Nhằm tiếp nhận mọi phản ánh, tạo kênh thông tin trao đổi, tuyên truyền tới từng hộ dân trên địa bàn phường, Công an phường Trường Thọ, quận Thủ Đức đã xây dựng nhóm Zalo và Facebook cho người dân.
Cứ nhắn qua Zalo sẽ được giải quyết
Nói về kênh thông tin tiếp nhận phản ánh của phường Trường Thọ, chị Nguyễn Thị Thu Nguyệt, khu phố 6, chia sẻ: “Cách đây một năm, cảnh sát khu vực có xuống nhà để giới thiệu và hướng dẫn đăng nhập vào nhóm Zalo do công an phường tạo ra. Ban đầu tôi nghĩ nhóm này không giải quyết vấn đề gì nên cũng ngần ngại tham gia, ai dè hỗ trợ được nhiều chuyện lớn lắm. Từ các hoạt động tuyên truyền, cảnh giác cho người dân, cách phòng, chống cháy nổ, cảnh giác với trộm cướp... đến những vụ cướp xảy ra gần đây cũng được công an phường nhắc nhở, cảnh báo. Không chỉ vậy, thông qua đây người dân có thể phản ánh trực tiếp với phường về tình trạng đốt rác gây ô nhiễm, mang rác ra bãi đất trống bỏ, hát karaoke gây ồn... Tóm lại là ngồi ở nhà cũng được công an hỗ trợ”.
Cách đây hai tháng, có một cụ ông đi lạc lên địa bàn phường. Cụ cứ đi bộ thơ thẩn, hỏi nhà ở đâu cũng không nhớ và có vẻ đang rất đói. Chị Nguyệt lên nhóm nói có một cụ ông đang đi lạc, hiện người dân đang giữ lại, mong công an phường hỗ trợ. Ngay sau đó, công an phường đã cho người xuống tiếp nhận và đưa cụ ông về phường để tìm người thân cho cụ. Qua nhiều lần hỏi thăm, cụ ông nói mình tên Quang Viễn, nhà ở quận 2, đang đi lấy lương hưu thì đi lạc lên quận Thủ Đức. Dựa vào những thông tin đó, công an đã nhanh chóng tìm ra người thân và đón cụ ngay trong ngày. “Cứ nghĩ vào nhóm Zalo này chỉ để nghe cảnh báo thôi, ai ngờ giúp nhau được nhiều chuyện như vậy” - chị Nguyệt nói.
Tương tự, trên nhóm Zalo, nhiều người dân cũng phản ánh về tình trạng có người mang rác ra bãi đất trống bỏ gây ô nhiễm môi trường. Tiếp nhận phản ánh, trưởng Công an phường Trường Thọ nhắn lại: “Đã tiếp nhận. Đề nghị cảnh sát khu vực cùng với lực lượng dân phòng ghi nhận và xử lý”. Từ đó nhiều trường hợp đổ rác trộm bị xử lý giảm hẳn.
Công an phường Trường Thọ quan sát camera để xử lý thông tin ngay sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân. Ảnh: ĐÀO TRANG
Các thông tin phản ánh của người dân thông qua Zalo của phường. Ảnh: ĐÀO TRANG
Khó nhất là xây dựng lòng tin trong dân
Trung tá Nguyễn Thanh Hồng, Trưởng Công an phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, cho biết thực hiện ý kiến chỉ đạo của Quận ủy, Ban chỉ huy quận Thủ Đức về việc tăng cường tương tác với người dân, công an phường đã xây dựng Zalo, Facebook để tiếp nhận phản ánh. Sau khi tiếp nhận thông tin từ người dân, công an sẽ giải quyết và hỗ trợ.
Nhớ lại những ngày đầu mới xây dựng Zalo, Trung tá Hồng chia sẻ: Khó khăn lớn nhất chính là xây dựng lòng tin với người dân. Ban đầu nhiều người còn ngần ngại không biết rằng những nhóm này có thực sự mang lại hiệu quả hay không. Tuy nhiên, công an vẫn cử cảnh sát khu vực, lực lượng dân quân, tổ dân phố xuống các hộ dân vận động mọi người tham gia. Mục đích nhằm để truyền tải thông tin tuyên truyền tới người dân một cách nhanh chóng vì đa phần ai cũng sử dụng điện thoại thông minh. Đồng thời, Zalo cũng là kênh thông tin để người dân được phản ánh, nhận kết quả và tương tác qua lại giữa phường với dân. Cứ như vậy, đến nay đã có khoảng 500 người tham gia nhóm Zalo này.
Bên cạnh những phản ánh liên quan đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn phường, công an phường thường xuyên cập nhật các thủ đoạn, hành vi của các đối tượng xấu để truyền tải cho người dân nắm. Đa phần các vụ án xảy ra trên địa bàn phường đều có thủ đoạn giống nhau, từ đó công an phường tập hợp lại, kèm với hướng xử lý rồi chuyển lên Facebook, Zalo cho người dân cảnh giác.
Công an của thời đại 4.0 Thời đại 4.0 rồi nên không thể cứ có việc lại chạy lên phường để trình báo được. Theo tôi, thời đại 4.0 là phải vậy, chính quyền phải đi sâu sát với người dân, cần tiếp cận nhanh và xử lý triệt để. Giả sử phường Trường Thọ có lượng xe container đi vào cảng lớn, dễ xảy ra tai nạn, vậy công an phường cảnh báo cho người dân bằng cách nào? Chúng ta không thể kể, mô tả được mà công an phường phải đi quay, chụp ảnh lại. Từ đó chỉ ra đoạn đường nguy hiểm và người dân cần làm gì để đi lại an toàn. Mới đây trên địa bàn phường xuất hiện trộm cắp tài sản, hai người này đi mô tô không biển số. Dựa vào camera phường, chúng tôi gửi ảnh qua Zalo, đề nghị người dân cảnh giác. Không ngờ rất nhiều người dân cũng gửi hình ảnh các đối tượng này, nói rằng họ đã đi qua khu vực này và động viên công an sớm tìm ra thủ phạm. Chỉ cần nhận được những lời động viên từ người dân như vậy, những người làm nghề như chúng tôi cũng cảm thấy được an ủi. Chúng tôi dự định sẽ quay các clip cung cấp cho người dân. Trong đó dựng lại nhiều tình huống như các trường hợp người dân thiếu cảnh giác, không quan sát khi đi lại hoặc sử dụng điện thoại khi chạy xe đã tạo điều kiện cho kẻ gian ra tay. Với phương án này, thông tin tuyên truyền sẽ mang lại hiệu quả hơn. Trung tá NGUYỄN THANH HỒNG, Trưởng Công an phường Trường Thọ, quận Thủ Đức |