Phóng viên Hoàng Lan: Lưu giữ đôi dép nghĩa tình
Nghề báo đòi hỏi thông tin nhanh nhạy kịp thời khiến phóng viên phải vắt chân lên cổ chạy đến nơi đang diễn ra sự kiện để mang về bản tin kịp thời. Chiều ngày 15-10-2014, tôi nhận được điện thoại của một thư ký tòa soạn điều động đến lễ đám tang của người mẹ nghèo trong con hẻm ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) ghi nhận. Người phụ nữ bị tai nạn thương tâm khi đang bán nón bảo hiểm bị xe tải lao lên lề tông phải.
Đôi dép là kỷ niệm nghề báo đáng nhớ được phóng viên Hoàng Lan lưu giữ làm kỷ niệm từ nhiều năm nay.
Tôi lên xe phóng đi, trong đầu hình dung ra con đường ngắn nhất để tới nơi. Tuy nhiên, khi ra đến đường Hoàng Văn Thụ, khúc giao nhau giữa các ngả đường Nguyễn Văn Trỗi, Phan Thúc Duyện (quận Tân Bình) gặp khá đông xe ô tô đang di chuyển nên tôi buộc phải giảm tốc độ. Bất ngờ, tay lái một chiếc honda từ phía sau lao lên máng vào lưng tôi khiến tôi và thanh niên kia cùng ngã xuống đường.
Choáng váng vì chưa hiểu chuyện gì xảy ra, tôi nghe đau nhói ở ngón chân út. Được một người dân dìu xe qua lề đường bên kia, tôi lê bước theo và thấy máu ở ngón chân út bắt đầu chảy ra ướt giày. Đôi giày mũi nhọn và chật khiến tôi không thể xỏ chân vào. Định thần lại, tôi nghĩ đến việc tòa soạn giao nên tiếp tục lên xe đi đến nơi làm. Trên đường, tôi ghé vào một nhà thuốc mua thuốc sát trùng và bông băng chân lại.
Phóng viên Hoàng Lan (thứ 3 từ trái sang) trong một lần nhận giải báo chí TP.HCM. Ảnh: HL
Khi tôi đến thăm hỏi, chia buồn cùng gia đình và giới thiệu mình là phóng viên. Người nhà bày tỏ mong muốn không muốn lên báo về chuyện đau lòng của gia đình, tôi đồng ý. Họ điềm đạm mời tôi uống nước và hỏi thăm khi thấy chân tôi bông băng và đi cà nhắc, ngón chân út không thể xỏ vào giày. Ngồi được một lát, tôi được một người đàn ông trung niên đặt dưới chân một đôi dép nhựa rất êm và mới còn nguyên tem (chắc người nhà vừa đi mua về). Anh nói: “Cô mang đi chứ đôi giày kia sao mà mang”. Tôi rất bất ngờ, cảm ơn và hỏi anh đôi giày bao nhiêu tiền để tôi gửi lại nhưng anh liền xua tay. Tôi mang đôi dép nhựa êm ái chạy về tòa soạn, thấy ấm lòng biết bao.
Phóng viên Nguyễn Trà: Quà quý là 20 trứng vịt lộn
Hồi mới vào nghề, tôi có làm một đề tài liên quan đến tranh chấp đất đai. Cụ thể là rất nhiều người dân tố một công ty lừa đảo.
Bữa đó tôi cùng người dân và hai đồng nghiệp khác về Long An để làm việc với một lãnh đạo liên quan đến vụ việc này nhằm thu thập tư liệu để hoàn chỉnh bài viết. Sau khi trao đổi xong câu chuyện thì họ tặng tôi một phong bì. Ông bảo đại ý là gửi tiền trà nước đi đường.
Tôi cầm lên, thấy nặng phết, rồi trả lại. Tôi bảo tôi sẽ ghi nhận đúng sự thật, còn tiền tôi không cầm được và trả lại ông.
Tiền thì ai cũng cần thật. Nhưng tiền nào kiếm được bằng năng lực của mình, tiền nào “sạch”, tôi mới dám nhận. Tôi nghĩ nếu mình chỉ cần nhận phong bì một lần thì sẽ có lần sau, và lần sau nữa, rồi ngòi bút sẽ cong dần lúc nào không hay. Tôi muốn ngòi bút của mình phải chuyển tải sự thật. Bữa đó tôi về ngủ ngon gì đâu.
Bịch trứng vịt lộn của một bạn đọc tặng phóng viên Nguyễn Trà
Sau này, một người là nạn nhân trong vụ lừa đảo này tìm đến tôi để cảm ơn. Bữa đó gần tết, chị hớt hải chạy từ Bình Chánh qua cơ quan tôi ở Tân Bình chỉ để tặng 20 quả trứng vịt lộn (không hiểu qua kênh nào mà chị biết tôi có sở thích ăn trứng vịt lộn).
Trứng chị bỏ trong túi rơm để khỏi vỡ, rau răm còn xanh mướt. Đứa cứng đầu như tôi bỗng rưng rưng nước mắt...
Tình cảm của bạn đọc dành cho thì nhiều vô kể, chúng tôi chỉ biết luôn mang theo một cách trân quý để nhắc nhớ mình trong quá trình rèn nghề.