Theo tư liệu lịch sử, Võ Tánh sinh tại huyện Phước An, Biên Hòa (nay thuộc tỉnh Đồng Nai), sau chuyển về huyện Bình Dương, Gia Định.
Võ Tánh theo chúa Nguyễn Ánh từ năm 1788. Năm 1799, chúa Nguyễn và Võ Tánh phá được thành Quy Nhơn do hai tướng quân của nhà Tây Sơn nắm giữ. Thành Quy Nhơn được đổi tên là thành Bình Định (tọa lạc tại thị xã An Nhơn, Bình Định ngày nay).
Tháng giêng năm 1800, tướng Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng của nhà Tây Sơn công thành. Biết không giữ nổi thành, Võ Tánh đã viết thư cho Trần Quang Diệu, mong tướng quân này không giết người dân vô tội.
Hai vị tướng dưới trướng vua Quang Trung đã thực hiện lời hứa. Riêng Võ Tánh thì tuẫn tiết khi thành thất thủ.
Ngôi mộ chính của Võ Tánh nằm trong nội cung thành Hoàng Đế (thành do Nguyễn Nhạc xây trước đó), ngày nay thuộc xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, Bình Định.
Tại TP.HCM có hai ngôi mộ gió của ông. Đầu tiên là ngôi mộ gió do Nguyễn Ánh cho xây dựng tại Gia Định cũng trong năm 1801 (hiện nằm ở hẻm 19, đường Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận); ngôi mộ thứ hai nằm trên đường Nguyễn Thái Bình (quận Tân Bình, do người dân lập nên để nhang khói và tưởng nhớ vị tướng quân một lòng vì dân.
Từ cổng vào lăng mộ Võ Tánh có khu thờ tự trang nghiêm với khoảng sân rộng, yên tĩnh và thoáng mát.
Ngôi mộ Võ Tánh hình tròn, trên có đắp biểu tượng một con dơi, không có bình phong tiền nhưng có bình phong hậu, bên mộ có hai con nghê đá ngồi chầu. Mộ được xây trong nội cung thành Hoàng Đế, ngày nay thuộc xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, Bình Định. Ảnh: INTERNET
Ngôi mộ gió của Võ Tánh do Nguyễn Ánh cho xây dựng tại Gia Định năm 1801 - nay là hẻm 19, đường Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, TP.HCM.
Mặt trước bức bình phong tiền vẽ hình con hổ.
Mặt sau vẽ hình “long mã hà đồ” - trên lưng con long mã có cột thanh gươm trên chồng binh thư, quanh mình long mã là những đốm lửa tượng trưng cho người có tài thao lược nhưng phải tự thiêu để tỏ khí tiết.
Sau bình phong tiền là cửa lăng rộng hơn 2 m, hai bên có trụ biểu, trên đầu mỗi trụ có chạm búp sen lớn nên chiều cao mỗi trụ lên đến 2,5 m.
Hai bên cổng vào mộ có những ô được vẽ hình phong cảnh.
Trước mộ có nhang án.
Phần nấm mộ có hình chữ nhật, giật hai cấp, chiều dài 4 m, rộng 3 m và cao khoảng 4 tấc.
Cuối cùng là bình phong hậu vẽ hình hạc, ngụ ý võ tướng công cưỡi hạc về trời.
Lăng có khuôn viên rộng rãi, thoáng mát và sạch sẽ. Người hiện nay chăm sóc, nhang khói là bà Sáu (tên thật là Nguyễn Thị Bao, 73 tuổi, bộ đội phục viên).
Khu mộ nằm được bao quanh bởi cây xanh, thoáng mát.
Từ cổng lăng vào lần lượt là nhà võ ca, đền thờ, lăng mộ.
Mộ gió của Võ Tánh trên đường Nguyễn Thái Bình (quận Tân Bình), ngay sau chốt dân phòng của tổ bảo vệ dân phố khu phố 7, dưới tán một gốc cổ thụ sum suê.
Mặt tiền của nấm mộ được xây (mới) dạng một cái am nhỏ có mái giả bằng xi măng. Mặt trước am chia làm ba ô nhỏ, trước mỗi ô đều đặt bát nhang. Ở ô chính giữa có ghi hàng chữ "Phần mộ: Ông Võ Tánh, mất ngày 27-7-1801, năm Tân Dậu".
Ngôi mộ này có chiều dài khoảng 10 m, rộng khoảng 7 m, xung quanh có tường thành bao quanh (không có bình phong hậu nhưng trên bờ tường có chạm những phù điêu hình thú, hoa điểu... đã bị nứt nẻ, bốn góc mộ có xây trụ cột.
Ngôi mộ có mái trũng bám đầy rêu xanh.
Chị Tâm, người đặt bàn máy may dưới cây đa trước mộ, hằng ngày vẫn quét tước, nhang khói cho ngôi mộ.
Một đoạn bờ thành phía sau mộ bị xô lệch, nứt nẻ.
Xung quanh khu mộ là nơi tập kết các thùng rác và vật dụng người dân bỏ đi.
Các bàn thờ ông Địa của người dân bỏ quanh khu mộ.