Ở Sài Gòn, có lẽ việc bỏ rơi một ai đó, bỏ lại những mảnh đời cùng khổ ở phía sau lưng là điều khó xảy ra. Sài Gòn, một lần nữa đã dang tay đón họ - người bán vé số, người lang thang, người có hoàn cảnh khó khăn đó một lần nữa giữa mùa dịch COVID-19.
Hạnh phúc vỡ òa khi được sẻ chia
Tôi gặp cô Trần Thị Phương (60 tuổi) vào buổi tối cuối tháng 3, ngày mà Thủ tướng ban hành chỉ thị thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1-4 trên phạm vi toàn quốc.
Trải tấm bạt nylon tạm bợ, cô Phương ngồi khép nép trên góc đường Hai Bà Trưng, đoạn gần giao với đường Võ Thị Sáu. Vừa thấy một chiếc xe giảm tốc độ, trên xe có treo nhiều phần quà, cô liền phản xạ: “Con ơi có gì không, cho cô với…”.
Chiếc xe máy dừng lại, họ gửi cô phần bánh mì kèm hai hộp sữa. Cô Phương gói ghém phần thức ăn vào một cái túi giấy rồi ôm chặt trước ngực.
Hằng ngày, cô Phương vừa đi nhặt ve chai vừa bán vé số để kiếm tiền nuôi ba đứa cháu nhỏ. Người con trai bị bệnh nặng sau một lần tai nạn cũng chỉ biết dựa vào cô để sống qua ngày. Tối 31-3, cũng là ngày cuối cùng cô đi bán vé số… Chiều hôm đó, sau khi trả xấp vé số cho chủ đại lý, cô Phương ra vỉa hè ngồi từ sớm để “tranh thủ” kiếm thêm vài đồng bạc lẻ, mấy ổ bánh mì, hộp sữa…
"Còn thế nào cho được, hạnh phúc lắm con”, cô Phương reo lên trong điện thoại khi nghe tin TP sẽ hỗ trợ cho người bán vé số. ẢNH: THANH TUYỀN
Khác với những người cùng ngồi trên vỉa hè tối hôm đó, cô Phương có một căn phòng trọ để về. Cô nói về căn phòng trọ của mình theo cái cách đáng lẽ cô không nên thuê phòng để ở.
“Giá mà chỉ có mình cô thôi thì vỉa hè là nhà cho đỡ tiền thuê trọ. Đằng này còn cháu, còn con nữa nên buộc phải thế. Ai lại kéo cả gia đình ra vỉa hè mà ngồi, coi sao được hả con” - cô nhìn xa xăm.
Tính cả việc bán vé số, mỗi ngày cô Phương chỉ kiếm được hơn 200.000 đồng. Ngừng bán vé số, đồng nghĩa với việc cô phải năn nỉ chủ nhà cho trả tiền trọ trễ so vời thời gian quy định. Lúc con trai bị tai nạn, cô phải chạy vạy để có tiền trang trải viện phí. Mỗi ngày, cô phải trả cho chủ nợ 300.000 đồng mới được yên ổn.
Khi hỏi về dịch COVID-19, cô Phương bảo vì nó mà cô phải ngưng bán vé số, lượng ve chai nhặt được cũng ít đi vì hàng quán đã đóng cửa. Chiếc khẩu trang mà cô đang đeo cũng do người ta mang đến tặng. “Họ bảo đeo vào để cùng chống dịch với thành phố. Tui thấy nên làm như thế nên đeo miết nè” - cô cười nói.
Cô Phương bảo, những ngày vừa qua, cô sống dựa vào sự sẻ chia của mọi người. Vài chiếc khẩu trang, mấy gói bánh, hộp sữa của những người xa lạ giữa thành phố này đã dìu cô đi qua những ngày đầu mùa dịch.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà (60 tuổi) chỉ ở một mình trong dãy phòng trọ nhỏ ở phường Linh Tây (quận Thủ Đức). Bà không còn ai thân thích, sống một mình như thế đã bao năm nay, tự nuôi thân bằng tiền bán những tấm vé số mỗi ngày.
Ngày 1-4, dịch vụ xổ số kiến thiết tạm ngừng vì dịch COVID-19, bà Hà không biết làm gì hơn, chỉ quanh quẩn trong căn phòng trọ. Hôm trước, phường hỗ trợ cho bà một phần quà nhỏ gồm 10 kg gạo, một thùng mì tôm, nước tương, dầu ăn…
“Một thùng mì tôi có thể ăn sáng được trong hai tuần đó cô. Cảm ơn mọi người nhiều lắm luôn, coi như yên tâm ở nhà chống dịch như mọi người” - bà Hà cười tươi.
Bà còn nói thêm: “Tôi có thể yên tâm không đói vì có thùng mì tôm rồi. Mấy nay tôi hay bỏ bữa vì sợ tốn tiền”.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà đã rất vui khi được chính quyền TP hỗ trợ 750.000 đồng/người bán vé số khi bà không thể đi bán như mọi ngày vì dịch. ẢNH: THANH TUYỀN
Ngày TP.HCM có quyết định hỗ trợ 750.000 đồng/người cho người bán vé số, hỏi cô Phương thấy như thế nào. “Còn thế nào cho được, hạnh phúc lắm con”, cô reo lên trong điện thoại.
Còn bà Thu Hà thì cười: “Vui quá luôn, coi như tạm lo cơm áo gạo tiền trong vài ngày. Yên tâm hơn mà ở nhà chống dịch rồi. Hạnh phúc quá, trong những lúc cảm thấy tuyệt vọng thì lại có người này người kia giúp đỡ. Quan trọng hơn là mấy chú lãnh đạo dành sự quan tâm tới người nghèo như chúng tôi”.
Ấm lòng khi có nơi ăn chốn ở mùa dịch
Ngày 2-4, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm chỉ đạo các quận, huyện kiểm tra, rà soát địa bàn để tập trung hết các đối tượng là người ăn xin, lang thang không nơi cư trú ổn định đưa vào trung tâm hỗ trợ xã hội, Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần (đối với trường hợp có biểu hiện tâm thần) thuộc Sở LD-TB&XH để phân loại, chăm sóc, quản lý theo quy định nhằm đảm bảo sức khỏe của họ trong mùa dịch.
Trước mái hiên của một cửa hàng trên đường Võ Thị Sáu, khi nghe tôi nói đến thông tin này, vẻ mặt chú Nguyễn Đắc Vinh (quê ở Tây Ninh) tươi hẳn lên. “Thế thì tốt quá rồi, thật là may” - chú thốt lên.
Chiếc khẩu trang chú Vinh và vợ đang đeo được một vài nhóm bạn trẻ gửi tặng. Hai vợ chồng chú giặt đi giặt lại nhiều lần để tiết kiệm. “Chừng nào hết dùng được, tôi vô trong mấy cửa hàng mua thêm để đeo. Tôi cũng biết đang mùa dịch mà, mình phải tuân thủ” - chú Vinh nói, như thể khẳng định tinh thần chống dịch của mình.
Vợ chồng chú Vinh cảm thấy ấm lòng khi có một nơi chốn để ở trong mùa dịch. ẢNH: THANH TUYỀN
Vợ chồng chú Vinh dắt nhau lên thành phố kiếm sống cũng gần bảy năm. Chừng đó thời gian, hai vợ chồng chú lấy vỉa hè làm nhà. Lúc chưa có dịch bệnh, cô chú thường ngủ ngoài Công viên Lê Văn Tám. Chỗ tắm rửa quen thuộc của hai vợ chồng là nhà vệ sinh ở chợ Tân Định với giá 7.000 đồng/lần tắm; giặt đồ thì trả thêm 3.000 đồng lượt.
Hơn cả tháng nay, dịch bệnh phức tạp nên người ta bảo không được ở công viên nhiều nữa để tránh lây bệnh. Hai vợ chồng chú đêm đến dắt nhau đi kiếm mái hiên gần công viên để nằm.
“Tôi có nghe người ta bảo dịch đang phức tạp nên phải ở nhà. Nhưng thật lòng, chúng tôi không có nhà nên phải nằm lề đường. Cả hai vợ chồng đều lo lắng vì sợ mình không may nhiễm dịch, không biết chừng lại lây cho người khác thì làm sao” - chú Vinh nói.
Mọi ngày, cả hai cô chú đều ra tiệm cơm 2.000 đồng ở đường Cống Quỳnh để ăn cho tiết kiệm. Mấy hôm nay, quán đóng cửa vì dịch bệnh, cô chú đành nhịn đói.
“Tôi mong lắm có một nơi để ở tạm trong những ngày này. Tôi cũng hiểu việc ở ngoài đường những ngày này là không tốt. Thật sự không biết nói sao nhưng lòng tôi nhẹ nhõm hẳn khi nghe bảo sẽ cho chúng tôi vào trung tâm xã hội” - chú nói.
Vợ chồng chú Vinh hỏi đi hỏi lại rằng có đúng người ăn xin, lang thang không nơi cư trú ổn định sẽ được đưa vào trung tâm hỗ trợ xã hội cho đến khi hết mùa dịch hay không. “Mùa dịch mà có nơi ăn chốn ở là ấm lòng lắm cô à, không mong gì hơn” - chú Vinh nói.
Trạm xe buýt ở góc đường Võ Thị Sáu có một người đàn ông nằm co ro trên dãy ghế chờ. Đó là nơi ở quen thuộc của người đàn ông chỉ 45 tuổi nhưng gương mặt và dáng vẻ khắc khổ so với tuổi. Chú tên Hiền, cha mẹ mất sớm, gia đình nghèo khó nên anh em mỗi người một hoàn cảnh. Chú đưa con gái là Bá Thi (15 tuổi, nghỉ học từ lớp 7) lên TP.HCM nhặt ve chai.
Mỗi ngày, hai cha con đi khắp nơi nhặt ve chai, kiếm được 70.000-100.000 đồng. Từ ngày dịch bùng lên, số vé chai kiếm được ít dần, thức ăn cũng không đủ ngày ba bữa. Không đủ, vì lâu nay hai cha con chú chỉ ăn cơm từ thiện, không mua cơm ngoài.
“Có chỗ nào đó để mình ở tạm, không đi đâu trong mùa này sẽ tốt hơn phải không ba?” - Bá Thi vừa xếp mấy chiếc khẩu trang vừa được cho, vừa nói bâng quơ.
Khi nghe tin sẽ được sắp xếp đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội, chú Hiền bất ngờ: “Là thật chứ, hai cho con tôi được vào đó để ở qua hết mùa dịch?” - chú hỏi như để tìm câu trả lời chắc chắn.
Giọng chú Hiền như nhẹ đi rất nhiều sau bao nỗi lo toan: “Hai cha con mình sẽ an toàn hơn trong mấy ngày dịch bệnh này. Có nơi chốn để ở, có miếng cơm để ăn là được rồi”.
Sáng 7-4, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết từ ngày 3-4 đến nay, Sở đã đưa 87 trường hợp là người vô gia cư, không có nơi ở vào các trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố. Đây là một trong những cách để chăm lo cho đời sống của những đối tượng này trong mùa dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho sức khỏe của họ. Trước thời điểm dịch xảy ra, Sở cũng đã hoàn tất việc đưa 385 trường hợp vô gia cư khác vào các trung tâm. Với những người lang thang, người bán vé số… như cô Phương, chú Vinh, chú Hiền ở trên, họ mong gì hơn ngoài việc có một cuộc sống thật sự yên ổn trong lúc này: Có nơi để trú ngụ, không lang thang, qua đêm ngoài đường, không là mối lo cho những người khác. Mảnh đất Sài Gòn đã không để họ đứng ngoài lề trong cơn càn quét của dịch COVID-19. Từ các cấp chính quyền đến từng người dân ở thành phố, họ đã cùng đồng lòng, chung sức, chung một mối quan tâm, chăm lo cho những người còn khó khăn, không nơi chốn giữa mùa đại dịch. |