Trên hòn đảo Gardi Sugdub đông dân ngoài khơi Panama, những ngôi nhà đầy màu sắc và những túp lều bằng gỗ bao phủ gần như toàn bộ hòn đảo, theo đài CNN.
Gardi Sugdub là một trong khoảng 50 hòn đảo có người bản địa Guna sinh sống. Người Guna sống nhờ đánh cá và khai thác du lịch.
Tuy nhiên, chính đại dương mà người Guna dựa vào để sống lại đang đe dọa sự tồn tại của họ. Nhiệt độ toàn cầu ấm lên nhanh chóng, làm mực nước biển trên thế giới tăng lên. Người dân ở đảo Gardi Sugdub là những cộng đồng dân cư trên đảo đầu tiên ở Panama được chính phủ yêu cầu chuyển vào đất liền trong vài thập niên tới.
Trong vòng 40 đến 80 năm tới, tùy thuộc vào độ cao của các hòn đảo và tốc độ nước biển dâng, hầu hết hòn đảo có người ở sẽ chìm dưới nước theo đúng nghĩa đen.
Nguy cơ được cảnh báo từ lâu
Những người sống trên đảo Gardi Sugdub và các đảo thuộc quần đảo Guna Yala nằm trong số những người "tị nạn khí hậu" đầu tiên trong khu vực Mỹ Latinh. Cuộc khủng hoảng khí hậu hiện tại khiến việc di dời dân cư trên đảo càng được đẩy nhanh.
Ông Blas Lopez – một thành viên ban lãnh đạo người bản địa Guna ở đảo Gardi Sugdub và là thành viên ủy ban tái định cư cho biết: “Người Guna và các cộng đồng bản địa khác ở vùng Caribe sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do mực nước biển dâng. Vì vậy, tất nhiên chúng tôi phải chuẩn bị sẵn sàng”.
“Trong lịch sử truyền miệng của người Guna, chúng tôi luôn nói về những gì xảy ra khi gió mạnh thổi, cộng đồng bị ngập lụt. Hậu quả đó có thể xảy ra trong 30 hoặc 50 năm nữa. Vì vậy, chúng tôi phải tổ chức, chúng tôi phải lập kế hoạch” – ông Lopez nói.
Theo CNN, dù thế giới cắt giảm đáng kể tình trạng ô nhiễm không khí nhưng mực nước biển vẫn tiếp tục dâng lên. Tuy nhiên, tình trạng nước biển dâng xảy ra không đồng đều trên toàn thế giới. Những hòn đảo nhỏ, trũng ở vùng nhiệt đới – giống những hòn đảo trong quần đảo Guna Yala – sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề.
Những người rời đi đầu tiên
Cô Nadin Morales – một người bản địa Guna từng sống ở Gardi Sugdub – cho biết cô rất mong được bắt đầu cuộc sống mới trên đất liền Panama. Thị trấn mà cô Morales tới tái định cư có hơn 300 ngôi nhà 2 phòng ngủ, đường trải nhựa, đèn đường và một trường học lớn.
Điều này hoàn toàn trái ngược với điều kiện sống của cô khi còn là một đứa trẻ trên đảo. Ở đó, cô Morales sống trong một ngôi nhà rộng với 4 gia đình khác nhau và điều kiện sống rất khó khăn.
Bà Ana Spalding – nhà khoa học xã hội làm việc tại Viện nghiên cứu nhiệt đới Smithsonian (Panama) cho biết: “Tại một trong những ngôi nhà ở Gardi Sugdub, chúng tôi thấy có 17 người sống trong đó. Những nhà lãnh đạo địa phương cũng cảm thấy rằng ngoài những thay đổi [tiêu cực] về khí hậu, trên đảo có quá nhiều người”.
Ông Lopez cho biết tình trạng dân cư quá đông đã gây ra hậu quả đối với sức khỏe, khả năng tiếp cận nguồn nước và giáo dục cho trẻ em.
Những vấn đề đó càng trở nên nghiêm trọng hơn khi gió mạnh và mưa lớn xảy ra trên đảo, làm ngập lụt nhà cửa của người dân.
Biến đổi khí hậu đang tấn công người bản địa Guna trên nhiều mặt. Sức nóng từ biến đổi khí hậu không chỉ khiến băng tan, nước biển dâng, mà nó cũng đang làm tăng số lượng các cơn bão nhiệt đới và khiến chúng có sức tàn phá mạnh hơn.
Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận ra điều này.
Anh Victor Peretz (34 tuổi) là người bản địa Guna làm việc trong ngành du lịch. Anh Peretz cho biết cha anh nói rằng những thay đổi của thời tiết là bình thường và theo mùa. Trong khi đó, anh Peretz tin rằng cuộc khủng hoảng khí hậu có thể khiến hòn đảo thay đổi trong thời gian tới.
Sự khác nhau về quan điểm giữa các thế hệ cũng quyết định người đi, kẻ ở lại đảo.
“Những người trẻ hơn, cùng với gia đình, sẽ rời đi” – bà Spalding nói.
Quay về nguồn cội
Sau nhiều năm kể từ khi chính phủ lập kế hoạch tái định cư, hơn 1.000 người bản địa Guna cuối cùng đã nhận được chìa khóa ngôi nhà mới của họ trên đất liền và dần bắt đầu chuyển đến thị trấn tái định cư có tên Isber Yala.
Những ngôi nhà tại đây do chính phủ tài trợ và rất khác so với những ngôi nhà cũ của người Guna. Những ngôi nhà tại Isber Yala đều giống hệt nhau, có tường màu kem và mái nhà màu cam.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng khu tái định cư này được xây dựng khá vội. Thị trấn vẫn chưa có nước sạch và không có trung tâm chăm sóc sức khỏe. Ông Lopez cho biết mặc dù mọi người đã sẵn sàng chuyển đến ở nhưng nơi đây vẫn chưa có đèn và các dịch vụ cơ bản như thu gom rác vẫn chưa đi vào hoạt động.
“Thiếu quy hoạch ở cấp độ xã hội, cấp độ kinh tế, cấp độ môi trường và cấp độ sinh thái” – ông Lopez nói.
Một số người Guna thất vọng vì những ngôi nhà mới không tôn trọng lối sống truyền thống của họ. Theo đó, thị trấn mới của họ được xây dựng trong đất liền, tách biệt với biển. Tuy nhiên, ông Lopez cho rằng điều này không phải là vấn đề.
“Nhiều năm trước, người Guna đã đến các bờ biển trên các hòn đảo ở Caribe, nhưng chúng tôi có nguồn gốc từ miền núi, sông ngòi và rừng rậm” – ông Lopez nói.
Do đó, ông Lopez cho rằng việc quay về đất liền giúp cải thiện chất lượng cuộc sống người Guna, đặc biệt là cho trẻ em.