Ngày 25-3 tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết tình hình tổ chức, hoạt động của HĐND các tỉnh, TP năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.
Trong các tham luận gửi đến hội nghị, nhiều địa phương như Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng… đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị.
Được đồng thuận của mọi tầng lớp
Tham luận gửi tới hội nghị, Thường trực HĐND TP Đà Nẵng cho hay từ ngày 1-7-2021, Đà Nẵng thực hiện thí điểm tổ chức chính quyền đô thị theo Nghị quyết 119/2020 của QH.
Cụ thể, TP được tổ chức thành một cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND; sáu quận và 45 phường thuộc các quận của TP chỉ có UBND, không tổ chức HĐND quận, phường. “Việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, phường đã tạo được sự đồng thuận của cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân TP” - tham luận nêu.
Kết quả khảo sát năm 2023 khi Đà Nẵng sơ kết ba năm triển khai Nghị quyết 119 cho thấy hơn 80% người dân TP đồng thuận với chủ trương thực hiện thí điểm tổ chức chính quyền đô thị.
Thường trực HĐND TP Đà Nẵng cũng đánh giá vai trò của hệ thống chính quyền TP đã phát huy hiệu quả rõ nét, tạo động lực cho những năm tiếp theo, đặc biệt là tinh giản biên chế và bộ máy trung gian, giảm một phần chi phí hành chính. Tính chủ động của bộ máy chính quyền được nâng cao, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính được chú trọng…
Thời gian tới, Đà Nẵng kiến nghị các bộ, ngành tham mưu Chính phủ, QH sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 119 theo hướng để TP chính thức thực hiện mô hình chính quyền đô thị, không còn làm thí điểm.
Đồng thời xem xét tăng số lượng ủy viên chuyên trách cho các ban của HĐND TP; có cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện hiệu quả mô hình chính quyền đô thị và định hướng phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, y tế chất lượng cao của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Còn trong tham luận gửi hội nghị, Thường trực HĐND TP Hải Phòng kiến nghị QH cho phép TP này được tổ chức thực hiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị từ nhiệm kỳ 2026-2031.
Kiến nghị HĐND TP Hà Nội được tăng thêm quyền hạn
Một địa phương khác cũng đang thí điểm triển khai mô hình chính quyền đô thị là Hà Nội. Thường trực HĐND TP Hà Nội cho rằng HĐND đóng vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát quyền lực nhà nước đối với bộ máy chính quyền các cấp. Tuy nhiên, để HĐND thực hiện tốt hơn nữa việc này thì cần có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ quyền hạn và những điều kiện để đảm bảo HĐND hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
TP Hà Nội kiến nghị khi ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi), QH, UBTVQH xem xét việc tăng cường các nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và đặc biệt là Thường trực HĐND TP Hà Nội.
Đáng lưu ý, Hà Nội đề nghị QH giao HĐND TP quyết định về số lượng, nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND TP hoạt động chuyên trách, chức năng, nhiệm vụ của bộ phận chuyên trách các ban của HĐND TP…
Trong tham luận của Thường trực HĐND TP.HCM gửi tới hội nghị cho hay TP xác định việc triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023 của QH là nhiệm vụ trọng yếu của toàn hệ thống chính trị TP.
Thường trực HĐND TP đã chủ động tham mưu chuẩn bị trước các kế hoạch để triển khai thực hiện Nghị quyết 98 ngay khi QH vừa thông qua, sớm đưa nghị quyết đi vào cuộc sống. Năm 2023, HĐND TP đã tổ chức năm kỳ họp, thảo luận và thông qua 249 nghị quyết, trong đó có 25 nghị quyết triển khai Nghị quyết 98.
Theo Thường trực HĐND TP.HCM, nhiều nghị quyết đã đem lại hiệu quả thiết thực ngay sau khi triển khai. Chẳng hạn, các nghị quyết về thu hút chuyên gia, nhà khoa học, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, người có trình độ cao vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống chính trị TP.HCM…
Một lãnh đạo cấp tỉnh, chín lãnh đạo cấp huyện có trên 50% phiếu tín nhiệm thấp
Về kết quả lấy phiếu tín nhiệm năm 2023, UBTVQH cho hay ở cấp tỉnh có tổng số 1.700 người. Kết quả số người có trên 50% tổng số phiếu đánh giá tín nhiệm cao là 1.546/1.700 người. “Chỉ có một trường hợp có trên 50% đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá tín nhiệm thấp, trường hợp này đã bị khởi tố, bắt tạm giam” - Thường vụ QH nêu.
Ở cấp huyện có tổng số 12.028 người được lấy phiếu tín nhiệm. Kết quả, số người có trên 50% tổng số phiếu đánh giá tín nhiệm cao là 10.968/12.028 người. Đáng chú ý có tám trường hợp có trên 50% đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá tín nhiệm thấp, một trường hợp có trên 2/3 tổng số phiếu đánh giá tín nhiệm thấp.
Kết quả xử lý, tại Bình Phước, một người đã xin từ chức và được chấp thuận. Tại Hậu Giang, HĐND cấp huyện đã họp bỏ phiếu miễn nhiệm chức vụ một người. Tại Nghệ An, HĐND cấp huyện thuộc tỉnh Nghệ An đã tổ chức kỳ họp bỏ phiếu tín nhiệm và miễn nhiệm với hai người.
Tại Hải Phòng, Ban Thường vụ Thành ủy đã có quyết định bố trí, luân chuyển công tác khác. Còn tại Hòa Bình, HĐND đã tổ chức họp bỏ phiếu tín nhiệm nhưng kết quả bỏ phiếu không đạt quá nửa tổng số phiếu đánh giá tín nhiệm thấp nên vẫn được giữ nguyên chức vụ.
Hiện còn Kiên Giang và Quảng Nam đang làm các thủ tục, quy trình để sớm trình HĐND xem xét, quyết định theo quy định.