Chuyện quy hoạch và lời ông Sáu Dân 10 năm trước

Ông nói: “Đô thị là một cơ thể thống nhất trong xây dựng và vận hành thì việc phân công cho Bộ Xây dựng làm quy hoạch, Bộ GTVT xây dựng và quản lý hệ thống đường đô thị, Bộ TN&MT quản lý đất, chưa kể Bộ Công nghiệp phụ trách hệ thống điện, Bộ Bưu chính - Viễn thông phụ trách xây dựng và quản lý hệ thống đường dây, đường cáp, đường ống nổi và ngầm là một cách làm manh mún, mang dấu vết tiểu nông. Kế hoạch đầu tư do đó mà chồng chéo, giẫm chân, lệch pha, lỗi nhịp, gây nên tình trạng lộn xộn trong nghiên cứu, xây dựng và vận hành đô thị”.

10 năm qua, nhận xét của ông Võ Văn Kiệt vẫn đúng không chỉ đối với quy hoạch xây dựng đô thị mà còn đối với các lĩnh vực: công thương, nông nghiệp, tài nguyên môi trường, xuất khẩu, ngành nghề, ngành hàng…

Điển hình như quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo của Bộ Công Thương, đặt mục tiêu đến năm 2015 chỉ tồn tại 150 đầu mối xuất khẩu gạo với những điều kiện ngặt nghèo. Quy hoạch này đã làm hàng chục doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo bị “bức tử”. Có DN còn phải sang Singapore lập chi nhánh để xuất khẩu gạo cho chính quê hương mình. Có DN sang Cambodia nhập khẩu gạo của đất nước mình, xay xát, rồi xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ… Dĩ nhiên, DN này sẽ nộp thuế cho Cambodia. Sự hao tổn nguồn lực, thất thu ngân sách là rất rõ ràng.

Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho biết giai đoạn 2011-2016 có tới 20.000 văn bản quy hoạch được thiết lập. Tuy vậy, hệ thống quy hoạch này đang gây trở ngại cho đầu tư, cản trở sự phát triển. Đặc biệt, chất lượng quy hoạch thấp, thường xuyên bị điều chỉnh và thiếu tính khả thi. Điều đó có thể nhận thấy trong thực tế khi quy hoạch khoáng sản chỉ từ năm 2011 đến 2016 đã thay đổi 59 lần.

Tình trạng quy hoạch như thế, nhiều chuyên gia đã nhận định đang làm hao tổn nguồn lực quốc gia bởi nguồn lực ấy vốn đã không phải dồi dào lại còn bị thất thoát khi phân tán. Không chỉ nguồn lực của Nhà nước mà nguồn lực của DN, của xã hội cũng bị xói mòn nếu những quy hoạch ấy chỉ phục vụ nhóm lợi ích bất minh. Mà kết quả của nó là sự trì trệ của nền kinh tế, sự tụt hậu của quốc gia.

Dự luật Quy hoạch hôm nay (21-11) được Quốc hội thảo luận đang được kỳ vọng sẽ khắc phục được tình trạng nói trên của quy hoạch. Tuy vậy, để tới được Quốc hội, dự luật này cũng từng gặp nhiều khó khăn. Nhiều bộ, ngành, địa phương phản đối, mà theo lời Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông là bởi các bộ, ngành sợ mất việc chứ không vì cái chung.

Bất kể một chính sách, một đạo luật nào cũng phải hướng tới lợi ích chung của xã hội, của quốc gia. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch. Nhưng chừng nào vẫn còn những sự thu vén nguồn lực và quyền lợi cục bộ thì khi đó nguồn lực của đất nước vẫn bị xâu xé, xói mòn và thất thoát.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm