Xin kèm theo đây mấy tài liệu chính thức mà chính quyền chế độ cũ đã viết Hốc “ô” để ông tiện tham khảo. Vậy là sao?
ANH PHÓ trả lời: Ông Đỗ Chỉn Chía kính mến,
Đọc mấy tài liệu ông gửi cho, tôi thật cảm động và khâm phục sự cẩn trọng và yêu quý cổ vật như ông. Tôi không dám cãi thêm nữa, vì ông đã “nói có sách, mách có chứng”. Tuy nhiên, tôi vẫn bảo lưu nhận xét của tôi, chỉ xin rút lại lời kết luận hơi vội vàng của tôi là viết “Hốc” (Hốc “ô”) là sai!”. Vì đó là thực tế không ai có thể phủ nhận được.
Sở dĩ tôi dám khẳng định viết “Hóc” (chữ o) mới đúng, vì các văn bản pháp luật từ thời chế độ cũ đến giờ đều viết chữ “Hóc” (o). Các quyển tự điển cũng vậy. Xin dẫn chứng thêm cuốn tự điển tiếng Việt vào hàng cổ xưa như “Đại Nam Quấc âm tự vị” của Huình Tịnh Paulus Của, xuất bản vào năm 1895 (tức cách nay 116 năm), ở trang 435, học giả họ Huình có viết: “”Hóc” là chỗ kẹt, chỗ xó, chỗ cùng - “Hóc Môn” là tên xứ thuộc huyện Bình Long”. Khoảng năm 1862, huyện Bình Long thuộc phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Huyện lỵ Bình Long lúc đó đặt tại làng Tân Thới Nhì, là trung tâm thị trấn Hóc Môn ngày nay. Sau cuộc khởi nghĩa “Mười tám thôn vườn trầu” (1885) thực dân Pháp chính thức đổi tên huyện Bình Long thành quận Hóc Môn. Như vậy tên “Hóc Môn” lúc đầu là địa danh thường gọi, tới năm 1885 mới bắt đầu trở thành địa danh chính thức của một quận hành chính thuộc tỉnh Gia Định. Lúc đó quận Hóc Môn là một vùng đất rộng lớn gồm 4 tổng: Long Tuy Thượng, Long Tuy Hạ, Long Tuy Trung và Bình Thạnh Trung, tức bao gồm phần lãnh thổ 3 quận huyện: Hóc Môn, Củ Chi và quận 12 ngày nay.
Thời gian trước năm 1975 đến nay, Hóc Môn đã nhiều lần tách nhập, thay đổi ranh giới. Cụ thể như từ 1954 đến cuối 1959: địa giới của quận Hóc Môn gồm lãnh thổ như nói trên (phạm vi 3 quận huyện Hóc Môn, Củ Chi và quận 12 ngày nay). Từ 1960 đến 1961: tách một phần quận Hóc Môn ra lập quận Củ Chi, phần còn lại vẫn gọi quận Hóc Môn. Từ 1961 đến 1969: Hóc Môn sáp nhập với Gò Vấp thành quận Gò Môn. Từ 1969 đến 1972: nhập với một số xã của quận Củ Chi và chia lại thành 4 quận nhỏ, trong đó Hóc Môn cũ được tách ra thành 2 quận: Đông Môn và Tây Môn. Từ 1972 đến 1975: Đông Môn và Tây Môn nhập thành quận Hóc Môn trở lại. Sau ngày thống nhất đất nước (30-4-1975): Hóc Môn là một trong 6 huyện ngoại thành của TP.HCM. Từ ngày 1-4-1997 đến nay: huyện Hóc Môn được tách ra 7 xã để thành lập thêm quận 12.
Tôi ghi lại lịch sử qua sơ lược diễn tiến như vậy để ông thử đối chiếu với thực tế xem có đúng không. Vì dù sao ông cũng là người cố cựu ở địa phương, lại rất quan tâm đến diễn biến sự kiện tên địa phương này, nên chắc chắn ông có đủ tư liệu chính xác hơn tôi. Nhân dịp này, tôi nhờ qua đường bưu điện gửi biếu ông quyển “Chuyện xưa-Chuyện nay” có chữ ký lưu niệm của tác giả. Tôi thành thật cám ơn ông đã quan tâm và giúp tôi có thêm sự hiểu biết thực tế.
Kính chào ông.
(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 167)