Chuyện chưa kể về “chàng trai vàng” hóa học

(PLO)- “Thành tích hôm nay chỉ là bước khởi đầu cho một hành trình xa hơn. Em sẽ cố gắng hơn nữa” - Nguyễn Việt Phong nói.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nguyễn Việt Phong, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, là chủ nhân của huy chương vàng (HCV) Olympic hóa học quốc tế 2022.

Mới đây, lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM cùng cán bộ, công nhân viên đã trao thưởng 150 triệu đồng để vinh danh và ghi nhận những cố gắng trong học tập của Phong.

Nguyễn Việt Phong đã nhận được 150 triệu đồng tiền thưởng từ Sở GD&ĐT TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Nguyễn Việt Phong đã nhận được 150 triệu đồng tiền thưởng từ Sở GD&ĐT TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Phong cùng với mẹ của em tại buổi lễ vinh danh. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Phong cùng với mẹ của em tại buổi lễ vinh danh. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Nỗ lực nhiều ngày không mệt mỏi

Nguyễn Việt Phong xếp thứ 11 trong tổng số hơn 300 thí sinh đến từ 83 quốc gia tham gia kỳ thi, trong đó có ba thí sinh đến từ Trung Quốc đồng hạng nhất. Em đạt điểm cao nhất trong bốn học sinh Việt Nam đoạt HCV Olympic quốc tế môn hóa học.

Hành trình ba năm cấp III đi theo chuyên hóa thật sự khó khăn. Bản thân em đã phải đánh đổi nhiều thứ. Gia đình đã hy sinh rất nhiều cho em. Nhờ sự động viên của gia đình, bạn bè, sự giúp đỡ của thầy cô, sự quan tâm của ban ngành, em đã đạt được thành tích mong muốn. Thành tích hôm nay chỉ là bước khởi đầu cho một hành trình xa hơn. Em sẽ cố gắng hơn nữa” - Phong nói.

Tình yêu hóa học bắt nguồn từ năm lớp 8 khi Phong được chọn vào đội tuyển tại Trường THCS Lê Văn Tám, quận Bình Thạnh. Khi đậu vào lớp chuyên hóa của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, tình yêu hóa cứ lớn dần trong Phong. Ngoài sự dạy dỗ của thầy cô, Phong cũng tự mày mò các bài thi quốc tế để thỏa mãn niềm đam mê của mình.

Hiểu được hoàn cảnh gia đình, biết nỗi vất vả của cha mẹ, Phong có ý thức tự học từ nhỏ.

Để đoạt HCV, đó là nỗ lực không mệt mỏi của Phong. Em phải xa nhà ba tháng, một mình “văn ôn võ luyện” tại Hà Nội. Đầu tháng 5, Phong và các bạn trong đội tuyển phải tập trung tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ăn ở tại ký túc xá và học tại giảng đường. Đội tuyển dự thi được các thầy cô là giáo sư, phó giáo sư trong ngành hóa dạy dỗ, chỉ bảo rất tận tình.

“Tụi em ở chung, ăn chung như người một nhà. Thầy cô giúp đỡ tụi em rất nhiều, không chỉ việc học mà còn nhu cầu vui chơi giải trí và nhu cầu cá nhân” - Phong chia sẻ.

Bài thi diễn ra trong 5 tiếng nhưng Phong và các bạn làm bài rất nhanh, hơn 3 tiếng đã làm xong. Thời gian còn lại Phong dùng để kiểm tra đáp án của mình, bảo đảm chính xác nhất trong khả năng của mình.

Đối với Việt Phong, người có ảnh hưởng lớn nhất chính là mẹ. “Mẹ là người luôn đồng hành và ủng hộ em. Mẹ không được học nhiều, vì thế mẹ luôn dành tất cả cho em. Mẹ luôn nói: “Con cứ tiếp tục học, mọi thứ đã có ba mẹ lo”. Nghĩ đến điều đó, dù khó khăn ra sao, khắc nghiệt thế nào em cũng vượt qua” - Phong tâm sự.

Đề cập đến kế hoạch sắp tới, Phong cho biết mình sẽ dành thời gian để học thêm tiếng Anh. Phong muốn đi du học để biết đó biết đây, để trau dồi thêm kiến thức.

“Lâu rồi TP.HCM mới có được
kỳ tích như thế”

Đã rất lâu TP.HCM mới có được kỳ tích như thế. Thành tích này là nỗ lực không chỉ của bản thân em Nguyễn Việt Phong mà còn là nỗ lực rất lớn của gia đình, tập thể Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, nhất là tổ hóa đã dạy dỗ em trong suốt thời gian qua. Thành tích của em không chỉ là vinh dự của bản thân mà còn là niềm vui rất lớn của trường, của ngành GD&ĐT TP.

Ông NGUYỄN VĂN HIẾU, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM

Tình yêu vô bờ của người mẹ tần tảo

Chị Phan Thị Kim Tuyến, mẹ của Phong, xúc động bày tỏ niềm hạnh phúc khi chứng kiến con trưởng thành như hôm nay, nhất là khi bản thân chị không được học hành cao.

Chị Tuyến cho biết ngày trước gia đình khó khăn nên chị chỉ học đến lớp 5. Vì thế, chị đặt mục tiêu khi lập gia đình, có con dù cuộc sống ra sao vẫn cho con học đến nơi đến chốn. Bởi theo chị, chỉ có tri thức mới khiến tương lai của các con tươi sáng hơn.

Không giống như những cậu bé khác, thuở mới lọt lòng Việt Phong là cậu bé khó nuôi, thường xuyên đau ốm vặt. Thương con, chị quyết định nghỉ việc ở công ty may, ở nhà chăm sóc con.

Cuộc sống khó khăn, chi phí sinh hoạt tăng cao, chị Tuyến xin đi làm giúp việc nhà. Những khi đó, Phong lại đi cùng mẹ. Mẹ lau nhà cho khách, Phong tự ngồi chơi một mình. Đến khi năm tuổi, em đỡ đau ốm hơn và phát triển bình thường.

Đối với việc học, chị Tuyến cho con tự quyết định. “Tôi còn nhớ năm con sắp bước vào lớp 6, tôi chỉ mua cho con ba cái quần tây xanh. Thấy mẹ không mua áo, Phong hơi ngạc nhiên. Cháu hỏi: “Mẹ ơi, sao chỉ có mỗi quần?”. Khi đó, tôi bảo áo do con chọn, mẹ không thể chọn thay con. Con muốn học trường nào, con phải nỗ lực vào trường đó”. Tôi thường dạy Phong qua những điều tưởng chừng rất đơn giản như thế. Tôi luôn nói với Phong dù có chuyện gì, bên cạnh con còn có mẹ. Do đó, Phong cũng dần vượt qua và khẳng định được năng lực của mình” - chị Tuyến nói.

Hoàn cảnh gia đình không khá giả. “Rời đất Huế vào Sài Gòn lập nghiệp từ năm 2003, hiện gia đình tôi vẫn đang ở trọ” - chị Tuyết cho hay. Để lo cho con học, sau nhiều công việc, vợ chồng chị quyết định mở một tiệm in ấn nhỏ. Tuy nhiên, mặt bằng cũng phải thuê mướn. Đợt dịch vừa qua, mọi hoạt động ngưng trệ, tiệm in đóng cửa trong khi tiền thuê nhà vẫn phải trả. “Nghĩ tới khoảng thời gian đó thật khủng khiếp nhưng chúng tôi chưa bao giờ bỏ bê việc học của con” - chị Tuyến bày tỏ.

Hiểu được hoàn cảnh gia đình, biết nỗi vất vả của cha mẹ, Phong có ý thức tự học từ nhỏ. Em không bao giờ đi học thêm, chủ yếu học ở trường và tự tìm tòi, mày mò là chính.

Đoạt HCV Olympic hóa học quốc tế, ngoài 150 triệu đồng tiền thưởng từ Sở GD&ĐT TP, Phong còn được thưởng thêm 200 triệu đồng theo Nghị quyết 02 của TP. “350 triệu đồng là mức tiền thưởng quá lớn. Với số tiền trên, chúng tôi chưa có kế hoạch gì. Tuy nhiên, trước mắt Phong sẽ dành thời gian học tiếng Anh. Bởi thời gian qua vì tập trung cho cuộc thi nên con đã bỏ bê môn học này. Dù con có quyết định như thế nào, chúng tôi luôn tôn trọng và đồng hành” - chị Tuyến nói thêm.•

Bốn học sinh Việt Nam đều đoạt HCV Olympic hóa học quốc tế

Ngày 18-7, thông tin từ Bộ GD&ĐT cho biết tại Olympic hóa học quốc tế 2022 (IChO 2022), cả bốn học sinh tham dự đều đoạt HCV.

Bốn học sinh giành HCV là các em: Nguyễn Việt Phong - học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM; Trần Đức Minh - học sinh Trường THPT chuyên Biên Hòa, Hà Nam; Phan Xuân Hành - học sinh Trường THPT chuyên Hà Tĩnh, Hà Tĩnh và Phạm Nguyễn Minh Tuấn - học sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Đây là năm thứ ba liên tiếp kỳ thi Olympic hóa học quốc tế được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm