Một trẻ được tiêm phòng văcxin Quinvaxem hôm 5-11 - Ảnh: Thúy Anh
Đưa văcxin là đưa kháng nguyên vào cơ thể, để kích thích cơ thể tạo ra kháng thể phòng bệnh theo ý muốn, dĩ nhiên sẽ gây ra tác dụng không mong muốn như dị ứng, sốt, nổi ban, tiêu chảy.
Văcxin nào cũng có tác dụng không mong muốn
Phần lớn tác dụng không mong muốn này có tỉ lệ thấp, không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng người dùng nên được coi là an toàn. Ngoài ra, mỗi loại văcxin còn có một số tác dụng không mong muốn riêng. Chẳng hạn khi dùng văcxin bại liệt uống Sabin, virút có thể đến được hệ thần kinh trung ương gây liệt, tuy vô cùng hiếm, thường chỉ xảy ra ở người trên 30 tuổi.
Bên cạnh đó, văcxin bại liệt uống Sabin cũng có chống chỉ định: không được dùng cho người có bệnh bạch cầu u lympho, các bệnh ác tính toàn thân khác, các bệnh suy giảm hay không có miễn dịch tế bào, đang dùng các thuốc ức chế miễn dịch; hoặc có khuyến cáo hoãn dùng với người sốt cao, bệnh mãn tính nặng, nhiễm khuẩn cấp kèm sốt...
Bây giờ dân trí cao, phải nói rõ với người dân các tác dụng không mong muốn khi tiêm ngừa để tự họ cân nhắc. Đáng tiếc là ta không nói hoặc nói không kỹ, tạo cho người dân ý nghĩ dùng văcxin là an toàn 100%, thiếu cảnh giác dẫn tới dùng văcxin vào những trường hợp chống chỉ định hoặc hoãn dùng, từ đó xảy ra tai biến, khi xảy ra tai biến thì hoang mang.
Tùy theo mô hình bệnh tật, khả năng kinh tế, mỗi quốc gia sẽ chọn một số loại văcxin đưa vào diện tiêm chủng mở rộng. Ngoài ra phải chọn loại có hiệu lực nhưng có giá vừa phải để ngân sách có thể chịu đựng được. Văcxin không đưa vào danh sách tiêm chủng mở rộng, nếu muốn dùng phải bỏ tiền ra mua thì gọi là văcxin dịch vụ. Cũng có văcxin nằm trong danh sách tiêm chủng mở rộng nhưng giá cao, không thể đưa vào danh sách tiêm chủng mở rộng mà phải đưa vào diện văcxin dịch vụ.
Khi nghi ngờ chưa sáng tỏ
Quinvaxem do Hàn Quốc sản xuất nhưng chính Hàn Quốc và một số nước không dùng! Hiển nhiên các nước không dùng Quinvaxem không thuần túy chỉ vì giàu mà vì họ còn muốn có một văcxin ít tác dụng không mong muốn hơn, ít rủi ro hơn. Văcxin là thuốc, theo nguyên tắc lâu nay ta vẫn áp dụng là chỉ nhập loại thuốc mà nước sở tại đang lưu hành. Thí dụ ta ngừng nhập Terneurine của Pháp khi Pháp ngừng lưu hành Terneurine vì tác dụng dược lý không rõ. Ta nhập Quinvaxem khi chính Hàn Quốc không còn dùng đã gây ra nhiều suy nghĩ.
Các cơ quan chức năng chưa tìm được nguyên nhân tai biến nặng tử vong sau tiêm Quinvaxem trước đó có nghĩa là chưa có bằng chứng cho rằng Quinvaxem kém chất lượng, nhưng ngược lại cũng chưa chứng minh được Quinvaxem tốt, nghĩa là Quinvaxem vẫn “trong diện nghi ngờ”. Do vậy, việc dùng Quinvaxem sẽ có nhiều bất lợi: sẽ có một bộ phận người dân không muốn cho con đi tiêm, làm tỉ lệ tiêm chủng mở rộng bị hạ xuống; một số người dân có điều kiện kinh tế hoặc vì quá lo lắng sẽ chuyển sang dùng loại văcxin dịch vụ (vừa tốn kém cho họ, vừa gây ra những so sánh không cần thiết). Nên chăng, cần nghĩ đến một loại văcxin tương đương. Có thể văcxin tương đương ấy giá sẽ cao hơn vài chục phần trăm, Nhà nước có tốn kém thêm nhưng cũng không quá lớn mà lại tạo được niềm tin vào chương trình tiêm chủng mở rộng, tránh các bất lợi nói trên.
Một loại thuốc, trong quá trình theo dõi dùng, nếu phát hiện tác dụng không mong muốn hay tai biến nghiêm trọng buộc phải ngừng hay loại ra khỏi thị trường là bình thường. Thí dụ: Pháp cho dùng thuốc tiểu đường Mediator trong 33 năm (1976-2009), cho dùng thuốc tránh thai Dian-35 trong 26 năm (1987-2013) nhưng sau đó đình chỉ lưu hành. Cũng có khi chỉ vì có yêu cầu phục vụ cao hơn người ta không dùng thuốc cũ mà dùng thuốc mới. Chẳng hạn ngày nay các nước không còn dùng văcxin dại thế hệ 1 mà chuyển sang dùng văcxin dại thế hệ 2 và 3.
Việc ngừng dùng Quinvaxem sáu tháng trước đây hoặc nếu sau này không dùng Quinvaxem nữa cũng không có gì đáng ngại, nhất là khi những nghi ngờ về nó chưa được và chắc chắn sẽ khó được làm sáng tỏ!
Tiêm chủng mở rộng ở nước ta có 10 loại văcxin, có loại tiêm 1 lần nhưng có loại phải đến 3-4 lần mới hiệu quả, có loại hiệu lực suốt đời nhưng có loại sau mỗi chu kỳ (3-5 năm) phải dùng nhắc lại. Nếu dùng toàn văcxin đơn thì hằng năm Nhà nước phải tốn công tổ chức nhiều đợt tiêm, bà mẹ quanh năm chỉ lo mỗi việc bế con đi tiêm! Do đó, người ta bào chế các loại văcxin kép chứa 3-4-5-6 văcxin. Giá của văcxin kép cao hơn giá mỗi loại văcxin đơn, song nếu cộng giá của các văcxin đơn lại cũng không chênh lệch quá lớn mà tiện hơn nhiều. |
Theo DSCKII BÙI VĂN UY (TTO)