Xử lý nghiêm để làm gương
* Ông CÁP VĂN PHƯƠNG (viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Chư Sê):
Sự việc cháu S. bị bắt trói tại siêu thị là vụ việc chấn động, được dư luận tại tỉnh Gia Lai quan tâm. Ở góc độ quản lý, lãnh đạo tỉnh, Công an tỉnh và các đơn vị liên quan yêu cầu làm rõ sự việc này. Hai đơn vị gồm Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra đã nhiều lần ngồi lại với nhau để đánh giá hết các góc cạnh của vấn đề, nên khởi tố hay không khởi tố. Trên cơ sở các chứng cứ thu thập được, chúng tôi đi đến quyết định là đưa ra khởi tố vụ án theo điều 123 Bộ luật hình sự về tội bắt giữ người trái pháp luật.
Quan điểm của chúng tôi là dù áp lực lớn nhưng phải củng cố chắc chắn hồ sơ, xem xét hết các khía cạnh, tình tiết để truy tố đúng người đúng tội, tránh oan sai. Có tội thì phải xử và xử lý nghiêm, còn sau này mức độ như thế nào sẽ được xem xét. Sau khi bắt tạm giam, gia đình có thể làm đơn gửi cơ quan điều tra, nếu thấy chính đáng, tùy theo hoàn cảnh sự việc, chúng tôi sẽ nghiên cứu cho tại ngoại hay không.
* Đại tá VŨ VĂN LÂU (phó giám đốc - thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai):
Sự việc của cháu S. không phải là vụ án quá nghiêm trọng nhưng lại gây chú ý đặc biệt của dư luận, tỉnh chỉ đạo phải xử lý nghiêm. Yếu tố chính của sự việc này là hành động tung ảnh cháu S. bị trói lên Facebook, khiến dư luận hết sức bức xúc. Nếu điều này xảy ra với một người lớn tuổi thì có thể tình huống sẽ khác, nhưng đây là cháu bé mới học lớp 7, ảnh hưởng lớn về mặt tâm lý nên Công an tỉnh và Viện kiểm sát quyết tâm xử lý nghiêm.
* Đại tá VÕ ĐÌNH BÍNH (trưởng Công an huyện Chư Sê, Gia Lai):
Chúng tôi họp để bàn vụ việc này rất nhiều lần, kể cả Công an tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh cũng ngồi lại để cùng đánh giá. Các cơ quan xác định bốn nhân viên siêu thị Vĩ Yên có cái sai, buộc phải xử lý. Làm vụ này nhưng cũng là để răn đe các vụ khác.
“Nghiêm trị” không chỉ là xử lý hình sự
* Luật sư TRẦN THỊ MIỀN (Đoàn luật sư TP.HCM):
Đành rằng em S. có sai phạm khi trộm cắp hai quyển sách ở siêu thị Vĩ Yên, nhưng dư luận lại rất bức xúc trước việc bốn nhân viên siêu thị bắt giữ và bêu xấu em này trên mạng Internet. Điều gây phẫn nộ nhất chính là việc nhóm nhân viên đã đeo vào ngực S. tờ giấy in dòng chữ “Tôi là người ăn trộm”.
Từ đó, có nhiều ý kiến đề nghị phải xử lý nghiêm những người liên can và đa số đều tập trung mũi dùi vào các nhân viên siêu thị đã có hành vi làm nhục S.. Thế nhưng, tội làm nhục người khác chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại, trong vụ này thì cha mẹ của S. lại “không muốn làm lớn chuyện”. Tôi đang tự hỏi phải chăng không thể xử lý tội làm nhục người khác nên công an huyện chuyển sang xử lý tội bắt giữ người trái pháp luật để xoa dịu dư luận?
Trước hết phải lưu ý một nguyên tắc: “nghiêm minh” hay “nghiêm trị” không đồng nghĩa với việc xử lý cho thật nặng mà là phải xử lý đúng mức theo pháp luật. Có nghĩa là vi phạm nặng thì xử lý nặng, vi phạm nhẹ thì xử lý nhẹ.
