn chế đà suy giảm, giữ vững tăng trưởng.

Theo ông, trong bối cảnh hiện nay, kinh tế thế giới đã sáng sủa hơn so với dự báo cuối năm ngoái, các nền kinh tế lớn không rơi vào cảnh suy thoái nhưng vẫn còn tình trạng trì trệ, suy giảm.

Vấn đề lớn với kinh tế Việt Nam hiện nay, theo TS Lịch là sự phục hồi của thị trường bất động sản, thị trường tài chính và các vấn đề về lãi suất ngân hàng cao. Đây là những thách thức với mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả nước 6,5% năm 2023.

“Các doanh nghiệp đang chờ động thái của Chính phủ nhưng vẫn chưa có gì rõ ràng. Trong điều kiện lạm phát dưới 4% và lãi suất cao như hiện tại sẽ làm thui chột mọi nỗ lực trong đầu tư phát triển TP.HCM. Tất cả đang chờ động thái từ Chính phủ”-TS Trần Du Lịch nêu rõ.

TS Lịch cho rằng, TP.HCM cần chủ động tìm kiếm các dư địa để nỗ lực phát triển. TP cần giữ tốc độ tăng trưởng không suy giảm quá nhiều so với mức 8-8,5% bằng nhiều giải pháp; nếu không sẽ rất khó khăn trong năm sau.

Tuy nhiên, TS Trần Du Lịch nhận định, những khởi sắc cho TP.HCM được dự báo sẽ chưa đến trong nửa đầu năm 2023. Vì thế, TP cần tập trung để kết quả của 6 tháng cuối năm sẽ bù đắp thất thoát cho giai đoạn hiện tại.

Để làm được điều đó, TS Lịch nói UBND TP cần giao Viện Nghiên cứu phát triển TP, Cục Thống kê, Sở Công Thương, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan tập trung đánh giá rõ các ngành công nghiệp, dịch vụ có đóng góp nhiều nhất cho TP và đề ra các biện pháp để thúc đẩy. Trong đó, cần tập trug vào các ngành thương mại, tài chính, bất động sản, du lịch, logistics, xây dựng.

Đề cập đến các cuộc gặp tháo gỡ cho doanh nghiệp vừa qua, TS Lịch nói doanh nghiệp cần chứng minh và được tạo niềm tin qua các hành động cụ thể thời gian tới.

“Trong điều hành, UBND TP.HCM cần giao các sở công bố tất cả dự án đang chậm trễ thủ tục, nguyên nhân chậm trễ. Điều này nhằm tạo sự công khai, minh bạch, tạo niềm tin của người dân, doanh nghiệp trong tình hình hiện tại, thể hiện kỷ luật công vụ”- TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.

TS Trần Du Lịch nêu ý kiến tại cuộc họp. Ảnh: TTBC

TS Trần Du Lịch nêu ý kiến tại cuộc họp. Ảnh: TTBC

Về các vấn đề xã hội, TS Trần Du Lịch đề nghị TP giao Sở LĐ-TB&XH đánh giá lại tình trạng công nhân bị mất việc, giảm việc làm nhằm có phương án hỗ trợ hiệu quả.

Ngay trong nửa đầu năm, nếu TP khởi công được các dự án lớn mà người dân quan tâm như Rạch Xuyên Tâm, kênh Tân Hóa – Lò Gốm, kênh Tham Lương sẽ tạo được khí thế chung cho cả địa bàn để vươn lên.

“Trong tình hình hiện nay, những việc làm cụ thể của TP là rất quan trọng. Cùng đó, TP cũng rất cần các động thái từ Chính phủ cho TP để giữ vững được niềm tin của thị trường, doanh nghiệp, khơi thông các điểm nghẽn để phát triển”- TS Trần Du Lịch nói và bày tỏ sự tin tưởng TP sẽ vượt qua những khó khăn trong năm nay.

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 13,1%

Trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm tình hình kinh tế - xã hội TP đạt nhiều kết quả tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 12,7%; doanh thu du lịch tăng 115,8% so với cùng kỳ, khách du lịch quốc tế đến TP đạt hơn 319 ngàn lượt.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 6,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 6,6%).

TP thu hút được khoản 369,1 triệu USD tăng 59% so với cùng kỳ. Thu ngân sách tăng 5,95%; kim ngạch xuất khẩu tăng 3% so với cùng kỳ.

Bên cạnh kết quả đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế. Dù tăng về số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 13,1% nhưng giảm mạnh về số đăng ký so với cùng kỳ (giảm 42,7%); số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng 20,1% so với cùng kỳ; số lao động được giải quyết việc làm giảm 1,32%; số chỗ việc làm mới giảm 0,9%.

Thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Nợ xấu nhiều ngân hàng tăng mạnh trong năm 2022 khiến áp lực đáo hạn trái phiếu tăng mạnh trở lại trong quý 2 và quý 3 năm 2023.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm