Chủ tịch Phan Văn Mãi: TP.HCM sẽ kiến nghị Quốc hội sửa đổi nghị quyết về chính quyền đô thị

(PLO)- Thời gian tới, TP.HCM sẽ phối hợp với các cơ quan Trung ương hoàn thiện hồ sơ, đề xuất sửa đổi Nghị quyết 131 và các nghị định, văn bản liên quan để trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5-2024.

Sáng 13-10, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết ba năm thực hiện Nghị quyết 131/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận: Để trả lời cho câu hỏi chính quyền đô thị tại TP theo Nghị quyết 131 triển khai trong ba năm qua đã hiệu quả chưa, có phù hợp với một siêu đô thị hay không là vấn đề cần phân tích, đánh giá, trả lời thấu đáo. Từ đó có thống nhất về mặt nhận thức, quyết tâm và hành động trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HÀ THƯ

Để trả lời rõ ràng cho câu hỏi nêu trên, Chủ tịch Phan Văn Mãi điểm qua một số kết quả chính sau ba năm thực hiện Nghị quyết 131.

Tuy nhiên, ông nhìn nhận qua ba năm thực hiện, chính quyền đô thị đã bộc lộ nhiều bất cập. Vừa qua, UBND TP đã kịp thời phát hiện, cập nhật và có điều chỉnh một phần theo thẩm quyền của mình, tổng hợp báo cáo Chính phủ để có sự điều chỉnh ở tầm cao hơn.

“Phải khẩn trương điều chỉnh để hoàn thiện thì mô hình chính quyền đô thị tại TP mới đạt hiệu quả cao nhất” – ông nói và đề cập đến việc số biên chế ít so với khối lượng công vụ; sự phân cấp, phần quyền để đạt được mục tiêu chính quyền đô thị gọn, mạnh, nhanh, hiệu lực, hiệu quả vẫn chưa thực hiện được triệt để.

Cạnh đó là thiếu sự chủ động trong điều hành công tác ngân sách, đầu tư và một số quyết định hành chính khác.

Ông dẫn chứng quận, phường không được chủ động trong vấn đề thu ngân sách, kết dư ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ kiến thiết đô thị trên địa bàn. Do đó, ngoài bị động về công việc còn mất đi động lực về quản lý nhà nước trên địa bàn.

Ngoài ra, việc thực hiện quyền làm chủ của người dân cũng cần được nghiên cứu khi không còn tổ chức HĐND ở quận, phường. “Cơ chế làm sao để chính quyền trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với nhân dân để được lắng nghe nhân dân, để được nhân dân giám sát là vấn đề được đặt ra và cần hoàn thiện hơn” – ông Mãi nói rõ.

Ông cũng khẳng định UBND TP đã cập nhật đầy đủ các vấn đề bất cập, có định hướng điều chỉnh theo thẩm quyền và báo cáo Chính phủ để đề nghị sửa đổi Nghị định 33/2021 hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 131.

Tuy nhiên, những bất cập này được cho là từ Nghị quyết 131 nên phải tập trung đề nghị Quốc hội sửa nghị quyết, trên cơ sở đó mới sửa Nghị định 33 và các văn bản liên quan khác.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trao bằng khen cho cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc. Ảnh: HÀ THƯ

Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh: “Có thể nói, tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM là phù hợp nhưng cần tiếp tục được hoàn thiện. Trong ba năm thực hiện thì tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự ổn định và phát triển. Người dân và doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ với mô hình này”.

Thời gian tới, ông Phan Văn Mãi đề nghị các cấp trong hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống chính quyền tập trung thực hiện Nghị quyết 131 trên cơ sở phát huy các kết quả đạt được cũng như chủ động đề xuất, khắc phục bất cập đã nhận diện.

Trong đó, cần tập trung xây dựng chính quyền các cấp, các cơ quan nhà nước trong sạch, vững mạnh chuyên nghiệp, hiệu quả. Từ đó, để làm sao bộ máy chính quyền, hệ thống hành chính, nền công vụ của TP phải theo kịp, phục vụ và kiến tạo cho sự phát triển của TP.

Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng đề nghị sắp xếp, điều chỉnh để khắc phục những bất cập thuộc thẩm quyền của TP. Chẳng hạn như việc phân cấp, phân quyền từ TP.HCM xuống các cơ quan, quận, phường và các công chức; hay điều chỉnh về đầu tư, ngân sách, quyết định hành chính… để công việc được thông suốt.

Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các cơ quan Trung ương hoàn thiện hồ sơ, đề xuất sửa đổi Nghị quyết 131 và các nghị định, văn bản có liên quan.

“Chắc chắn tại kỳ họp QH này không kịp trình nhưng đề xuất đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của năm sau và cố gắng trình vào kỳ họp tháng 5-2024” - ông nói.

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cũng nhấn mạnh TP sẽ tiếp tục nghiên cứu mô hình tổ chức chính quyền đô thị để khi tổng kết năm năm thực hiện sẽ có hướng triển khai cụ thể hơn.

“Hiện chúng ta đang đề nghị sửa Nghị quyết 131, vậy sau năm năm, chúng ta có tiếp tục sửa tiếp hay cần một khung pháp lý, một chiếc áo rộng hơn, phù hợp hơn cho vai trò lớn hơn của TP, cho một siêu đô thị mà dân số có thể không dừng lại ở 10-13 triệu mà có thể 15-20 triệu” – ông nói và cho biết TP cần nghiên cứu kĩ lưỡng, phù hợp vai trò và xu hướng phát triển.

Thực hiện chính quyền đô thị khiến phường khó khăn

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hoà A (quận Bình Tân) Nguyễn Văn Ngân, cho biết phường đã gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện chính quyền đô thị.

Theo ông, phường Bình Hưng Hòa A có dân số đông gấp tám lần so với tiêu chuẩn. Tuy nhiên, hiện phường được giao 36 biên chế, gồm 22 cán bộ, công chức và 14 cán bộ không chuyên trách. Trung bình mỗi công chức và người hoạt động không chuyên trách phường (khối chính quyền) phải phục vụ 5.000 - 6.000 người dân (22 cán bộ/125.000 dân).

Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hoà A (quận Bình Tân) Nguyễn Văn Ngân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HÀ THƯ

Phường hiện có hai Phó Chủ tịch phường, phụ trách lĩnh vực Văn hóa - Xã hội và Địa chính - Xây dựng - Đô thị và Môi trường. Riêng lĩnh vực Kinh tế cũng giao cho Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực Địa chính-Xây dựng-Đô thị và Môi trường quản lý nên rất áp lực trong công việc.

Điều này đã ít nhiều làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện nhiệm vụ được quận giao, các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đề ra và nhất là những việc phát sinh thực tế liên quan đến đời sống của người dân trên địa bàn phường.

Khi thực hiện chính quyền đô thị, phường gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí (do phường không còn nguồn kinh phí kết dư như trước đây). Do đó, khi thực hiện các nhiệm vụ chính trị cấp bách, phát sinh trên địa bàn phường thì phải đề xuất quận và TP xem xét nên mất nhiều thời gian, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Chủ tịch phường Bình Hưng Hoà A kiến nghị TP sớm giao biên chế công chức và số lượng người hoạt động không chuyên trách cho phường.

Đồng thời xem xét ngoài kinh phí hoạt động theo quy định hàng năm, đầu năm bổ sung thêm kinh phí dự phòng để phường chủ động trong việc trang bị cơ sở vật chất và sửa chữa hạ tầng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền đô thị…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới