Chuyên gia giải đáp 4 câu hỏi về bệnh đậu mùa khỉ

(PLO)- Có sự hiểu nhầm vaccine thủy đậu có thể phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ, thực tế hai bệnh hoàn toàn khác nhau. Vaccine thủy đậu chỉ phòng ngừa bệnh thủy đậu, không phải bệnh đậu mùa khỉ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đã ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có năm trường hợp tử vong tại 75 quốc gia ở tất cả sáu khu vực của WHO. Trước tình hình dịch có thể lan rộng, WHO đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu về bệnh đậu mùa khỉ.

Tại Việt Nam, đến nay chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, tuy nhiên nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ có thể xâm nhập và gây bệnh ở nước ta là hoàn toàn có thể do bệnh dịch đã được ghi nhận ở nhiều quốc gia.

Liên quan bệnh đậu mùa khỉ, BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP.HCM, đã có một số giải đáp xoay quanh bệnh này.

Nghiên cứu bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới. Ảnh: GETTY IMAGES

Nghiên cứu bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới. Ảnh: GETTY IMAGES

. Bệnh đậu mùa khỉ có lây từ người sang người không?

+ BS Trương Hữu Khanh: Bệnh có thể lây truyền từ động vật sang người hoặc lây từ người sang người. Đường lây là qua tiếp xúc dịch cơ thể, bao gồm các giọt nước bọt hoặc giọt bắn đường hô hấp hoặc tiếp xúc với dịch tiết từ vết thương trên da. Đường lây truyền có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh.

Virus gây bệnh đậu mùa khỉ có trong giọt bắn, do giọt bắn có trọng lượng lớn nên không lơ lửng mà rớt nhanh xuống dưới thấp nên không dễ lây qua đường hô hấp.

. Tại sao bệnh đậu mùa khỉ không lây lan nhanh như những virus lây qua đường hô hấp khác?

+ Bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu được ghi nhận ở đối tượng nam đồng tính (MSM), còn các nhóm đối tượng khác hiếm hơn, có thể qua tiếp xúc rất gần và rất lâu, tiếp xúc qua da rất lâu. Virus gây bệnh đậu mùa khỉ có trong giọt bắn, do giọt bắn có trọng lượng lớn nên không lơ lửng mà rớt nhanh xuống dưới thấp nên không dễ lây qua đường hô hấp. Bên cạnh đó, có thể nồng độ virus trong giọt bắn rất thấp nên người hít phải cũng ít khả năng mắc bệnh hơn. Virus đậu mùa khỉ cũng được tìm thấy trong tinh dịch, hiện đang có các nghiên cứu về khả năng bệnh có lây lan qua đường quan hệ tình dục hay không.

. Trong tình hình dịch bệnh lây lan, có nên đi du lịch không?

+ Đương nhiên là đi du lịch bình thường, tuân thủ theo các biện pháp bảo vệ và không tiếp xúc gần với những người mà không biết rõ hoặc mắc bệnh.

. Virus này về lâu dài có đột biến để thuần với con người không?

+ Bệnh đậu mùa khỉ do một loại virus DNA gây ra và loại virus này biến đổi chậm hơn so với các loại virus RNA, có khi phải mất 10-15 năm (virus gây bệnh COVID-19 là một trong các loại virus RNA).

. Hiện có vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ chưa?

+ Bệnh đậu mùa khỉ có thể được phòng ngừa bằng cách tiêm vaccine đậu mùa. Những người đã từng tiêm vaccine đậu mùa (thế hệ sinh năm 1980 trở về trước) thì rất khó mắc bệnh. Hiện vaccine này không được khuyến khích sử dụng đại trà do bệnh đậu mùa khỉ khó lây truyền và Âu Mỹ cũng chỉ chọn tiêm cho một số đối tượng đặc biệt.

Có sự hiểu nhầm vaccine thủy đậu có thể phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ, thực tế hai bệnh hoàn toàn khác nhau. Vaccine thủy đậu chỉ phòng ngừa bệnh thủy đậu, không phải bệnh đậu mùa khỉ.

. Xin cám ơn ông.•

Bộ Y tế họp nghiệm thu Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh đậu mùa khỉ

Ngày 26-7, hội đồng chuyên môn Bộ Y tế nghiệm thu Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh đậu mùa khỉ ở người tổ chức cuộc họp để thảo luận các nội dung, thống nhất sớm trình lãnh đạo Bộ Y tế ban hành hướng dẫn này.

Cuộc họp với sự tham gia của chuyên gia, các bác sĩ nhiều kinh nghiệm điều trị bệnh truyền nhiễm trong nước, tham vấn ý kiến của đại diện các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ.

Tại cuộc họp, các bác sĩ, chuyên gia cho hay việc xây dựng các nội dung trong hướng dẫn được tham khảo từ thực tế các trường hợp bệnh cụ thể của đồng nghiệp trên thế giới, kinh nghiệm điều trị bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam và hướng dẫn của WHO hay các tổ chức uy tín khác.

Theo đó, các chuyên gia trong cuộc họp xác định có bốn giai đoạn trong diễn biến bệnh đậu mùa khỉ: Giai đoạn ủ bệnh, giai đoạn khởi phát, giai đoạn toàn phát và giai đoạn hồi phục.

Các chuyên gia thống nhất chia các thể lâm sàng của bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ thành ba thể: Không triệu chứng, nhẹ và nặng.

GS Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch thường trực Tổng hội Y học Việt Nam, nguyên Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới trung ương, Chủ tịch hội đồng chuyên môn, cho hay hướng dẫn cần ngắn gọn, toàn diện nhưng phải đáp ứng yêu cầu ứng phó ở mọi tuyến y tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm