Cuối năm 2016, ông có đến Sở LĐ-TB&XH nộp hồ sơ xin cấp giấy phép lao động cho tám người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam. Ông nộp đầy đủ các giấy tờ theo quy định. Một tuần sau, Sở LĐ-TB&XH trả lại hồ sơ và yêu cầu phải có xác nhận trên bằng đại học của tám người này. Ông đã thực hiện theo yêu cầu của Sở và nộp lại hồ sơ lần hai. Tuy nhiên, từ khi nộp lại hồ sơ cho đến nay đã hơn ba tháng ông vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ phía Sở.
Bà Lê Thanh Trúc, Phó Trưởng phòng Việc làm, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, trả lời: Ngày 21-11-2016, Công ty N. có đến nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động cho tám trường hợp người nước ngoài là công dân Triều Tiên với vị trí chuyên gia - nhân viên công nghệ thông tin. Công ty có nộp đủ thành phần hồ sơ theo quy định và thời gian trả kết quả giải quyết trong vòng bảy ngày làm việc. Tuy nhiên, trong quá trình xem xét các giấy tờ, bằng cấp thì theo quy định vị trí chuyên gia phải có bằng đại học và ít nhất ba năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành đào tạo. Qua thẩm định, bằng đại học của tám người nước ngoài không thể hiện rõ hệ đào tạo, vì vậy chưa đảm bảo điều kiện để cấp giấy phép lao động.
Ngày 1-12-2016, Công ty N. có cung cấp lại xác nhận của Đại sứ quán Triều Tiên tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo Nghị định 11/2016 thì các giấy chứng minh đảm bảo điều kiện về trình độ chuyên môn của nước ngoài phải hợp pháp hóa lãnh sự; dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam. Vì vậy, Sở LĐ-TB&XH yêu cầu phải có công văn xác nhận của Đại sứ quán Triều Tiên tại Việt Nam. Hiện nay, qua trao đổi với Sở Ngoại vụ thì sở này đã có văn bản gửi Bộ Ngoại giao để có ý kiến đối với các nội dung liên quan đến việc hợp pháp hóa lãnh sự. Khi Sở Ngoại vụ có phản hồi thông tin đến Sở LĐ-TB&XH thì chúng tôi sẽ phản hồi sớm đến công ty.