Chủ tịch Quốc hội: Luật phải đảm bảo thầy thuốc không lo đến chuyện quản lý

(PLO)-  Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị làm rõ quy định về giá dịch vụ y tế và ông nhận định năng lực y khoa của bác sỹ Việt Nam không thua kém ai.

Sáng 21-4, tiếp tục phiên họp thứ 10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Xã hội hoá mạnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Góp ý cho dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu thực tế hàng năm, người dân chi trả rất nhiều tiền để đi khám chữa bệnh ở nước ngoài. Trong khi nhiều bệnh nhân tới Singapore, Nhật Bản sử dụng dịch vụ y tế đã nhận xét năng lực y khoa của y bác sĩ Việt Nam cũng không thua kém ai, thậm chí còn hơn. Nhưng người dân vẫn ra nước ngoài vì điều kiện, trang thiết bị tốt hơn trong nước rất nhiều.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ 3 mức độ, đặc biệt là khám chữa bệnh chuyên sâu, chất lượng cao, từ đó phát triển các trung tâm khám chữa bệnh cao cấp và hướng đến dịch vụ kết hợp với khám chữa bệnh ở Việt Nam.

Ông Huệ cũng đề nghị xem xét việc hệ thống y tế của nước ta thời gian qua luôn trong tình trạng quá tải, song y tế ngoài công lập hoạt động còn nhiều bất cập.

“Cần thể chế hóa, cụ thể hơn về chủ trương xã hội hóa trong hoạt động khám chữa bệnh, gắn với nâng cao chất lượng hoạt động khám chữa bệnh”- ông Huệ nói và cho rằng cần rà soát lại những quy định này vì dự thảo chưa rõ.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, giai đoạn vừa qua, ở nhiều quốc gia cũng như ở Việt Nam, hoạt động của đơn vị y tế công lập bộc lộ nhiều “sai lầm”.

Một là lạm dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật cao, đẩy giá dịch vụ khám chữa bệnh quá cao so với khả năng chi trả của đa số người dân. Đây cũng là tình trạng người bệnh đua nhau lên tuyến trên, tuyến cơ sở rất ít người coi trọng.

Hai là tình trạng thiếu kiểm soát tự chủ tài chính trong lĩnh vực y tế, gây rất nhiều sai phạm, tiêu cực trong lĩnh vực khám chữa bệnh và cơ sở khám chữa bệnh, từ mua sắm vật tư, đến thuốc men, khám chữa bệnh...

Ông Huệ đề nghị ban soạn thảo xem xét lại các điều khoản về cơ chế tài chính trong dự thảo luật, làm sao để đảm bảo công khai, minh bạch, cái gì được làm và làm thế nào, để “các thầy thuốc được tập trung vào chuyên môn, không lo lắng đến chuyện quản lý”.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý Luật này không chỉ bảo vệ tốt người sử dụng dịch vụ y tế; bảo vệ người thầy thuốc trước nguy cơ vi phạm y đức, thương mại hóa trong chăm sóc y tế, còn phải bảo vệ đội ngũ y tế....

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị làm rõ thêm khái niệm giá dịch vụ sao cho chính xác. Khung giá dịch vụ cho y tế công lập và y tế ngoài công lập đã phù hợp chưa, vai trò của Chính phủ, Bộ Y tế, HĐND cấp tỉnh quyết định về giá dịch vụ...

Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề cơ sở y tế công lập được nhà nước đầu tư ban đầu về cơ sở vật chất, nhân lực, còn y tế tư nhân tự lo mọi thứ. Nếu áp khung giá dịch vụ cho cả 2 loại hình này có phù hợp không?

“Lúc làm giá dịch vụ này, liên ngành cũng lúng túng”- ông Huệ nói.

Giải trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết vấn đề Chủ tịch Quốc hội nêu ra là rất đúng với thực trạng và vướng mắc của cơ sở khám chữa bệnh hiện nay. Theo Bộ trưởng Y tế, Luật Bảo hiểm Y tế (sửa đổi) đang được Chính phủ xây dựng sẽ đổi mới phương thức tính giá khám chữa bệnh, thanh toán Bảo hiểm Y tế theo ca bệnh, dạng bệnh.

“Hầu hết các nước trên thế giới áp dụng phương pháp này. Chính phủ đang đẩy rất nhanh Luật Bảo hiểm Y tế (sửa đổi) để đảm bảo đồng bộ với Luật Khám chữa bệnh”- ông Long nói.

Đối với cơ sở y tế tư nhân, ông Long cho biết hiện không quy định khung giá đối với cơ sở y tế tư nhân nhưng cơ sở y tế tư nhân vẫn chưa phát triển.

“Đảm bảo tính công bằng, chúng tôi xin được tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và sẽ làm rõ hơn vào dự thảo để báo cáo Quốc hội tới đây”- vẫn lời ông Long.

Giấy phép hành nghề bác sỹ có thời hạn 5 năm

Một trong những nội dung đáng chú ý, Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) bổ sung một số quy định nhằm nâng cao kỹ năng hành nghề. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết dự thảo quy định phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề đối với các chức danh: Bác sỹ; Y sỹ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; Điều dưỡng; Hộ sinh; Kỹ thuật y; Dinh dưỡng; Cấp cứu viên ngoại viện.

Các đối tượng là Lương y, người có bài thuốc gia truyền, người có phương pháp chữa bệnh gia truyền tiếp tục áp dụng hình thức xét cấp dựa vào hồ sơ.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: quochoi.vn

Dự thảo quy định giấy phép hành nghề có thời hạn 5 năm với điều kiện gia hạn là phải cập nhật kiến thức y khoa liên tục trong quá trình hành nghề, cùng với việc phải có đủ sức khỏe và không bị cấm hành nghề. Theo đó, nếu đạt đủ số điểm theo quy định sẽ được tự động gia hạn giấy phép hành nghề; Không đạt đủ số điểm theo quy định sẽ phải cập nhật bổ sung hoặc phải kiểm tra đánh giá kiến thức để được gia hạn giấy phép hành nghề.

“Bắt buộc phải đăng ký hành nghề trên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh”- ông Long cho biết thêm.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định không cấp mới giấy phép hành nghề cho đối tượng là y sỹ từ ngày 1-1-2025 nhưng vẫn cho phép Y sỹ đã được cấp chứng chỉ hành nghề theo Luật năm 2009 tiếp tục hành nghề trọn đời. Lực lượng vũ trang tiếp tục được tuyển dụng, sử dụng y sỹ để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sỹ của lực lượng vũ trang và của người dân tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Thường trực Uỷ ban Xã hội nhất trí việc quy định kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám chữa bệnh. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng Chính phủ cần xác định thời điểm tiến hành chính thức tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám chữa bệnh cho phù hợp và khả thi. Đồng thời làm rõ cách thức tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám chữa bệnh...

Thường trực Ủy ban Xã hội cũng “cơ bản nhất trí” quy định giấy phép hành nghề có thời hạn 5 năm. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc quy định thời hạn của giấy phép hành nghề là không cần thiết, chỉ cần sửa đổi các quy định hiện hành về đào tạo liên tục để đảm bảo yêu cầu và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Riêng đối với chức danh lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền, Thường trực Ủy ban đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc việc quy định thời hạn giấy phép hành nghề đối với các chức danh này. Nếu giữ quan điểm cần quy định thời hạn, đề nghị thuyết minh rõ việc thay đổi nội dung tại chính sách này, tiến hành tổng kết thi hành và đánh giá tác động theo quy định, đồng thời làm rõ căn cứ để xác định thời hạn của giấy phép hành nghề.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới