Ông bà bên bia di tích trận thắng lớn quân địch tại Nông trường dâu.
Lính dự đám cưới thủ trưởng
Dù tuổi đã cao nhưng hai ông bà vẫn quyết định dắt nhau vượt gần 600km trở về thăm nơi đã nẩy nở tình yêu ban đầu và nên duyên vợ chồng ngay giữa chiến trường ác liệt (xã miền núi Quế Phong, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam (24-3-1975 – 24-3-2015).
Tại buổi họp mặt bao gồm tập thể lãnh đạo xã, những người thuộc diện gia đình chính sách và hàng chục cựu chiến binh từ nhiều tỉnh, thành cả nước về dự. Khi nhìn thấy vợ chồng sư trưởng bước vào, tất cả ùa ra đón ông bà. Những cánh tay dang rộng rồi ôm chặt nhau vào lòng, tiếng cười, lời chúc tụng, thăm hỏi nhau râm ran.
Họ, những cựu chiến binh từng có mặt ở Quế Phong năm 1968 như Hoàng Tất Thắng, Đào Minh Dưỡng, Bùi Song Đồng…(quê ở Nam Định) thuộc trung đoàn 31, 38… bác sĩ Trương Quốc Dũng, nguyên cán bộ bệnh xá Quế Sơn… từng chứng kiến tình yêu “sét đánh” của thủ trưởng. Họ càng không quên một đám cưới thật đặc biệt của cặp “uyên ương già” cách đây hơn 40 năm: “Trong chiến tranh, mấy ai được gặp trực tiếp Thủ trưởng và càng đặc biệt hơn được dự ngày cưới. Anh em chúng tôi từ các đại đội, tiểu đoàn về dự đám cưới mới biết thủ trưởng thì to cao mà vợ thủ trưởng lại nhỏ nhắn. Ai cũng mừng vì ông đã ngoài 40 tuổi rồi, lại lấy một nữ bác sĩ tài năng, là trưởng bệnh xá huyện Quế Sơn. Thời đó hiếm có được mối tình và đám cưới to giữa chiến trường như thế, mừng và nể phục các cụ lắm. Với chúng tôi đó là kỷ niệm đẹp mãi mãi không bao giờ phai mờ…”.
Gặp nhau tay bắt mặt mừng giữa chiến trường xưa.
“Yêu vì khâm phục”
Nói về duyên nợ cách đây 42 năm, Đại tá Vũ Đình Nã chia sẻ: Ngày ấy tôi là Trung đoàn trưởng trung đoàn 31 (Sư đoàn 2). Một lần chúng tôi đi thị sát tình hình địch ở lưng chừng dãy núi Bằng Thùng hiểm trở, qua đó phục vụ việc xây dựng phương án đánh địch càn và lấn chiếm. Lúc đang ngồi nghỉ chân trên tảng đá lớn nghe tham mưu trưởng trao đổi, bỗng có tiếng cô gái chào khẽ và nói lời xin lỗi vì đã đến chậm. Đồng chí tham mưu trưởng giới thiệu với tôi đó là bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà phụ trách bệnh xá Quế Sơn. Đồng chí không ngớt lời ca ngợi, cô bác sĩ dù có thân hình bé nhỏ, nhưng rất nhanh nhẹn, tận tâm cứu chữa hàng trăm thương binh của các đơn vị quân đội và nhân dân trong vùng… Trước khi đến đây, chính ủy tôi cũng nháy mắt và dặn trước: “Anh gặp cô ta chắc sẽ vừa ý đấy…”.
Ở cái tuổi ngoài 40 chỉ quen đánh giặc như tôi, lại lần đầu tiếp xúc, thế mà tôi đã cảm thấy quý mến Thu Hà và nghĩ ông chính ủy mình đã nói “không ngoa”. Cô ấy mời chúng tôi vào bệnh xá gần đó. Thật bất ngờ tuy nói là bệnh xá, nhưng thực ra đó là các hang đá tận dụng làm nơi điều trị cho thương binh rất lý tưởng. Đi sâu vào bên trong hang đá, nơi bệnh xá sẽ bố trí để chúng tôi ở lại vài ngày phục vụ công tác trinh sát địch, một cảm giác thật mát mẻ và yên tâm.
Trong khoảng 7 ngày ở đây tận mắt chứng kiến các y bác sĩ cứ thoăn thoắt đôi chân xuôi ngược, ra vào hang đá liên tục phục vụ thương binh. Có người đi lấy thuốc, người đi cõng gạo mà không thấy trở về… Người ở nhà thì động viên an ủi, rửa vết thương cho thương binh, chăm sóc từng miếng cơm. Các y bác sĩ của bệnh xá phải ăn khoai sắn để nhường cơm cho thương binh. Đã vậy một cán bộ ở đây cho biết trước khi bác sĩ Thu Hà về kế nhiệm đã có tới 3 đời bệnh xá trưởng hy sinh.
Qua tìm hiểu, tôi còn được biết, Thu Hà học cùng khóa Đại học Y khoa Hà Nội với bác sĩ Đặng Thùy Trâm (1960 – 1966). Ra trường cả 2 đã xung phong đi phục vụ chiến trường miền Nam, nhưng Thùy Trâm đã hy sinh. Vì thế tôi vô cùng xúc động và càng thêm lòng khâm phục. Rời bệnh xá trở về đơn vị, dù cả 2 đều lớn tuổi, lại chưa một lời hẹn ước, nhưng trái tim tôi đã mách bảo: “Đây là điểm hẹn! Chào em, người con gái xứ Quảng mà anh hy vọng trao gửi niềm tin và thầm nhủ anh yêu em và… sẽ cưới em”.
“Yêu ông ấy là duyên”
Bác sĩ Thu Hà bồi hồi nhớ lại, hồi ấy tôi thấy mắc cỡ lắm, bởi mình thì thân hình nhỏ bé, anh ấy lại là người to cao, thế nhưng cứ như có định mệnh mà ông trời đã se duyên vậy. Đầu năm 1973, khi hiệp định đình chiến được ký kết, đơn vị anh ấy quyết định tổ chức đám cưới cho chúng tôi ngay dưới chân núi Bằng Thùng. Do đình chiến nên các đơn vị có điều kiện cử bộ đội về dự rất đông. Tiệc tùng rất to, có mổ heo, mổ trâu và có cả kẹo bánh, thuốc lá nữa nên rất vui. Tuy nhiên chỉ vài ngày sau cưới anh ấy lại nhận lệnh đi chống địch lấn chiếm… Chiến tranh là vậy. Năm 1974, tôi được điều ra Hà Nội để đi học nâng cao chuyên môn ở nước ngoài và cũng là lúc tôi sinh cháu trai đầu lòng.
Bà Nguyễn Thị Nhị, hiện là Bí thư Đảng bộ xã Quế Phong xúc động nói, lúc 12 tuổi (năm 1972), tôi và hàng chục đứa trẻ khác trong xã đã được bác sĩ Thu Hà cứu chữa vì bị sốt rét ác tính, bụng chướng vì sưng lách. Sau này, trở thành cán bộ xã tôi được nghe hàng trăm người trong xã kể về lòng biết ơn bác sĩ Thu Hà. Ở một xã miền núi còn nghèo như Quế Phong, vậy mà khi nghe tin bác sĩ về thăm, bà con trong xã đã bảo nhau quyên góp tặng bà sổ tiết kiệm trị giá 20 triệu đồng.
Vâng! Còn nhiều điều để nói về tình yêu đẹp và một đám cưới hy hữu giữa chiến trường.
Tên tuổi đại tá Vũ Đình Nã, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 31 (Sư đoàn 2) đã gắn liền với hàng trăm trận đánh địch táo bạo và đều giành chiến thắng nức lòng trong khắp địa danh huyện Quế Sơn. Cả hai ông bà giờ là thương binh và có hai người con (1 trai, 1 gái). Ông bà vẫn tận tình chăm sóc chu đáo nhau và luôn gọi nhau “anh em” thật trìu mến… |