Lãnh đạo UBND thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, Quảng Nam giãi bày về vụ tai nạn thương tâm như trên. Ông này cũng cho hay là có tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về hầm vàng trái phép, có biết chuyện phu vàng cho nổ mìn phá giấc ngủ người dân nhưng chần chừ, đợi sau khi bầu cử sẽ phối hợp các cơ quan chức năng đẩy đuổi phu vàng ra khỏi rừng. Ông chủ quan và không hề báo lên huyện về hầm vàng chui đang hoạt động…
Xin không bàn đến nỗi nghi ngờ của người dân là cấp xã đã làm ngơ cho hầm vàng nổ mìn ỳ đùng chỉ cách trụ sở UBND thị trấn 2 km; làm ngơ cho máy móc tại hầm vàng hoạt động… để “đổi chác” một lợi ích nào đó, mà chỉ bàn về trách nhiệm công vụ của lãnh đạo địa phương này.
Ai cũng biết lãnh đạo một thị trấn việc công rất nhiều và những việc công này suy cho cùng là tạo ra môi trường sống an toàn, tốt hơn trên tất cả lĩnh vực cho mọi người trong địa bàn mình quản lý. Để thực hiện điều này, Nhà nước, nhân dân trao cho người đứng đầu những quyền hạn để họ thực hiện việc quản lý. Cùng với đó là trách nhiệm cá nhân rõ ràng được quy định trong luật cán bộ, công chức. Tuy nhiên, luật chỉ dừng lại ở việc ràng buộc bằng các quy định chứ không thể nêu hết việc nào làm trước việc nào làm sau với từng vị trí, chức danh cụ thể. Vì vậy, nếu tin là ông chủ tịch quá chủ quan, không nghĩ là chuyện khai thác vàng chui sẽ gây hậu quả đau lòng thì ông thiếu mẫn cảm trong việc điều hành.
Hiệu quả công việc sẽ là thước đo. Ông điều hành, quản lý một địa phương mà lại chủ quan để xảy ra chuyện quá đáng tiếc, nếu cơ quan chức năng không phát hiện ra chuyện tiêu cực, trách nhiệm công vụ của người đứng đầu địa phương sẽ bị xem xét…
Công vụ vốn trừu tượng nhưng trách nhiệm công vụ rất dễ đong đếm là vậy.