Những món ăn Tây này thiệt là khó nuốt (ảnh chụp tại sân bay Doha, Qatar) - Ảnh: QUỲNH TRUNG
Mơ có con trai giống anh Tuyển
Chị Phượng nói có ba điều chị sẽ nhớ mãi về chuyến đi Nga vừa rồi, đó là: biết được mùa đông Matxcơva lạnh như thế nào, anh Tuyển được nhiều khán giả Nga khen ngợi, và cuối cùng cũng như quan trọng nhất, vui mừng khi mấy bác sĩ Nga khẳng định chị vẫn có khả năng sinh con.
Trước khi gặp chị Phượng, chưa bao giờ tôi nghĩ trên đời này có những người mắc những căn bệnh như thế. Thật khó tin. Khi lần đầu gặp chị Phượng, tôi thấy chị ấy rất tội nhưng cảm thấy khâm phục nhiều hơn vì dù bị bệnh chị vẫn chiến đấu với cuộc sống và sống vui vẻ, luôn lạc quan yêu đời. Một điều mà tôi khâm phục ở chị Phượng nữa chính là chị sẵn sàng chia sẻ căn bệnh, giao lưu với khán giả Nga. Tôi nghĩ những người bị bệnh như thế họ thường thui thủi ở nhà, không muốn gặp mặt ai. Khi nào có dịp ghé VN, tôi nhất định sẽ ghé thăm nhà vợ chồng chị Phượng. |
Sau buổi ghi hình ở trường quay kênh Russia-1, chị tươi cười nói với tôi: “Các bác sĩ ở VN nói tôi có khả năng sinh con bình thường. Các bác sĩ ở Nga cũng nói điều tương tự, khiến niềm vui của tôi nhân lên rất nhiều lần”. Tâm sự với tôi, chị Phượng mong muốn một đứa con khỏe mạnh và sẽ nuôi dạy con thật tốt, nhưng chị thích con trai hơn con gái với hi vọng con trai chị sau này sẽ có phẩm chất giống bố nó - chung thủy và thương yêu vợ hết mực.
Ước muốn có một mụn con thậm chí còn đi vào giấc mơ của chị. “Ngày nào tôi cũng suy nghĩ mình sắp mang thai. Nhiều khi chắc tại tôi suy nghĩ nhiều quá mà tối nằm mơ mình có em bé. Trong cơn mơ, tôi thấy mình cùng chồng đang chơi đùa với một bé trai khoảng 4-5 tuổi” - chị kể lại giấc mơ của mình cho tôi với ánh mắt đầy hi vọng.
Biết chị Phượng thích con nít, một đôi vợ chồng hàng xóm tốt bụng ngày nào cũng đưa con trai sang nhà anh chị chơi. Cậu bé tên Gia Bảo, một tuổi rưỡi, thường gọi anh Tuyển và chị Phượng là ba và má.
Mỗi khi nhìn thấy Gia Bảo, chị Phượng ôm hôn, nựng nịu, chăm sóc, và cho ăn như một bà mẹ trẻ giàu kinh nghiệm. Mà thật lạ dù không máu mủ ruột thịt, bé Gia Bảo tỏ ra rất quấn quýt với chị, có vẻ như bé cảm nhận được tình mẫu tử ấm áp của chị Phượng y hệt như mẹ ruột của mình. Thấy cảnh này, anh Tuyển buồn rầu nói: “Chúng tôi cũng tính kiếm một đứa con để vui nhà vui cửa nhưng bác sĩ nói Phượng đang điều trị bệnh và uống rất nhiều thuốc, nên sinh con thời điểm này không phù hợp vì sẽ ảnh hưởng không tốt đến đứa bé”.
Hài lòng với cuộc sống hiện tại
Chị nói mặc dù Matxcơva đẹp và sang trọng thật nhưng nếu ở đó luôn chị sẽ không bao giờ chịu vì chị đã quen với cuộc sống thôn dã. “Trong thời gian ở Nga, vui thì vui thiệt nhưng qua tới bển lại nhớ nhà. Đồ ăn cũng không hợp, thấy nhớ lắm món canh chua cá lóc” - chị giãi bày.
Hiện tại, chị đang sống bình yên cùng chồng và mẹ chồng tại một ngôi nhà nhỏ nằm trong một con hẻm yên tĩnh gần bến phà Rạch Miễu cũ, huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre. Đây là căn nhà do anh ruột anh Tuyển, đang buôn bán ở Campuchia, bỏ tiền ra xây và cho vợ chồng chị Phượng ở tạm. Nó rất khác với thời phải sống ở nơi đất khách quê người không người thân thích ở Bù Đốp, Bình Phước cách đây vài năm. Với chị Phượng, được chồng và mẹ chồng thương yêu đã là quá mãn nguyện rồi.
Vốn biết anh Tuyển là một người đàn ông chung thủy qua báo chí nhưng khi cùng ăn cùng ở với anh chị ba ngày ở Matxcơva, chứng kiến những cử chỉ quan tâm chăm sóc đầy yêu thương của anh, tôi càng nhận thấy rõ tình yêu đích thực của anh Tuyển dành cho người phụ nữ của mình. Điều này khiến tôi nhớ lại câu nói của nữ bác sĩ tâm lý Irina Obukhov ở trường quay kênh Russia-1: “Người ta vẫn thường cho rằng đàn ông chỉ yêu bằng mắt, nhưng tình yêu của anh Tuyển và chị Phượng đã chứng minh rằng tình yêu chân thật là xuất phát từ tâm hồn”.
Nhờ số tiền hỗ trợ gần 20 triệu đồng từ kênh Russia-1, chị Phượng khoe mới “tậu” được 100 “nhóc nhỏ và nhóc lớn” - đó là cách chị gọi trìu mến 80 con gà con và hơn chục con gà mái và ngỗng. Sắp tới chị cũng sẽ chăm sóc một đàn bồ câu giống 20 con sẽ nuôi trong mấy cái chuồng mà anh Tuyển đã làm sẵn để kiếm thêm thu nhập lo chi phí thuốc thang hằng tháng. Chị còn tự hào khoe ở xóm này chị là người nuôi gà vịt mát tay nhất vì dưới bàn tay chăm sóc của chị con nào cũng mập mạp.
Một ngày của chị Phượng bắt đầu từ 5g30 sáng dọn dẹp quét nhà, rửa chén và chùi rửa các máng gà, sau đó đi chợ nấu nướng cho gia đình và mua thức ăn cho gà vịt, kế đến là giặt giũ quần áo. Trưa đợi anh Tuyển đi làm về và ăn cùng chồng. Anh Tuyển hiện đang làm thợ mộc ở địa phương với nguồn thu nhập bấp bênh, mỗi tháng khoảng 2,5 triệu đồng.
Trước khi tạm biệt chúng tôi ra về, chị có nhắn: “Khi nào con tôi đầy tháng, mọi người xuống dự tiệc chung vui với gia đình tôi nhé... À quên, phải dự tiệc đám cưới của chúng tôi trước chứ” rồi cười thật to.
Năm nay chị Phượng 28 tuổi, tôi không biết chị phải đợi bao lâu nữa để có thể trở thành một người vợ, người mẹ đúng nghĩa. Nhưng nhìn ánh mắt đầy hi vọng và tràn đầy nghị lực của chị, tôi tin tưởng rằng chắc chắn khao khát của chị sẽ trở thành hiện thực vì “ở hiền sẽ gặp lành”, ông trời không bao giờ lấy hết của ai cái gì bởi vì luôn có một người đàn ông bên cạnh chăm sóc và yêu thương chị.
Theo QUỲNH TRUNG (TTO)