Một ngày tháng 6, ở Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND quận Bình Tân, chúng tôi thấy nhiều đứa trẻ đi lại ngoài hành lang, thỉnh thoảng lại thò đầu vào bên trong, nơi có cha mẹ chúng đang tố nhau từng lỗi nhỏ nhặt.
Ở đây, không khó để bắt gặp những khuôn mặt phụ nữ mệt mỏi, khóe mắt ướt nhòe. Thậm chí còn thấy cả những người đàn ông gắng gượng nuốt nước mắt vào trong. Trong phòng, những hòa giải viên, đối thoại viên (gọi tắt là HGV) đang chăm chú lắng nghe, động viên những cặp vợ chồng giữ bình tĩnh.
“Anh ấy đi làm về chỉ lo chăm mấy con cá cảnh với con gà, chẳng ngó ngàng đến mấy mẹ con” - người vợ nghẹn ngào. “Em thôi đi nha, con gà ấy người ta cho anh, anh đem về cho ba chứ anh đâu có nuôi gà” - người chồng đáp lại.
Ở phòng hòa giải bên cạnh, hai vợ chồng công nhân cũng căng thẳng không kém. Người vợ tỏ ra căng thẳng rằng khi cô vừa sinh con mà anh chồng chỉ ham chơi, lạnh nhạt với cô. Còn người chồng liên tục phân bua, bảo anh cũng mua bỉm, sữa cho con, vợ sai gì anh làm đó, lúc rảnh anh mới đi gặp bạn bè… Người ngoài chứng kiến một lúc thì mệt mỏi nhưng những HGV vẫn kiên nhẫn lắng nghe, phân tích tình và lý cho hai bên.
Chị LNTQ (29 tuổi) kết hôn đã bốn năm nhưng chưa có con, vợ chồng đã ly thân mấy tháng nay. “Vợ chồng sống với nhau mà không có con thì sao có thể tồn tại được bền vững nên tôi nộp đơn ly hôn” - chị nói nguyên nhân. HGV Trần Thị Mỹ Hồng nói: “Thế anh chị có đi khám chưa? Bây giờ y học hiện đại lắm, biết đâu bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân và điều trị thành công”.
Chị Q. lắc đầu bảo nhiều lần khuyên chồng đi bệnh viện nhưng chồng không chịu nên chị cũng chẳng biết làm sao. HGV Hồng hỏi chị Q. đã chia sẻ chuyện này với mẹ chồng chưa, biết đâu họ sẽ khuyên con trai mình để tìm ra hướng giải quyết. Anh chị còn trẻ, còn nhiều cơ hội. Sau khi nghe HGV phân tích một hồi thì chị Q. thỏ thẻ xin rút đơn ly hôn.
Bước ra từ phòng hòa giải, chị Q. nói: “HGV tư vấn rất nhiệt tình, nói những điều mình còn thiếu sót trong quan hệ vợ chồng. Mình rút đơn là quyết định rất đúng trong thời điểm này. Mấy tháng nay không có ai tác động giúp nên hai vợ chồng chẳng ai nói chuyện với ai”.
Một phiên hòa giải về hôn nhân ở Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND quận Bình Tân. Ảnh: NGÂN NGA
Hòa giải thành 900/960 vụ
Từ ngày 1-11-2018 đến 7-6-2019, Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND quận Bình Tân đã thụ lý 960 đơn khởi kiện. Trong đó, tranh chấp về dân sự là 95 đơn; về hôn nhân và gia đình gần 800 đơn; tranh chấp kinh doanh, thương mại 59 đơn; tranh chấp lao động sáu đơn; khiếu kiện hành chính ba đơn. Đặc biệt, số vụ đã hòa giải thành gần 900/960 vụ thụ lý. Đáng chú ý là cả ba vụ án hành chính đều được tổ chức đối thoại thành công, người dân tự nguyện rút đơn mà không cần phải đưa vụ án ra tòa xét xử.
HGV Trần Thị Mỹ Hồng (nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Tạo, với 20 năm kinh nghiệm làm hội thẩm nhân dân) chia sẻ: “Đối với cặp vợ chồng còn trẻ, đã có con, muốn níu kéo hạnh phúc thì tôi sẽ đánh vào tâm lý người vợ, thuyết phục họ cho người chồng cơ hội làm lại. Lúc đó người vợ sẽ rút đơn, gia đình lại được đoàn tụ”.
Theo bà Hồng, phiên hòa giải khác phiên tòa ở chỗ các đương sự được thoải mái trình bày những khúc mắc trong đời sống vợ chồng. Cạnh đó, HGV còn chia sẻ những kinh nghiệm trong cuộc sống, phân tích những sai sót của các bên mà không nhất thiết phải nói quá nhiều về quy định của pháp luật. Từ đó, các cặp vợ chồng sẽ cảm thông hơn và dễ dàng chia sẻ hơn.
Trước đây, người dân thường ví von án hành chính rằng: “Con kiến mà kiện củ khoai”. Từ khi có trung tâm, tổng số ba vụ án hành chính mà người dân kiện các cơ quan hành chính đều được Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND quận Bình Tân tổ chức đối thoại thành công.
Theo HGV Lê Thị Tý (nguyên kiểm sát viên VKSND quận Bình Tân), đặc thù của án hành chính ở chỗ một bên là cơ quan nhà nước, một bên là người dân. Do đó đòi hỏi HGV phải có kỹ năng khéo léo, nắm chắc các quy định của pháp luật.
Trước hết, HGV phải tìm hiểu kỹ đơn của người dân (người khởi kiện), rồi mời riêng từng bên đến để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng. Chỗ nào dân khởi kiện chưa đúng, HGV sẽ phân tích để họ rút bớt phần yêu cầu. Còn đối với cơ quan nhà nước, nếu chỗ nào thực hiện chưa đúng thì đề nghị xem xét lại. “Cách làm này thu lại kết quả rất khả quan, bên bị kiện cũng sẽ điều chỉnh lại cho phù hợp, người khởi kiện thì rút đơn. Trước khi ra về, người bị kiện còn bắt tay người dân, hứa sẽ hỗ trợ hết mình” - HGV Tý nói.
Góp sức lớn giúp tòa Chánh án TAND quận Bình Tân Nguyễn Đức Phước (kiêm Giám đốc Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND quận Bình Tân) cho biết cơ quan này thụ lý lượng án khá lớn, hơn 4.300 vụ/năm. Trung tâm hòa giải, đối thoại giúp giảm áp lực công việc cho tòa, giúp người dân giảm chi phí, công sức đi lại nhiều lần và nếu hòa giải thành thì không phải tốn tiền đóng án phí. Theo ông Phước, trong án hành chính, việc thụ lý và giải quyết hết sức khó khăn, ngay cả khi có bản án rồi việc thi hành án cũng không hề đơn giản. Dù vậy, vừa rồi tòa thụ lý một số vụ án hành chính và tiến hành đối thoại thành, tức là không chỉ người dân mà cơ quan nhà nước cũng đều thắng. Trung tâm giúp cho tòa hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần cải cách tư pháp trong thời gian tới. Hy vọng sau thời gian thí điểm, mô hình này chính thức đi vào hoạt động. |