Trên thực tế, hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật diễn ra rất đa dạng, tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội cũng khác nhau. Các cơ quan pháp luật thường chỉ xử lý hình sự nếu xét thấy tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội, ngược lại thì chỉ xử lý bằng các biện pháp khác.
Cụ thể trong vụ em S., nhóm nhân viên siêu thị cùng nhau trói, dùng băng keo bó chặt hai tay em S. vào lan can sắt trong một khoảng thời gian ngắn tại chính nơi S. phạm lỗi. Với hành vi như vậy, việc đánh giá tuy không dễ thống nhất do pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể nhưng vẫn phải thấy rằng cái gọi là bắt giữ S. của nhóm nhân viên xem ra không nghiêm trọng lắm, liệu có cần phải sử dụng đến hình thức chế tài nặng nhất là truy cứu trách nhiệm hình sự?
Cũng cần phải nhắc lại rằng theo điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự, các bị can trong vụ án bắt trói em S. thuộc phạm tội ít nghiêm trọng và không có căn cứ để khẳng định họ có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hay tiếp tục phạm tội. Vậy có nhất thiết phải tạm giam họ không?
* Thẩm phán VŨ PHI LONG (phó chánh tòa hình sự, Tòa án nhân dân TP.HCM):
Theo tôi, việc cơ quan điều tra khởi tố hành vi bắt giữ người trái pháp luật đối với nhóm nhân viên siêu thị bắt trói em S. là đúng. Trong trường hợp này, cháu bé không những bị bắt giữ trái phép, lại còn bị làm nhục khi phải đeo tấm biển trước ngực để mọi người nhìn thấy. Đặc biệt, hành vi của nhóm nhân viên siêu thị có tình tiết tăng nặng bởi đối tượng bị bắt giữ là trẻ em. Đây là vụ việc được dư luận quan tâm, nếu cơ quan điều tra không khởi tố mà xảy ra những việc khác tương tự thì rất nguy hiểm. Pháp luật vừa để giáo dục, nhưng cũng cần phải răn đe. Chúng ta không cổ xúy cho hành vi ăn cắp, nhưng cũng không bảo vệ hành vi xúc phạm nhân phẩm danh dự một con người, nhất là trẻ em.
Tôi nghĩ cơ quan điều tra và cả viện kiểm sát cùng cấp cũng đã cân nhắc, xem xét trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng việc bắt tạm giam có thể hơi nặng bởi những bị can này không có dấu hiệu bỏ trốn hoặc gây nguy hiểm cho xã hội.
THÁI BÁ DŨNG - H.ĐIỆP ghi
Bạn đọc nói gì? Trong ngày hôm qua 26-4, có trên 100 bạn đọc gửi thư về Tuổi Trẻ đề cập đến vụ khởi tố, tạm giam các nhân viên siêu thị Vĩ Yên. Ý kiến của bạn đọc chia làm hai luồng khác biệt. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng cần phải xử lý thật nghiêm các nhân viên siêu thị. “Hậu quả lớn nhất của vụ này là làm tổn hại nghiêm trọng đến tinh thần và tâm lý của cháu bé, cho nên cần răn đe là nhằm ngăn chặn những hành vi tương tự” - bạn đọc Nguyễn Phạm Kiên Trung (kientrungvn@...) nhấn mạnh. Bạn đọc Khánh Dung (khactoan@...) cũng viết: “Khởi tố vụ án, điều tra những người bắt trói cháu nhỏ lỡ lấy trộm hai cuốn sách là việc nên làm, cần làm kịp thời. Đó là bài học cho các bậc làm anh làm chị. Không ai bao che cho cháu bé về việc làm không tốt đó, nhưng luật pháp không cho phép bất cứ ai ứng xử như vậy với các cháu nhỏ”. Luồng ý kiến thứ hai lại tỏ ý không đồng tình với cách làm của các cơ quan bảo vệ pháp luật của huyện Chư Sê. “Cách giáo dục và cách trừng phạt một con người khi phạm tội không phải lúc nào cũng bằng hình thức tù đày. Tôi nghĩ bốn nhân viên siêu thị có tội. Nhưng chúng ta cần xem trình độ nhận thức của họ thế nào. Đừng vì áp lực này nọ mà làm khổ thêm bốn con người khác” - Lê Dũng Sỹ (ldsy.gli@...) bày tỏ quan điểm. Bạn đọc Trần Vũ (tran_vu1134@...) viết: “Tôi không ủng hộ các hành vi xử lý của nhân viên siêu thị nhưng tôi cũng không ủng hộ việc cơ quan pháp luật thực hiện bắt tạm giam các nhân viên này. Chúng ta cần xử lý như thế nào để có tính giáo dục, không nên thực thi pháp luật một cách cảm tính”. TÒA SOẠN |
Nên rộng lòng tha thứ Cơ quan Công an huyện Chư Sê (Gia Lai) vừa ký quyết định khởi tố và thực hiện lệnh tạm giam đối với bốn nhân viên siêu thị Vĩ Yên. Đây là những người từng trói một em gái 14 tuổi về tội ăn trộm sách, rồi sau đó chụp hình bêu xấu em gái này trên Facebook. Xét về lý, có lẽ cơ quan công an không sai. Nhưng nếu nhìn nhận sự việc dưới con mắt nhân văn hơn thì hình như chưa ổn. Không ai chấp nhận hành vi tùy tiện trói người, lăng nhục trẻ thơ. Nhưng cũng không nên cứng nhắc thái quá, phải biết đánh giá vấn đề một cách linh hoạt để có đối sách với từng trường hợp cụ thể. Giá như các đối tượng bắt bé gái là những tên côn đồ hoặc những kẻ lưu manh chuyên nghiệp thì không cần phải bàn luận. Đằng này, bốn nhân viên siêu thị nêu trên đều là người lao động lương thiện, chẳng qua chỉ chút nông nổi và thiếu hiểu biết pháp luật mà gây nên sai phạm, liệu có mạnh tay quá không khi đưa họ vào vòng lao lý? Suy cho cùng, những ngày qua, các nhân viên siêu thị dính líu đến vụ bắt giữ bé gái đã nếm đủ mùi búa rìu của dư luận. Họ cũng nhận thức được việc làm sai trái của mình và tự đến xin lỗi nạn nhân. Với những người biết hối cải thì giáo dục để cảm hóa vẫn là thượng sách. Bản chất của pháp luật chân chính là tôn nghiêm nhưng rộng lượng, cái nào cần xử thì xử, điều nào tha được thì nên tha. Bắt nhốt ai đó là chuyện chẳng đặng đừng. Dẫu nói kiểu gì thì nhà tù vẫn là chỗ “nhất nhật tại ngục, ngàn thu tại ngoại”. Một con người bình thường, vào tù không chỉ đơn giản là mất tự do, mà có khi còn là nỗi đau giày vò suốt cả cuộc đời, đồng thời gây tác động tâm lý không đơn giản đến những người thân trong gia đình, chưa kể xã hội cũng chẳng đẹp hơn khi có người vào tù ra tội. Chính bởi điều này, những người am hiểu pháp luật luôn khuyến cáo các nhà cầm cân nảy mực cần hết sức cân đo đong đếm trước khi hạ bút ký vào các quyết định có liên quan tới số phận con người. Pháp luật không phải chỉ là cái còng cứng nhắc. Pháp luật là công cụ của con người, do con người điều hành. Chỉ có con người mới biết rõ những quy định về ranh giới giữa có tội hay không có tội. Trong trường hợp cụ thể của các nhân viên siêu thị Vĩ Yên, cái ranh giới ấy có vẻ như rất nhỏ, rất nhạy cảm, phải thật sự tinh tế mới có thể phân biệt được cái ranh giới mong manh này. LÊ THANH TÂM |
Theo Tuổi trẻ