Chương trình Ôxy 0 đồng hỗ trợ người bệnh: Quá ý nghĩa

Trước tình hình dịch ngày càng phức tạp ở TP.HCM, nhiều ca F0, người bệnh khác phải điều trị ở nhà bị thiếu hụt ôxy, nhiều nhóm thiện nguyện đã xây dựng mô hình Ôxy 0 đồng để hỗ trợ người dân.

Tình nguyện viên của chương trình ATM Ôxy đưa bình ôxy về tập kết
 tại các trạm. Ảnh: NL

Các nhóm thiện nguyện cũng đã phối hợp với các trung tâm y tế, bác sĩ chuyên khoa để việc hỗ trợ này đạt hiệu quả cao nhất.

Đừng ôm bình ôxy khi người khác cần

Hơn 10 ngày qua, anh Nguyễn Tú ở huyện Nhà Bè liên tục nhận được các cuộc gọi nhờ hỗ trợ bình ôxy từ các bệnh nhân, ca F0 trên địa bàn TP. Việc đầu tiên anh Tú làm là trấn an người cầu cứu và hỏi một số thông tin cơ bản. Trong đó, anh đặc biệt chú ý đến độ tuổi và chỉ số SpO2 (chỉ số ôxy trong máu) của người bệnh. Nếu chỉ số SpO2 từ 90% trở lên thì anh Tú khuyên họ bình tĩnh và nói họ chưa cần tới bình ôxy.

Anh Tú cho biết bình ôxy chỉ hỗ trợ cho trường hợp khẩn cấp, nếu ai cũng vì lo sợ mà “ôm bình” thì cơ hội của người khác sẽ trôi qua. Với những ca bệnh có chỉ số SpO2 từ 80%, anh yêu cầu họ gọi điện thoại cho trạm y tế phường, xã để được đo lại cho chính xác. Khi trạm y tế phường, xã có kết quả đo chính xác, anh sẽ vận chuyển bình ôxy đến đội phản ứng nhanh của trạm để hỗ trợ người bệnh.

Cũng theo anh Tú, trước đây anh hỗ trợ thực phẩm cho người nghèo trên địa bàn TP. Hơn 10 ngày qua, khi F0 được điều trị tại nhà, nhiều trạm y tế quá tải, cho nên anh chuyển sang cung cấp bình ôxy miễn phí. Lúc nào anh cũng chuẩn bị 30 bình ôxy trên xe bán tải, khi có cuộc gọi cần ôxy khẩn cấp là anh đi bất kể ngày đêm.

Anh Tú kể người thân của một trường hợp F0 ở phường Tân Tạo A, quận Bình Tân gọi điện thoại đến nhờ hỗ trợ bình ôxy. Ngay lập tức, anh yêu cầu họ báo cho y tế phường này xuống kiểm tra sức khỏe F0. Khi nhân viên y tế xác định chỉ số SpO2 xuống thấp, anh Tú vận chuyển bình ôxy đến hỗ trợ. Nhờ sự phối hợp này, F0 vượt qua cơn nguy kịch và được nhập viện kịp thời.

Trao ôxy, nối dài sự sống

Trong đêm, hai vợ chồng mắc suyễn nặng đang sống trọ tại quận Bình Tân gọi điện thoại đến đường dây nóng (+84) 796555564 của chương trình ATM ôxy nhờ hỗ trợ. Ngay sau đó, tình nguyện viên của chương trình đã tìm đến phòng trọ, trao tặng bình ôxy miễn phí. Được hỗ trợ kịp thời, cả hai đều vượt qua cơn nguy hiểm.

Trường hợp trên chỉ là một trong cả ngàn cuộc gọi hằng ngày mà chương trình ATM ôxy nhận được. Thế nhưng với số lượng 300 bình ôxy hiện có, chương trình chỉ giúp được 100-150 ca/ngày.

Nói về mô hình ATM ôxy, ông Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc triển khai dự án, cho biết với thông điệp “Trao ôxy - nối dài sự sống”, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM và Công ty PHG Smart home triển khai mô hình ATM ôxy. Mục đích nhằm cung cấp máy ôxy, bình ôxy hỗ trợ công tác chăm sóc sức khỏe cho các cơ sở y tế, giúp bệnh nhân đang điều trị COVID-19 sớm hồi phục.

“ATM ôxy sẽ hoạt động từ 8 giờ đến 17 giờ hằng ngày. Hiện tại, chương trình đã lập hơn 20 trạm ATM ôxy tại các quận, huyện và TP Thủ Đức. Tuy nhiên, chỉ những ca F0, bệnh nhân được sự chỉ định của y bác sĩ thì chương trình mới đổi hoặc cho mượn bình ôxy. Mong mọi người chưa thật sự cần thiết nên nhường cho người khác. Bạn giữ bình ôxy một ngày là lấy mất cơ hội cứu một người” - ông Tuấn Anh chia sẻ.

Cũng với mong muốn hỗ trợ người bệnh trong tình hình dịch phức tạp hiện nay, nhóm thiện nguyện Anh Khôi ở quận Tân Phú cho biết nhóm cung cấp bình ôxy cho các tình nguyện viên là nhân viên y tế hỗ trợ F0. Nhóm ưu tiên hỗ trợ những ca nặng, cần đi cấp cứu trên địa bàn TP.

Theo đại diện nhóm Anh Khôi, trong 10 cuộc gọi đến nhờ hỗ trợ thì chỉ có khoảng 3-4 ca thực sự cần bình ôxy, số còn lại đều do hoảng loạn nên gọi điện thoại cầu cứu. Đa số người bệnh đều không có kiến thức y tế, sử dụng máy đo nồng độ ôxy không chuẩn nên đưa đến những kết quả sai lệch. Những ca nặng được thở ôxy kịp thời, đưa đi nhập viện cấp cứu thường vượt qua cơn nguy kịch.•

Chỉ ôxy thôi là chưa đủ

Việc sử dụng ôxy không đơn giản. Đối với bệnh nhân COVID-19, khi diễn biến nặng đến mức phải thở ôxy thì chỉ ôxy thôi là chưa đủ.

Ngoài ôxy, bệnh nhân còn cần những loại thuốc chuyên biệt, phải được theo dõi sát sao. Nếu bệnh nhân, người nhà tự ý sử dụng ôxy sẽ tạo cảm giác yên tâm giả, dẫn đến tâm lý chủ quan, nhập viện trễ.

Việc vận hành bình ôxy cũng cần có những quy tắc nhất định để đảm bảo an toàn. Nếu không nắm rõ các quy tắc này dễ dẫn đến cháy nổ rất nguy hiểm.

Tôi hy vọng các đơn vị Ôxy 0 đồng chỉ nên hỗ trợ bình ôxy cho những bệnh nhân chuyển nặng khi đã có ý kiến của bác sĩ. Ngoài ra, chúng ta cũng nên hỗ trợ các BV dã chiến, đơn vị thu dung, điều trị COVID-19.

TS-BS TRẦN ANH TUẤNTrưởng Khoa hô hấp BV Nhi đồng 1, TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm