Tại Hội nghị giao ban công tác tổ chức giao thông mở rộng và giải quyết 10 khu vực phức tạp về giao thông trên địa bàn TP.HCM ngày 2-11, Trung tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng CSGT đường bộ-đường sắt (PC67), Công an TP.HCM, cho biết: Có 10 khu vực trọng điểm phức tạp về giao thông sẽ được theo dõi chặt chẽ và lên phương án bố trí lực lượng để giải quyết ùn tắc trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, PC67 xác định khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) và cảng Cát Lái vẫn là hai điểm nóng nhất của TP, phức tạp về giao thông.
Đối với khu vực sân bay TSN, Trung tá Phong cảnh báo: Các tuyến đường rất đông, chỉ cần một sự cố nhỏ như va chạm giao thông, xe chết máy thì có thể gây ùn tắc ngay. “Lực lượng CSGT phải cố gắng không để sự cố xảy ra; khi có sự cố thì khắc phục thật nhanh” - ông Phong nói và cho biết PC67 đã lên kế hoạch bố trí lực lượng hợp lý, sẽ có những khu vực có CSGT 24/24 giờ.
Khu vực sân bay Tân Sơn Nhất là điểm nóng nhất của TP về giao thông. Ảnh: HTD
PC67 đề nghị Công an quận Tân Bình xử lý hàng rong, taxi, Grab, Uber đậu đỗ gây mất trật tự. Phía Cảng hàng không TSN cần bố trí người, sắp xếp xe cộ trong khu vực sân bay, không để tình trạng quá tải dẫn đến ùn ứ ra đường Trường Sơn. “Nếu để bên trong sân bay ùn ứ, gây ảnh hưởng bên ngoài thì trách nhiệm thuộc về Cảng hàng không TSN” - Trung tá Phong đề nghị.
Đặc biệt, Trưởng PC67 cho rằng dù sân bay có bãi xe lớn nhưng số xe cộ đón người thân từ sân bay, số taxi dừng đậu đón khách vẫn gây ùn ứ. Do đó, PC67 đề xuất việc xây dựng một “bãi đáp” dùng là nơi để đậu xe khi sân bay quá tải.
Tương tự, ở khu vực cảng Cát Lái, PC67 cũng nhận định tình hình ùn tắc “y chang sân bay TSN”. “Phía cảng Cát Lái phải tính toán được lượng tàu cập bến, lượng xe ra vào cảng để điều phối xe vào nhận hàng cho hợp lý. Đồng thời, cảng cũng cần nghiên cứu khu vực đất trống, xây dựng bãi “cứu” phương tiện, không để xe cộ chờ trên đường. Nếu cảng không bố trí được, để cho phương tiện ra vào cảng gây ảnh hưởng bên ngoài thì cảng phải chịu trách nhiệm” - ông Phong khẳng định.
Tại hội nghị, đại diện Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 cũng nhận định vòng xoay Lăng Cha Cả là khu vực có áp lực lớn, nếu khu này ùn tắc thì lan tỏa ra các khu vực khác rất nhanh. Do đó, hiện nay khu có đề xuất mở rộng một số tuyến đường như Hoàng Văn Thụ, Trần Quốc Hoàn. Đặc biệt, đề xuất Sở GTVT hai phương án: Xóa bỏ vòng xuyến tại khu vực Lăng Cha Cả để xây dựng các tiểu đảo dẫn hướng giao thông kết hợp đèn tín hiệu giao thông và điều chỉnh phân làn giao thông tại khu vực Hoàng Văn Thụ - Út Tịch - Cộng Hòa, giảm việc giao cắt.
Góp ý về giải pháp, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM, đề nghị trong thời gian tới các cơ quan, đơn vị sẽ phối hợp đều tay, nhất là ở các điểm có nguy cơ ùn tắc. “Phải đưa lực lượng bố trí trước khi xảy ra ùn tắc, đừng để khi ùn tắc rồi mới đưa lực lượng ra điều tiết thì rất khó” - ông Tường nhấn mạnh.
10 khu vực trọng điểm phức tạp về giao thông Khu vực sân bay TSN, cảng Cát Lái, cảng Trường Thọ, ngã tư Tây Hòa, ngã tư Thủ Đức, vòng xoay Phạm Văn Đồng - Nguyễn Thái Sơn - Bạch Đằng - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Kiệm, ngã sáu Công trường Dân Chủ, ngã năm Đài liệt sĩ, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quốc lộ 13 (từ Bạch Đằng đến cầu Bình Triệu), giao lộ Nguyễn Hữu Thọ và Nguyễn Văn Linh, đường Dương Bá Trạc, tuyến quốc lộ 1 cầu Bình Điền. |