Có nên cho phép tổ chức đám tang, đám cưới ở vỉa hè, lòng đường?

(PLO)- Nhiều ý kiến góp ý của bạn đọc cho rằng không nên cho phép tổ chức đám tang, đám cưới ở vỉa hè, lòng đường để đảm bảo an toàn giao thông cũng như giữ gìn văn minh đô thị.

Trên PLO ngày 24-11 có bài “Người dân sẽ được phép tổ chức đám tang, đám cưới ở vỉa hè, lòng đường?”. Bài viết nêu: Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (có hiệu lực từ ngày 1-1-2025) có quy định về việc sử dụng lòng đường, vỉa hè. Bộ GTVT được giao trình Chính phủ quy định chi tiết về việc sử dụng lòng đường, vỉa hè ngoài mục đích giao thông đường bộ.

Hiện nay Bộ GTVT đang lấy ý kiến các bộ, ngành về nội dung trên. Trong đó, Bộ GTVT đề xuất Chính phủ quy định tổ chức, cá nhân được sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè phục vụ một số hoạt động nhưng phải xin phép.

Sau khi bài viết đăng, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến góp ý. Chúng tôi xin trích dẫn một số ý kiến góp ý của bạn đọc về nội dung này .

Một trường hợp người dân tổ chức tiệc cưới lấn hết cả hẻm. Ảnh: L.THY

Cho phép với tuyến đường lớn?

Toan Pham góp ý đối với đám tang chỉ cho sử dụng lòng 1/3 lòng đường nếu đường rộng trên 8 m, còn đường rộng dưới 8 m thì không được phép lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Đối với đám cưới, hỏi, lễ tiệc thì tuyệt đối không được lấn chiếm, sử dụng vỉa hè, lòng đường.

“Dân ta phần lớn ý thức cộng đồng chưa tốt, nên đưa các quy định vào luật để xử lý nghiêm minh, tập dần thói quen tự giác ý thức chung vì cộng đồng”- BĐ Toan Pham

Nam Nguyen cũng đồng ý đề xuất cho phép sử dụng vỉa hè, lòng đường tổ chức đám ma, đám cưới nhưng việc cấp phép nên giao cho xã, phường cấp. Cạnh đó, chủ nhà cũng phải cam kết đảm bảo an toàn giao thông, có biển cảnh báo cả ban ngày và ban đêm để đảm bảo an toàn cho người dân khi lưu thông qua đây.

Đồng tình, BĐ Cường cũng ủng hộ việc cho phép và đề nghị chủ nhà phải thực hiện đúng diện tích xin phép sử dụng. Bên cạnh đó, chủ nhà cũng phải trả phí để cơ quan chức năng cử người điều tiết giao thông trong khoảng thời gian xin phép sử dụng vỉa hè, lòng đường.

“Chỉ nên cho phép sử dụng vỉa hè và 1/3 mặt đường dựng rạp phục vụ tang lễ vì đám tang có quy mô nhỏ. Đối với đám cưới nên cấm vì đám cưới cần không gian rộng rãi, nên tổ chức tại các trung tâm tiệc cưới”- BĐ Quốc Xuân góp ý.

Tương tự, BĐ Thiện Nguyễn Công cũng cho rằng chỉ cho phép sử dụng lòng đường, vỉa hè đối với đám ma, đám giỗ, bởi đây là lúc tang gia bối rối, vả lại nếu mượn địa điểm tổ chức cũng không ai cho. Đối với các sự kiện khác thì người dân phải thuê dịch vụ, nhất là đám cưới.

Tanh Anh cho rằng cần có quy định cụ thể về thời gian cho phép.

Không nên cho dựng rạp ngoài đường, còn nếu cho phép thì không cần phải xin phép. Cơ quan quản lý chỉ nên quy định chung đảm bảo an toàn giao thông, an toàn cho người sử dụng - hậu kiểm, như vậy đảm bảo khách quan bỏ được việc xin - cho.

Bạn đọc Duongvancat viết

Mất an toàn giao thông

Bạn đọc (BĐ) Viductdtbg viết: Bao nhiêu năm nay chúng ta phấn đấu xây dựng một đất nước văn minh, hiện đại, đô thị thông minh, xóa bỏ các hoạt động nhếch nhác kiểu “đầu đường đám ma cuối đường đám cưới”. Cạnh đó là xóa bỏ các hoạt động lấn chiếm lòng đường, vỉa hè nhằm mục đích xây dựng một nền văn hóa văn minh lịch sự, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của nước nhà.

Chúng ta có hệ thống nhà văn hoá, hệ thống nhà hàng khách sạn, hệ thống nhà tang lễ phục vụ mọi nhu cầu của nhân dân đảm bảo an ninh trật tự. Vì vậy, không có lý do gì để quay trở lại với cách tổ chức nhếch nhác trên, vừa tốn kém tiền của và con người, không đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. “Tôi đề nghị bỏ đề xuất này”- bạn đọc Viductdtbg đề xuất.

Tương tự, bạn đọc nhatluyen76 nêu thực tế: Xóm nào, khu phố nào cũng có nhà văn hoá và các khu đất công cộng để cho người dân tổ chức đám cưới, đám hiếu để đỡ chi phí cho gia đình và gắn kết tình cảm cộng đồng, gắn kết người dân với chính quyền. Hiện nay rất nhiều tài sản của công cộng như nhà văn hoá, sân bóng... đang bị sử dụng sai mục đích như cho thuê làm phòng tập gym, quán xá... Trong khi đó việc tổ chức các sự kiện của gia đình rất khó khăn

“Theo ý kiến cá nhân tôi thì tuyệt đối không được cho phép dựng rạp ngoài đường gây mất an toàn giao thông. Nhà có tiệc lớn thì có thể thuê mướn sảnh, tiệc nhỏ thì ra quán ăn. Đối với đám tang, nếu nhà không có chỗ thì tùy vào tôn giáo nên vào nhà thờ hoặc chùa, những nơi này đều có nhà tang lễ. Đối đế lắm thì quy định chỉ được phép tổ chức lấn chiếm 1/3 lòng, lề đường để xe cộ còn qua lại. Tôi gặp nhiều trường hợp dựng rạp choán hết cả lòng đường rồi để bảng yêu cầu người dân phải đi lối khác vòng vèo xa hơn”- BĐ Piranha đề xuất.

Siscoltk mong luật nên cấm tất cả các trường hợp sử dụng lòng lề đường, kể cả đám ma hay đám cưới, để xã hội văn minh.

BĐ Vienkhanhluong lo ngại nếu cho phép dựng rạp trên đường giao thông dễ xảy ra tai nạn nếu người dân chạy ẩu thì hậu quả sẽ khó lường.

Luật sư Trần Văn Giới, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ 2008 (có hiệu lực hiện hành), về nguyên tắc chung, lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông, đối các hoạt động khác trên đường phố phải thực hiện theo đúng các quy định liên quan hoặc được sự đồng ý, thống nhất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Việc dựng rạp đám cưới, đám ma dưới lòng đường là không được phép. Tuy nhiên pháp luật hiện hành, cụ thể là quy định tại Điều 25a Nghị định số 11/2010 quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vẫn cho phép sử dụng tạm thời một phần hè phố (vỉa hè) phục vụ cho các hoạt động sau: Tổ chức đám tang và điểm trông, giữ xe phục vụ đám tang của hộ gia đình; Thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48 giờ, trường hợp đặc biệt không được quá 72 giờ; Tổ chức đám cưới và điểm trông, giữ xe phục vụ đám cưới của hộ gia đình; Thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48 giờ;

Việc sử dụng một phần hè phố cho các mục đích nêu trên phải đáp ứng được các điều kiện sau: Không được gây mất trật tự, an toàn giao thông; Phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu đạt 1,5 m; Hè phố có kết cấu chịu lực phù hợp với trường hợp được phép sử dụng tạm thời.

Ngoài ra, để sử dụng hè phố cho các mục đích nêu trên, hộ gia đình phải thông báo với UBND phường, xã sở tại trước khi sử dụng.

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2025) có quy định về việc sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè cho mục đích khác không phải giao thông, đồng thời trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật, Bộ GTVT đang có đề xuất cho phép người dân được phép sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè của một số tuyến đường cho các mục đích cụ thể như tổ chức đám cưới, đám tang; hoặc trông giữ phương tiện tham gia giao thông với phạm vi sử dụng rộng hơn so với các quy định cũ.

"Trong bối cảnh giao thông và đô thị ở Việt Nam như hiện nay, việc cho phép sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè cho các mục đích như tổ chức đám cưới, đám ma là hợp lý, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân. Tuy nhiên, khi xây dựng các quy định liên quan, ngoài việc đáp ứng được nhu cầu cần thiết của người dân cũng phải chú trọng tới việc đảm bảo việc sử dụng không làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông và kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ" - Luật sư Trần Văn Giới nói. THY NHUNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới