Báo Pháp Luật TP.HCM đoạt 7 giải báo chí TP.HCM năm 2019

Sáng 21-6, Hội Nhà báo TP.HCM đã tổ chức Lễ kỷ niệm 94 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2019) và trao giải Báo chí TP.HCM lần thứ 37 tại Nhà hát Đài Truyền hình TP.

Ông Trần Lưu Quang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM đã thay mặt lãnh đạo TP, chúc mừng cho những tác giả, tác phẩm đoạt giải thưởng báo chí TP.HCM lần thứ 37. Ảnh: HOÀNG GIANG

Năm nay, từ hàng trăm tác phẩm dự thi, Ban tổ chức đã quyết định trao giải cho 66 tác phẩm. Trong đó có năm giải Nhất, 14 giải Nhì, 21 giải Ba và 25 giải Khuyến khích.
Tại lễ trao giải, ông Mã Diệu Cương, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM đã nhiệt liệt chúc mừng các nhà báo đoạt giải.
Ông nhìn nhận, trong 94 năm qua, báo chí TP.HCM đã không ngừng lớn mạnh, cả về số lượng và chất lượng, thực sự là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Báo chí đã tham gia và đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển mạnh mẽ về mọi mặt của đất nước và TP.HCM.

Tác phẩm Những ‘cô tấm’ giữa Sài Gòn" của hai tác giả Hoàng Giang và Nguyễn Trà đoạt giải Nhất. Ảnh: LÊ THOA

Theo ông Cương, lễ trao giải báo chí TP.HCM là giải thưởng cao quý, tôn vinh tác phẩm, tác giả xuất sắc trong năm theo tinh thần chỉ đạo Thành ủy, UBND TP.HCM. 37 năm qua, giải báo chí TP.HCM luôn nhận được quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của lãnh đạo TP, góp phần phát triển và nâng cao chất lượng, tạo thành công cho giải.
Ông Trần Lưu Quang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM đã thay mặt lãnh đạo TP, chúc mừng cho những tác giả, tác phẩm đoạt giải thưởng báo chí TP.HCM lần thứ 37.

Tác phẩm Chính quyền cải cách để gần dân hơn(nhóm 4: phỏng vấn, tường thuật, ghi nhanh) của tác giả Lê Thoa, Thanh Tuyền, Việt Hoa đoạt giải Nhì. Ảnh: HOÀNG GIANG

Theo ông Quang, trong suốt chiều dài lịch sử, dù ở bất kì đâu cũng có sự hiện diện của các nhà báo. Từ chiến trường khốc liệt nhất, hay ở vùng sâu vùng xa, đến những đô thị ồn ào náo nhiệt, sự đóng góp của các nhà báo vào công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước và TP là lớn lao, rất đáng trân trọng.
Nhìn nhận về giải báo chí TP.HCM lần thứ 37, ông Quang cho rằng đây sự định hướng để nâng cao nhận thức chính trị, đạo đức nghề nghiệp và đặc biệt là sự nhạy bén, kịp thời, sáng tạo của các nhà báo thông qua tác phẩm của mình.
“Trong xu thế hội nhập quốc tế, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, sự bùng nổ của những cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, mỗi người dân nếu muốn đều có thể đăng tải những bài viết, hình ảnh, clip của mình để bày tỏ những quan điểm, chính kiến của mình trên mạng xã hội. Trong số đó, chắc chắn có những thông tin không tích cực. Trong hoàn cảnh đó, điều kiện đó, vai trò của nhà báo cách mạng, nhà báo tiến bộ là hết sức quan trọng. Các anh chị phải định hướng dư luận, giúp người đọc, người nghe, người xem phân định được cái đúng, cái sai, cái xấu” – ông Quang nói.

 Tác phẩm “Ma Trận nhớt giả đội lốt các thương hiệu nổi tiếng(nhóm 3: Phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí) của tác giả Hoài Nam đoạt giải Nhì. Ảnh: HOÀNG GIANG

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP nhấn mạnh: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM kỳ vọng và mong muốn được tin tưởng vào tất cả các nhà báo về việc này, vì TP bình yên và phát triển.
Ông cũng hẹn gặp lại mọi người vào dịp này năm sau để cùng chúc mừng, chia sẻ những thành tựu mà TP đã đạt được. Trong đó chắc chắn ghi nhận sự đóng góp của các nhà báo tiến bộ, nhà báo cách mạng, đã đồng hành cùng sự phát triển của TP.HCM.

Các tác giả của Báo Pháp Luật TP.HCM đoạt giải báo chí TP.HCM lần thứ 37. Ảnh: HG

Các tác phẩm, tác giả Báo Pháp Luật TP.HCM đoạt giải
Giải Nhất ở nhóm 1 (tin, ảnh báo chí, phóng sự ảnh) với tác phẩm Những ‘cô tấm’ giữa Sài Gòn  của hai tác giả Hoàng Giang và Nguyễn Trà.
Giải Nhì với ba tác phẩm: Chính quyền cải cách để gần dân hơn(nhóm 4: phỏng vấn, tường thuật, ghi nhanh) của tác giả Lê Thoa, Thanh Tuyền, Việt Hoa; tác phẩm “Ma Trận nhớt giả đội lốt các thương hiệu nổi tiếng (nhóm 3: Phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí) của tác giả Hoài Nam và tác phẩm Những bất ổn quản lý đất đai, xây dựng ở Bình Chánh của tác giả Việt Hoa, Hoài Nam.
Giải Ba với hai tác phẩm gồm: “Các chủ sạp quyền lực của Tổ cảnh sát ở chợ Bà Chiểu" (nhóm 5: Công trình tập thể) của nhóm tác giả Nguyễn Tân, Nguyễn Yên, Nguyễn Vân, Nguyễn Sâm, Ngọc Hương và tác phẩmChuyện cổ tích ở gác chắn hãng dầu(nhóm 1: tin, ảnh báo chí, phóng sự ảnh) của tác giả Hoàng Giang, Nguyễn Trà.
Giải Khuyến khích ở nhóm 1 (tin, ảnh báo chí, phóng sự ảnh) với tác phẩm Cô hiệu trưởng khiến học trò phát cuồng" của tác giả Nguyễn Quyên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm