ANH PHÓ trả lời: Em Hoàng Oanh thân mến,
Em nói có phần đúng nhưng từ ngữ em dùng có lẽ không phù hợp lắm. Vì thời xưa, theo quan điểm phong kiến, không có nghề “diễn viên”, “ca sĩ”, nghĩa là những người làm công việc đó không được xếp vào những nghề nghiệp đáng quý trọng như “sĩ, nông, công, thương”. Mà phải gọi họ là “bọn phường chèo, con hát”. Đây là loại người đáng bị khinh bỉ, nên có câu ám chỉ họ là bọn “xướng ca vô loài” nghĩa là trong các loại nghề nghiệp hợp pháp, hợp đạo đức trong xã hội thì người hành nghề ca hát không đáng xếp vào loại nào cả! Cũng không thể nói là họ “mất quyền công dân” được, vì thân phận của người dân thời xưa, dưới chế độ quân chủ phong kiến, dân không có quyền và nghĩa vụ hợp pháp được pháp luật bảo hộ, bất khả xâm phạm, nên thường chỉ có thể gọi là “thần dân” thôi, chứ không dùng khái niệm “công dân” như ngày nay được.
Tôi có tìm hiểu xem tại sao số phận của người “phường chèo con hát” lại hẩm hiu đến như vậy, thì thấy trong sách Phong tục Việt Nam, nhà nghiên cứu Toan Ánh có giải thích như sau: “Xã hội ta xưa quan niệm lũ “xướng ca vô loại” là một tầng lớp vô luân. Họ bị coi là vô luân không phải vì họ sa đọa, chính sự sống của họ cũng không phải là sa đọa, mà chỉ vì những vai trò của họ đóng khi xướng hát: họ bị coi là vô luân ở đây vì người con có thể đóng một vai vua và người cha đóng vai bày tôi quỳ lạy; anh em ruột có thể đóng đôi vợ chồng và vợ chồng lại có thể đóng vai mẹ con hoặc cha con… Tất cả cái vô luân là ở đây; ở đấy luân thường đã không còn nữa, mặc dù chỉ trong những lúc trình diễn” (Toan Ánh, Phong tục Việt Nam, Khai Trí xuất bản, Sài Gòn, 1969, trang 429).
Không biết lời giải thích của nhà nghiên cứu Toan Ánh có đầy đủ, chính xác không. Nhưng có điều rõ ràng trong lịch sử nước ta đã từng có nhiều nhân vật nổi tiếng bị gian truân, khổ sở vì cái quan điểm khắt khe, cổ hủ ấy. Như trường hợp Đào Duy Từ (1572-1634) vì có cha làm nghề ca hát, nên ông không được đi thi để ra làm quan dưới triều vua Lê - chúa Trịnh. Cùng đường bí lối, ông phải bỏ vào Nam gầy dựng sự nghiệp. Vì ông là một “nhân tài thứ thiệt” nên đã được chúa Nguyễn Phúc Nguyên trọng dụng, phong tước Lộc Khê Hầu; được vua Minh Mạng nhà Nguyễn truy tặng là bậc khai quốc công thần, cho thờ tại Thái Miếu. Sở dĩ Đào Duy Từ có thời kỳ lận đận ban đầu như vậy vì luật pháp thời nhà Lê (1462) có luật quy định về điều kiện dự thi của sĩ tử cả nước rằng: “Những kẻ bất hiếu, bất mục, bất nghĩa, loạn luân, điêu toa... thì dẫu học giỏi, văn thơ hay cũng không được cho vào thi (...). Nhà phường chèo, con hát và những kẻ phản nghịch, ngụy quan có tiếng xấu, thì bản thân và con cháu đều không được dự thi”. (Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch của Hoàng Văn Lâu, Tập II, NXB Khoa học Xã hội, 1993, trang 396).
Mấy việc kể trên là chuyện đời xưa. Chứ đời nay thì khác xa rồi. Trong quyển “Thành ngữ, điển tích, danh nhân từ điển" của Trịnh Vân Thanh, NXB Văn học, 2008, có nhận xét: “Đây là một thành kiến rất xấu đối với nghề ca hát. Nhưng nay không còn nữa vì ca hát được xem là một nghệ thuật như các nghệ thuật khác” (Sđd, trang 1037). Các nghệ sĩ có tài nghệ cống hiến xuất sắc được nhà nước phong tặng chức danh “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”...
Thân mến chào em.
(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 1-2011)