Xin hỏi, chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đã căn cứ vào quy định nào của pháp luật để ký quyết định bổ nhiệm đó?
Ông Tám từng giữ chức phó bí thư Thành ủy, chủ tịch UBND TP Trà Vinh giai đoạn 2011-2016.
Ông Phạm Văn Tám. Ảnh: CTV
Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Thường vụ Thành ủy Trà Vinh đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để xảy ra nhiều vi phạm rất nghiêm trọng trong thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở.
Cùng với đó, ban còn có những vi phạm rất nghiêm trọng về các quyết định miễn, giảm tiền sử dụng đất, gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước. Ông Tám và một số cá nhân khác phải cùng chịu trách nhiệm về các vi phạm nêu trên của ban và chịu trách nhiệm cá nhân về các vi phạm liên quan đến việc hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở. Cụ thể hơn, vi phạm của ông Tám bị đánh giá là nghiêm trọng.
Trên cơ sở đó, ở kỳ họp 29 (từ ngày 10 đến 12-9), Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định kỷ luật cảnh cáo ông Tám. Sau đó, UBND tỉnh Trà Vinh đã kỷ luật ông Tám bằng hình thức cảnh cáo về các sai phạm nêu trên.
Theo thông tin từ báo chí, hai vị có thẩm quyền của tỉnh Trà Vinh là chủ tịch tỉnh Đồng Văn Lâm và giám đốc Sở Nội vụ Lê Thanh Bình đều cho rằng việc bổ nhiệm ông Tám làm người đứng đầu Sở Công Thương là bình thường, không sai. Lý do được nêu là ông Tám được điều động làm chức thấp hơn chứ không phải là được bổ nhiệm.
Phải khẳng định ngay là cả hai ông đều đang bị nhầm, không rạch ròi. Với phân định của Luật Cán bộ, công chức (CBCC) thì bổ nhiệm là việc CBCC được quyết định giữ một chức vụ lãnh đạo, quản lý. Trong khi đó, điều động là việc CBCC được quyết định chuyển từ cơ quan, đơn vị này đến làm việc ở cơ quan, đơn vị khác.
Đối với cán bộ đang chịu án kỷ luật như ông Tám, nếu đơn thuần điều động từ Ban quản lý khu kinh tế tỉnh sang Sở Công Thương để làm một công việc không gắn với chức vụ lãnh đạo, quản lý thì không bị vướng quy định gì. Tuy nhiên, nếu đi kèm với điều động là bổ nhiệm giữ một chức vụ lãnh đạo, quản lý thì bắt buộc phải tuân theo các quy định về việc bổ nhiệm.
Chi tiết hơn, khoản 2 Điều 4 Quyết định 04/2008 của Bộ Công Thương có yêu cầu: “Cán bộ bị kỷ luật từ khiển trách trở lên, trong thời gian ít nhất một năm kể từ khi có quyết định kỷ luật thì không được bổ nhiệm vào chức vụ giám đốc Sở Công Thương”. Hạn chế này hoàn toàn thống nhất với quy định của khoản 2 Điều 82 Luật CBCC. Đó là “CBCC bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức thì không thực hiện việc bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực”.
Thêm một lưu ý nữa không chỉ dành cho Trà Vinh mà còn cho một số địa phương khác khi muốn bổ nhiệm cán bộ đang bị kỷ luật. Theo quy định cũ và hiện hành (Quy định 105/2017) của Ban Chấp hành Trung ương, cán bộ bị kỷ luật từ khiển trách trở lên không được bổ nhiệm vào các chức vụ cao hơn trong thời gian ít nhất một năm kể từ khi có quyết định kỷ luật.
Mặc dù các quy định của Đảng chỉ nhấn mạnh vậy nhưng không có nghĩa là chính quyền muốn bổ nhiệm kiểu nào cũng được. Bởi lẽ ngoài quy định của Đảng thì còn có các quy định đã nêu của Luật CBCC và của các bộ về các tiêu chuẩn làm giám đốc các sở mà ai ai cũng đều phải tuân thủ.
Cách khác, dù có bổ nhiệm vào vị trí thấp hơn cũng không được vi phạm các quy định về việc bổ nhiệm.
Tóm lại, nếu quyết định kỷ luật cảnh cáo ông Tám còn “mới cáu”, chưa hết một năm thì chủ tịch UBND tỉnh không được phép ký quyết định bổ nhiệm ông Tám làm giám đốc sở. Các phủ nhận vòng vo về việc bổ nhiệm hay biện minh “giáng chức chứ không phải thăng chức”, “tỉnh chưa có giám đốc Sở Công Thương” để bổ nhiệm bằng được ông Tám trong thời điểm này đều không chấp nhận được do phạm luật và không hợp lòng dân.